Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bản nhỏ bình yên bên dòng sông Chu

(Baothanhhoa.vn) - Nằm bên bờ sông Chu, bản Mạ (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân) vẫn giữ được nếp sống bao đời. Tận dụng vẻ đẹp vốn có mà thiên nhiên ban tặng, bản Mạ chuyển mình trở thành bản du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa28/03/2025

Bản nhỏ bình yên bên dòng sông Chu

Bản Mạ tạo điểm nhấn bằng dòng chữ “Du lịch bản Mạ” màu trắng trên nền cỏ xanh bên dòng sông Chu.

Cổ tích mới bên sông

Mạ theo tiếng Thái nghĩa là ngựa. Cái tên bản Mạ có lẽ cũng ra đời theo tích ấy - vùng đất nuôi ngựa. Các già làng ở bản Mạ kể lại rằng, vùng đất này xưa kia là nơi chăn ngựa phục vụ nghĩa quân Lam Sơn. Vào giai đoạn đầu, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn còn mỏng, Lê Lợi phải dẫn quân ngược lên vùng thượng nguồn sông Chu, mượn địa thế hiểm trở của rừng núi để chiêu binh mãi mã. Bà con dân bản đã tự nguyện hiến ngựa và cử người thay phiên nhau cắt cỏ nuôi chiến mã của nghĩa quân Lam Sơn.

Dù bản Mạ đã được đổi tên thành khu dân phố Thanh Xuân, nhưng đồng bào dân tộc Thái nơi đây vẫn quen gọi cái tên bản Mạ như một niềm tự hào. Với họ, niềm tự hào về quê hương như ngọn lửa ấm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày xuân, dòng sông Chu như cô gái tuổi mười tám đôi mươi căng tràn sức sống. Từ thuở khai thiên, dòng sông đã ôm ấp, vỗ về bản làng, cung cấp nguồn nước phục vụ đời sống của người dân và tưới tắm cho những cánh đồng lúa, ngô xanh mơn mởn.

Bản nhỏ bình yên bên dòng sông Chu

Năm 2016 cây cầu treo bắc qua sông Chu được Nhà nước đầu tư đã phá thế biệt lập của bản Mạ.

Bản Mạ tạo điểm nhấn bằng dòng chữ “Du lịch bản Mạ” màu trắng trên nền cỏ xanh in bóng trên dòng sông Chu hiền hòa. Theo lời bí thư chi bộ, trưởng bản Mạ Vi Văn Tiên thì trước năm 2010 người dân bản Mạ lặng lẽ với cuộc sống tách biệt không điện, không đường, không trường, không trạm. Suốt nhiều năm gần 50 hộ dân người Thái Đen khép kín trong không gian văn hóa truyền thống của riêng mình. Năm 2016, cây cầu treo bắc qua sông Chu được Nhà nước đầu tư xây dựng đã phá thế biệt lập của bản Mạ. Từ “vốn liếng” là vẻ đẹp thiên nhiên và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, huyện Thường Xuân đã vận động người dân bản Mạ phát huy tiềm năng để xây dựng bản du lịch cộng đồng. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông trong bản được bê tông hóa kiên cố giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện. Hiện bản Mạ đã được phủ sóng điện thoại, internet, 100% gia đình trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh...

Giữ nếp xưa để làm du lịch

Phát triển du lịch, nhưng ở bản Mạ vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, nhất là còn giữ được 30 ngôi nhà Thái cổ. Nhiều căn nhà rộng rãi, kiên cố đã được sửa chữa, nâng cấp thành những homestay phục vụ khách lưu trú. Ở những ngôi nhà này, bà con dùng gỗ ngắn xếp xung quanh tạo vẻ đẹp riêng.

Bản nhỏ bình yên bên dòng sông Chu

Nhiều căn nhà rộng rãi, kiên cố đã được sửa chữa, nâng cấp thành những homestay phục vụ khách lưu trú tại bản Mạ.

Là một trong những hộ tiên phong làm du lịch tại bản Mạ, ông Vi Văn Tiên chia sẻ: "Khi bắt tay vào làm du lịch, qua tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi, tôi thấy để đầu tư phát triển du lịch lâu dài phải tôn trọng giá trị tự nhiên, giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương và xây dựng các sản phẩm du lịch lấy thiên nhiên là điểm nhấn. Vì thế, tôi đã cải tạo ngôi nhà sàn thành homestay và xây thêm 2 bugalow, chòi mái cọ để du khách nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực. Đồng thời, trồng nhiều loại cây xanh và các loại hoa theo mùa xung quanh nhà. Cùng với đó, tôi tổ chức nhiều dịch vụ trải nghiệm để du khách tham gia như nấu ăn, đốt lửa trại giao lưu văn nghệ, đạp xe, đi bè mảng trên sông".

Với sự giúp đỡ từ chính quyền và sự nỗ lực của người dân, bản Mạ đã thành lập đội văn nghệ để biểu diễn các điệu khặp Thái, nhảy sạp, khua luống... Người dân còn xây dựng từng nhóm hộ trồng rau, nuôi gà, lợn, bắt cá suối và tổ chức nấu ăn phục vụ du lịch khi có khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Những công việc này mang đến nguồn thu nhập tương đối cho người dân trong bản.

Đồng bào dân tộc Thái nói chung và đồng bào dân tộc Thái ở bản Mạ nói riêng luôn tin rằng “vạn vật hữu linh”. Vì thế, mọi công việc quan trọng của bản đều phải “xin phép” thần linh. Và bất cứ lễ nào, người dân cũng chuẩn bị và tổ chức rất chu đáo, cẩn thận. Ví như sau khi gặt xong lúa, dân bản sẽ tổ chức ăn lúa mới, và tất nhiên khách du lịch cũng sẽ được mời tham gia. Ngoài ra, nhiều lễ nghi truyền thống như lễ cầu mùa, lễ cúng thần rừng, lễ làm vía... gắn với thiên nhiên hoang sơ, cảnh sống yên bình, cũng là tài nguyên phục vụ du lịch ở bản Mạ.

Bản nhỏ bình yên bên dòng sông Chu

Phụ nữ Thái ưu tiên mặc trang phục truyền thống hằng ngày để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến với bản Mạ.

Hữu xạ tự nhiên hương, ngày càng có nhiều khách du lịch biết đến điểm du lịch cộng đồng bản Mạ.

Trở về trên lối nhỏ dẫn ra cầu treo, muôn hoa nở rập rờn trong gió, chúng tôi nhìn thấy rõ ánh mắt của những chàng trai, cô gái Thái như sáng dậy niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở ngày mai.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ban-nho-binh-yen-ben-dong-song-chu-243835.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước
Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm