(VLO) Để OCOP Vĩnh Long thực sự trở thành thương hiệu mạnh, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt.
Doanh nghiệp chú trọng đầu tư
Nhận thức được chất lượng sản phẩm là chìa khóa để chinh phục thị trường, nhiều doanh nghiệp OCOP tại Vĩnh Long đã chủ động đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và tìm hướng đi khác biệt để nâng cao giá trị sản phẩm.
Chao Thuận Duyên là điển hình trong việc chủ động đổi mới để tạo khác biệt. Nếu như chao truyền thống thường “mùi vị quen thuộc”, thì cải tiến và đa dạng sản phẩm là cách công ty bắt tay thực hiện.
Nhờ cải tiến công thức và mẫu mã, sản phẩm chao Thuận Duyên ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. |
Bà Nguyễn Thị Trúc Linh- Giám đốc Công ty TNHH Thuận Duyên Food chia sẻ: “Muốn có chỗ đứng phải tạo ra một ý tưởng mới lạ cho sản phẩm. Vì vậy, tôi tận dụng lá dứa và dừa- những nguyên liệu sẵn có ở quê để tạo ra chao lá dứa, chao dừa hiện thị trường chưa có”. Ngoài ra, công ty còn cải tiến công thức, giảm mặn, nêm gia vị sẵn “để người tiêu dùng mua về có thể dùng ngay”.
Bà Nguyễn Thị Trúc Linh cũng cho biết, công ty đầu tư lại nhà xưởng, cải tiến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP. Đây là tiểu chuẩn giúp doanh nghiệp kiểm soát một cách toàn diện những mối nguy có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
Tạo điều kiện để các sản phẩm chao của đơn vị này nâng xếp hạn từ 3 sao lên 4 sao. Từ đó, mở rộng kênh tiêu thụ mạnh mẽ, từ các siêu thị lớn đến nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Facebook, Zalo. Đặc biệt, sản phẩm này đã xuất khẩu thành công sang Canada, Úc, Mỹ, Thụy Sĩ và Campuchia, nâng doanh số lên nhiều lần so với trước.
Công ty TNHH Đông Phát Food đầu tư mạnh vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Không chỉ đổi mới bao bì, nhiều doanh nghiệp OCOP tại Vĩnh Long đã mạnh tay đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH Đông Phát Food đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng hiện đại, máy móc tiên tiến nhằm chế biến khoai lang sấy, đặc trưng của huyện Bình Tân. Công ty cũng chủ động liên kết với các hợp tác xã sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giảm chi phí sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Mai- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food nói: “Chúng tôi không ngừng cải tiến về máy móc, kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Mẫu mã bao bì cũng được đổi mới, bắt mắt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhờ đó, hiện 80% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Khoai lang tím sấy đã đạt chứng nhận OCOP 5 sao”.
Địa phương tiếp sức
Vũng Liêm là địa phương tiên phong khi mở 2 cửa hàng OCOP tại chợ Hiếu Phụng và chợ Vũng Liêm nhằm trưng bày và bán hơn 35 sản phẩm đặc sản mang đậm bản sắc địa phương.
Trong đó, có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: chả lụa Thành Công, gạo hữu cơ Tấn Đạt, mứt dừa lá dứa Đức Đạt, cốm gạo Hoàng Trang, lạp xưởng Hiệp Ký…
Dây chuyền sản xuất sản phẩm chao Thuận Duyên đạt chuẩn HACCP. |
Theo ông Nguyễn Văn Phước Thiện- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vũng Liêm, việc ra mắt các điểm bán hàng này không chỉ tạo cầu nối quan trọng giữa người sản xuất và người tiêu dùng, mà còn góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương một cách bền vững.
“Hiện chúng tôi đang nghiên cứu, hỗ trợ về công tác tổ chức và một phần kinh phí để 2 cửa hàng hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, hàng tháng, các chủ thể OCOP sẽ cùng ngồi lại để đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.”- ông Nguyễn Văn Phước Thiện cho biết thêm.
Trong định hướng, để thương hiệu sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả, bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường, Vĩnh Long sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ thông qua các hệ thống siêu thị trong nước, tham gia sàn thương mại điện tử.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Lữ Quang Ngời, tỉnh đã có chủ trương, chính sách tập trung khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại hướng đến mục tiêu nhanh chóng đưa các sản phẩm nông nghiệp trở thành một loại hình hàng hóa thế mạnh của tỉnh, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp.
Việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP được lồng ghép với chương trình khuyến công, chương trình phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, chương trình xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Lữ Quang Ngời cũng cho biết sẽ tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh về nguyên liệu, văn hóa như: các sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiềm năng gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, để sản phẩm OCOP sớm trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202503/san-pham-ocop-vinh-long-mang-dam-ban-sac-dia-phuong-bai-cuoi-nang-cao-chat-luong-de-san-pham-ocop-vuon-xa-d474109/
Bình luận (0)