Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 106 nhằm triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Ảnh minh họa. |
Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư có tổng chiều dài 1.541km với tốc độ thiết kế 350km/h, gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thiết kế để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đây được nhận định là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và hiện đại, tiến độ triển khai rất khẩn trương, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, theo nhận định của Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu đơn vị liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án được Quốc hội cho phép áp dụng khi triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong đó, có nghị định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghị định hướng dẫn thực hiện công tác phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ đối với các dự án đường sắt.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ cũng lưu ý việc xây dựng Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt, trong đó xác định nhu cầu đào tạo của các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì.
Về triển khai thực hiện Dự án, Nghị quyết nêu rõ Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, tổ chức lập, trình Thủ tướng quyết định phê duyệt Dự án và tổ chức triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Liên quan tiến độ triển khai, Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ, công việc gắn với từng mốc thời gian cụ thể.
Theo đó, việc tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan, trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu khả thi cần hoàn thành vào tháng 8/2026.
Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 9/2026.
Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi Dự án, cơ bản hoàn thành trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Chính phủ yêu cầu tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và bảo đảm các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31/12/2026; triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành Dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035.
Bên cạnh đó, Chính phủ nêu nhiệm vụ tổ chức đấu giá quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để phát triển đô thị theo quy định của pháp luật để tạo nguồn ngân sách cho địa phương và Trung ương tái đầu tư.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/bao-dam-cac-dieu-kien-de-khoi-cong-xay-dung-duong-sat-cao-toc-bac-nam-truoc-31-12-2026-postid416760.bbg
Bình luận (0)