Trong số các điểm di tích của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, tỉnh Bắc Ninh có 2 di tích là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà.
Đây là hai danh lam cổ tự có những giá trị nổi bật toàn cầu, độc đáo riêng có, minh chứng cho sự trường tồn của Phật giáo Trúc Lâm - dòng Thiền mang tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời và hồn cốt văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh, thành quả của sự nỗ lực gìn giữ, bảo vệ và lan tỏa giá trị văn hóa không gian Phật giáo Trúc Lâm qua nhiều thế hệ.
Nhân dịp Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về sự lan tỏa giá trị không gian Phật giáo Trúc Lâm trên vùng đất Kinh Bắc.
Bài 1: Chùa Vĩnh Nghiêm - chốn Tổ rạng danh Phật giáo
Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) nằm ở phường Tân An, tỉnh Bắc Ninh. Chùa tọa lạc nơi cảnh quan sơn thủy hữu tình, đúng thế đất phong thủy “đầu gối sơn, chân đạp thủy." Được coi là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.
Ngôi chùa hơn 700 năm tuổi - nơi khởi nguồn Phật giáo Trúc Lâm
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời Lý với tên gọi ban đầu là chùa Chúc Thánh. Đến thời Trần, chùa được mở rộng, tôn tạo và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm, mang ý nghĩa “mãi mãi tôn nghiêm."
Theo Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, chùa từng là nơi trụ trì, thuyết pháp của ba vị Trúc Lâm Tam tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và là nơi đào tạo, định chức danh cho các tăng sỹ thời Trần. Đặc biệt, năm 1313, Đệ Nhị tổ Pháp Loa đã tiến hành “quy định chức tước các tăng nhân trong nước. Từ đó, các tăng nhân trong nước mới có sổ sách và đều thuộc quyền quản trị của Sư." Có thể xem đây là cột mốc đánh dấu sự ra đời của hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt đầu tiên - một bước tiến lớn về quản lý, phát triển tôn giáo trong lịch sử dân tộc.
Trong suốt hơn 7 thế kỷ, nơi đây không chỉ là trung tâm đào tạo tăng đồ lớn nhất của dòng Thiền Trúc Lâm mà còn là nơi lưu giữ tinh thần độc lập, tự chủ và gắn bó mật thiết với văn hóa dân tộc. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được dáng vẻ uy nghiêm, cổ kính, là biểu tượng sống động của Phật giáo Việt Nam.
Với diện tích khoảng 2 ha, chùa có lối kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa, bao gồm 5 tổ hợp chính là Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông và Nhà Tổ đệ nhị. Từ cổng Tam quan, du khách bước vào không gian thiền môn yên tĩnh. Tam quan chùa có ba gian hai tầng, mái cong lợp ngói mũi hài truyền thống, biểu trưng cho sự chuyển hóa từ cõi tục sang cõi thiền. Tam bảo được dựng bằng gỗ quý, mái chồng diêm, các đầu đao cong vút như cánh sen, nội thất chạm khắc tinh xảo với rồng, mây, hoa văn Phật giáo.

Gác chuông đặt tại trung tâm sân chùa có kiến trúc hai tầng tám mái, chuông cổ treo trên sàn gỗ - mỗi khi ngân vang tạo âm hưởng trầm mặc, linh thiêng. Nhà Tổ - nơi thờ Tam Tổ Trúc Lâm được bố trí trang trọng, thể hiện lòng tôn kính đối với những bậc tiền nhân khai sáng đạo thiền Việt. Với lối kiến trúc độc đáo, giàu bản sắc của Phật giáo thời Trần, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, Vĩnh Nghiêm được coi là “đại danh lam cổ tự," hiếm nơi nào trong vùng có thể sánh kịp.
Đến với chùa Vĩnh Nghiêm, du khách không chỉ được chiêm bái một di tích Phật giáo có giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt mà còn được đắm mình trong không gian yên bình, thanh tịnh.
Chị Nguyễn Như Ngọc Anh (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Đặt chân vào chùa, tôi như buông bỏ hết những bộn bề ngoài kia. Cảnh sắc yên tĩnh, hài hòa, kiến trúc độc đáo, đậm dấu ấn Phật giáo xa xưa, khiến tâm hồn nhẹ nhõm. Đây là điểm đến để chữa lành."
Không chỉ thu hút các phật tử, chùa Vĩnh Nghiêm còn là điểm đến lý tưởng cho khách quốc tế tìm hiểu về Phật giáo và kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Sự kết hợp giữa không gian tôn giáo linh thiêng với chiều sâu văn hóa - lịch sử khiến nơi đây ngày càng có sức hút vượt ra ngoài biên giới.
Kho Mộc bản - di sản tư liệu độc nhất vô nhị của Phật giáo Trúc Lâm
Một trong những giá trị đặc biệt làm nên danh tiếng và vị thế của chùa Vĩnh Nghiêm chính là kho Mộc bản kinh Phật, được xem là “báu vật tinh thần” vô giá của Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa dân tộc Việt Nam. Kho Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2012. Đây là bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, phật tử xưa nay.
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, với 3.050 bản khắc gỗ vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay, đây là kho tư liệu gốc duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm còn lưu giữ được tại Việt Nam. Các mộc bản này được khắc bằng chữ Hán-Nôm trên gỗ thị, có đặc tính bền chắc, ít cong vênh, mối mọt. Kỹ thuật khắc rất tinh xảo với nét chữ đều, sắc, cân đối, thể hiện tay nghề cao của các nghệ nhân xưa.
Không chỉ mang giá trị nghệ thuật điêu khắc và thư pháp, mỗi bản mộc còn là một tác phẩm học thuật, ghi chép kinh kệ Phật giáo, luật giới, nghi lễ, truyện ký... phản ánh đầy đủ tư tưởng và giáo lý của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trong đó, có “Thiền tông bản hạnh”- tài liệu kinh điển của Phật giáo Trúc Lâm hiện còn giữ được bản duy nhất ở chùa Vĩnh Nghiêm. Mẫu chữ Nôm từ sách "Thiền tông bản hạnh" - một phần của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ bộ tượng Tam Tổ Trúc Lâm được tạc bằng gỗ mít vào thế kỷ 19 - được công nhận là Bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó là hệ thống hơn 100 pho tượng cổ cùng 8 tấm bia đá ghi lại tiến trình hình thành, phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tạo nên một không gian linh thiêng và giàu chiều sâu lịch sử.
Hằng năm, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch - cũng là ngày giỗ Tổ. Đây là dịp thu hút hàng vạn tăng ni, phật tử và du khách thập phương về chiêm bái, dâng hương tưởng niệm công đức Tam Tổ, tham dự các nghi thức Phật giáo truyền thống như lễ cầu an, tụng kinh, thả hoa đăng...
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, trở thành không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của vùng Kinh Bắc; góp phần bảo tồn và lan tỏa những giá trị đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống đương đại./.
Bài 2: Chùa Bổ Đà - đại danh lam cổ tự nổi tiếng vùng Kinh Bắc
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bai-1-chua-vinh-nghiem-chon-to-rang-danh-phat-giao-post1051926.vnp
Bình luận (0)