(Cổng TTĐT) Sáng nay 28/6/2024, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh tổ chức phiên họp đánh giá kết quả thực hiện công tác CĐS theo Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh và 6 tháng đầu năm 2024, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì phiên họp.

Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị được cải thiện, các điểm số thành phần về nhận thức số, thể chế số và hạ tầng số đều tăng đáng kể. Các cơ quan truyền thồng bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp chặt chẽ, mở các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số.
Đến nay, 92,7% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh; tỷ lệ người sử dụng Internet (cố định và di động) đạt 103,97%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 72,595%; 100% các cơ quan nhà nước có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.
100% các sở, ban ngành và địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tham mưu công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin. 100 xã và 715 thôn trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ Công nghệ số cộng đồng với 4.327 thành viên tham gia.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh đến nay đã kết nối với Trung tâm giám sát quốc gia về chính phủ số (EMC) và đã chuyển đổi sang công nghệ IPv6; Quảng Trị đã hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh tạo thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Toàn tỉnh đã cung cấp 647 dịch vụ công trực tuyến một phần và 1.081 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Toàn tỉnh có 285.394 hồ sơ định danh điện tử, trong đó có 189.631 tài khoản đã được kích hoạt....
Về triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 1982/QĐ-UBND của UBND tỉnh, có 11/11 nhóm nhiệm vụ chung được giao cơ bản đã triển khai thực hiện. Đã triển khai 11/21 nhiệm vụ phát triển chính quyền số, 5/9 nhiệm vụ phát triển kinh tế số, 1/6 nhiệm vụ phát triển xã hội số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nhận thức về chuyển đổi số ở một số cơ quan, địa phương chưa thực sự rõ ràng; chưa định hình được các nội dung triển khai chuyển đổi số trong đơn vị, địa phương, lĩnh vực; người đứng đầu tại một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao, cần cập nhật, làm sạch để thực hiện kết nối và chia sẻ. Tình hình ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do đó kinh phí dành cho chuyển đổi số chưa tương xứng với các nhiệm vụ đặt ra...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chỉ ra các nhiệm vụ chưa hoàn thành theo Quyết định 1982/QĐ-UBND; đồng thời đề nghị các ngành theo chức năng nhiệm vụ chịu trách nhiệm về chuyển đổi số của ngành mình; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hỗ trợ về mặt chuyên môn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động vì vậy để chuyển đổi số thành công, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số. Các ngành cần vạch ra tầm nhìn cho ngành mình, địa phương mình để theo dõi, chỉ đạo thực hiện hiệu quả.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, hiện nay công tác CĐS đã không còn xa lạ bởi gắn với thực tiễn cuộc sống, là một trong những giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đây cũng là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để phục vụ công việc của các sở, ngành, địa phương.
Xác định CĐS là nhiệm vụ tất yếu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải được tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục với những bước đi chắc chắn, có trọng tâm, trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, BCĐ rà soát lại các nhiệm vụ phân công cho các sở, ngành, rà soát các tiêu chí đánh giá việc thực hiện CĐS của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Đánh giá lại việc tổ chức thực hiện CĐS từ khâu điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành, khai thác có hiệu quả, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng đầu tư cho thực hiện CĐS, đổi mới hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công...
Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành và yêu cầu tích hợp về kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh để làm giàu dữ liệu cho tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí đủ kinh phí thực hiện chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Nội vụ theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị làm căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Hồng Hà
Nguồn: https://www.quangtri.gov.vn/chi-tiet-tin/-/view-article/1/13848241113627/1719561628574
Bình luận (0)