Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 2: Đột phá cải cách, khẳng định vị thế 'đầu tàu' kinh tế

(Chinhphu.vn) - Bước vào giai đoạn phát triển mới, TPHCM không chỉ đứng trước nhiều cơ hội mà còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong quá trình hoạt động đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm nghẽn như "chiếc áo quá chật" đối với quy mô ngày càng lớn của Thành phố, buộc phải có những cải cách đột phá nhằm giữ vững vị trí đầu tàu cho TPHCM.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ27/04/2025

Thách thức suy giảm

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, TPHCM đã khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế - xã hội cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố được duy trì cao và ổn định, từng bước hình thành các cực tăng trưởng. Kết quả tích cực này phản ánh những nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và người dân Thành phố.

Bài 2: Đột phá cải cách, khẳng định vị thế 'đầu tàu' kinh tế- Ảnh 1.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, tiềm năng cũng như lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả - Ảnh: VGP

Mặc dù vậy, theo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, tiềm năng cũng như lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các địa phương trong thu hút đầu tư đã làm giảm tính vượt trội, vai trò động lực, dẫn dắt của Thành phố đối với khu vực và cả nước. Đồng thời, các vấn đề về hạ tầng giao thông quá tải, triều cường, cùng những khó khăn phát sinh mới vẫn là điểm nghẽn lớn cản trở sự phát triển bền vững.

Những thách thức này càng lớn khi Thành phố tiến hành Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. TPHCM không chỉ phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn mà còn đối diện với thách thức chưa từng có tiền lệ - đại dịch COVID-19.

Giai đoạn 2020-2021, Thành phố là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do 62% hoạt động kinh tế phụ thuộc vào thương mại và dịch vụ. Năm 2021, kinh tế Thành phố rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm 4,1% - cú sốc lớn nhất trong gần 40 năm đổi mới. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự hỗ trợ từ các địa phương và tinh thần quyết tâm của hệ thống chính trị, đội ngũ y bác sĩ, doanh nghiệp và người dân, TPHCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có này.

Năm 2022, Thành phố từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, nhưng đầu năm 2023 lại tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới từ bối cảnh kinh tế thế giới và những tồn đọng trong nước. Các vụ án kinh tế nghiêm trọng cùng việc xử lý kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và quyết định của đội ngũ cán bộ quản lý. Dù vậy, với nghị lực, ý chí cùng quyết tâm của mình, TPHCM đã vượt qua "cơn gió ngược", đạt tăng trưởng 5,81% năm 2023 và 7,2% năm 2024.

Bài 2: Đột phá cải cách, khẳng định vị thế 'đầu tàu' kinh tế- Ảnh 2.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhìn nhận, trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TPHCM so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhìn nhận, trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TPHCM so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút. Tỉ trọng kinh tế TPHCM so với cả nước đang giảm dần, số lượng doanh nghiệp lớn nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (97%), sức cạnh tranh chưa cao. Tỉ trọng xuất khẩu cũng giảm nhanh, chỉ chiếm 12% của cả nước vào năm 2023, trong khi công nghiệp chỉ chiếm 19% GRDP (thấp hơn mức trung bình cả nước là 32%).

Đáng lo ngại hơn là trong những năm qua, kinh tế Thành phố phát triển cơ bản theo chiều rộng nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng được hướng phát triển này; diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM đạt 5.921 ha, chỉ chiếm 2,81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ.

Do đó, TPHCM cần tái cơ cấu nền kinh tế hay chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Ông Phạm Bình An đánh giá chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế được xem là một trong những giải pháp hàng đầu của TPHCM trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu. Sự chuyển dịch này đi đúng hướng theo định hướng của Chính phủ và của UBND TPHCM, đồng thời là bước đệm để Thành phố từng bước trở thành trung tâm thương mại, khoa học công nghệ của khu vực.

Bài 2: Đột phá cải cách, khẳng định vị thế 'đầu tàu' kinh tế- Ảnh 3.

Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98: Dòng chảy của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là thời cơ để TPHCM củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của mình đối với cả nước và khẳng định vị thế tương xứng đối với khu vực và thế giới - Ảnh: VGP

Đột phá chính sách

Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, ngoài những hệ quả của đại dịch COVID-19 cùng những tồn tại, bất cập kéo dài, TPHCM đang còn phải đối diện với nhiều thử thách phải vượt qua. Tuy nhiên, Thành phố cũng đang đứng trước cơ hội to lớn để cùng cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Theo ông Lịch, Trung ương đang hỗ trợ đặc biệt cho Thành phố để có bước đột phá trong tháo gỡ 2 điểm nghẽn cố hữu là hạ tầng giao thông và cơ chế quản lý của một siêu đô thị.

Cơ chế mở rộng phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm" bằng nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng... đã và đang hình thành một khung pháp lý hoàn chỉnh cho chính quyền đô thị TPHCM chủ động quản lý và huy động nguồn lực đầu tư phát triển; khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo của người dân Thành phố.

Thực tế, sự bất cập trong mô hình quản lý một đô thị "đặc biệt" như TPHCM đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, với hình tượng rất dễ hiểu là "Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh".

Từ đó, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị TPHCM được đặt ra, theo đó Thành phố chủ động xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị. Đến nay, một số ý tưởng trong Đề án này được thể chế hóa và mô hình chính quyền đô thị của Thành phố đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đặc biệt, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31, định hướng phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là cơ sở chính trị quan trọng để Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98 với 44 cơ chế, chính sách đặc thù trên 7 lĩnh vực lĩnh vực trọng yếu, từ quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tổ chức bộ máy chính quyền. Đây được xem là bước tiến quan trọng, giúp TPHCM tháo gỡ các rào cản thể chế, tạo đà bứt phá trong giai đoạn mới.

"Các nghị quyết đã đặt nền tảng, tiền đề quan trọng giúp Thành phố huy động các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để tiếp tục là hạt nhân, là cực tăng tưởng của cả nước, hướng tới phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn - vì cả nước, cùng cả nước", PGS.TS. Trần Hoàng Ngân đánh giá.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục tích cực chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Đồng thời, cần tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực hợp lý. Hạn chế thấp nhất độ trễ trong khâu triển khai nhằm gia tăng hiệu quả tác động của chính sách.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, mục tiêu đến năm 2030 của TPHCM là đạt mức GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD. Điều này đồng nghĩa với việc Thành phố phải duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 10-11% mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030 - một thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, bước vào năm 2025 với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Chính phủ trong việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính các cấp, tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" về thể chế; xây dựng nền công vụ phục vụ phát triển sẽ là cơ hội để TPHCM phát huy truyền thống năng động sáng tạo của người dân Thành phố trong 50 năm xây dựng và phát triển vừa qua, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, mà Thành phố có nhiều dư địa và lợi thế chưa được tận dụng, khai thác.

"Dòng chảy của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là thời cơ để Thành phố củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của mình đối với cả nước và khẳng định vị thế tương xứng đối với khu vực và thế giới", TS. Trần Du Lịch nhìn nhận.

Anh Thơ - Khánh Linh

Còn tiếp: Bài 3: Bứt phá để dẫn đầu


Nguồn: https://baochinhphu.vn/bai-2-dot-pha-cai-cach-khang-dinh-vi-the-dau-tau-kinh-te-102250409105443221.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm