Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điểm đầu của con đường huyền thoại, Di sản thế giới hôm nay

Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy, Vịnh Hạ Long (VHL) còn là nơi ghi dấu biết bao chiến công hiển hách, chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đặc biệt, với vị trí và địa hình độc đáo, VHL đã ghi tên mình trong hải trình của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, là điểm đầu quan trọng của những “chuyến tàu không số” chi viện cho quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh24/04/2025


Tại Hạ Long, những con tàu được trang bị vũ khí đạn dược, lương thực, sửa chữa rồi đưa sang Đồ Sơn (TP Hải Phòng) tập kết. Cũng từ Hạ Long, nhiều chuyến tàu được đưa thẳng sang đảo Hải Nam (Trung Quốc) để gắn cờ hiệu các nước phương Tây nhằm đánh lạc hướng địch, rồi rẽ sóng hướng về miền Nam. Theo ông Nguyễn Văn Cải, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Quảng Ninh, vì phía Hải Phòng bị phong tỏa thủy lôi, tàu rất khó tiếp cận; trong khi đó Hạ Long rất nhiều hang động có thể giấu hàng, tàu cũng dễ tiếp cận hơn. Những ngày chiến tranh ác liệt, hoạt động của đoàn tàu không số gặp nhiều khó khăn, thậm chí thiệt hại. Nhiều tàu chở hàng đi miền Nam được tránh bom an toàn ngay ở các đảo đá trong khu vực VHL.

Lược đồ Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Những hang động trên VHL chính là những kho tàng bí mật cất giấu vũ khí của những con tàu không số, như: Hang Đầu Gỗ, hang Bồ Nâu, hang Sửng Sốt. Ông Vũ Đăng Khoa (83 tuổi, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), nguyên chiến sĩ tàu 67, chia sẻ: "VHL có địa hình kín, ít bị gió bão, nhiều hang động nên được lựa chọn làm điểm đầu của những chuyến tàu chở vũ khí, lương thực vào miền Nam. Tháng 10/1964 tôi được theo tàu đi vào miền Nam. Tàu 67 của chúng tôi nhận hàng ở Tuần Châu, neo ở hang Trinh Nữ rồi vào Vụng Ếch; nửa đêm đi qua bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) để bảo dưỡng rồi mới chính thức lên đường. Sau chuyến đi lần thứ nhất trót lọt, chúng tôi tiếp tục trở lại Quảng Ninh và tham gia nhiều chuyến tiếp viện gian nan khác".

Trên VHL hiện còn dấu tích nguyên vẹn của cảng quân sự hang Quan, được thi công từ 1/5/1966, được hoàn thành sau đó tròn 4 năm, gồm khu cất tàu, trạm sửa chữa, kho chứa vũ khí, dầu, nước và hai cầu tàu. Trong hang có lối đi thông với trần hang lên đỉnh ngọn đảo, nơi đó đặt một trạm ra-đa và các tháp pháo cao xạ. Giữa lúc chiến tranh ác liệt, cảng vừa thi công vừa được bí mật trưng dụng làm nơi chứa vũ khí và huấn luyện các chiến sĩ đặc công biển. Sau ngày hòa bình, dân chài mới hay nơi đây từng có một quân cảng bí mật.

Bộ đội ta bên xác máy bay phản lực A4D, do Trung úy Hải quân Mỹ E.Alvarez lái, bị bắn hạ trên Vịnh Hạ Long (5/8/1964).

VHL còn là địa điểm chứng kiến nhiều giai đoạn hào hùng của lịch sử. Trên VHL, ngày 24/3/1946, Bác Hồ đã gặp đại diện chính quyền Pháp ở Đông Dương để đàm phán việc ký hòa ước chính thức thay cho Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Người khi vận mệnh Tổ quốc “ngàn cân treo sợi tóc". Ngày 5/8/1964, VHL tiếp tục chứng kiến chiến công đầu tiên của quân và dân miền Bắc, bắn rơi 2 máy bay và bắt sống tên giặc lái đầu tiên của Mỹ trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc XHCN của đế quốc Mỹ. Tất cả đều đã trở thành những địa chỉ đỏ quý giá, có ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau nhớ về những chiến công oanh liệt, đức hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Ngày nay VHL là dấu son trên bản đồ du lịch, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. VHL là Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào năm 1994 về giá trị cảnh quan tự nhiên và mở rộng tiêu chí địa chất - địa mạo vào năm 2000. Năm 2011, VHL trở thành một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Năm 2023, tại kỳ họp thường niên lần thứ 45, Ủy ban Di sản thế giới đã ban hành quyết định phê duyệt mở rộng ranh giới Di sản thế giới VHL bao gồm cả quần đảo Cát Bà của TP Hải Phòng. Năm 2024, Di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Liên hiệp khoa học địa chất quốc tế (IUGS) trao tặng Bằng công nhận Di sản địa chất quốc tế Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, nên tỉnh Quảng Ninh luôn xác định VHL là báu vật được thiên nhiên ban tặng cho nhân loại, là động lực quan trọng để tỉnh phát triển du lịch và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, thúc đẩy kinh tế di sản.

Du khách nước ngoài khám phá Vịnh Hạ Long.

Những năm qua, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý, bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy giá trị di sản VHL theo Công ước Di sản thế giới. Tại các kỳ họp và làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và trách nhiệm của Quảng Ninh trong việc triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ tính toàn vẹn và bền vững khu di sản VHL phù hợp với Công ước Di sản thế giới. Trong đó, đánh giá cao đối với một số giải pháp điển hình mà Quảng Ninh đã triển khai, như: Di dời các hộ dân làng chài trên Vịnh lên bờ sinh sống từ năm 2014; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối khu Di sản từ năm 2018; xây dựng Kế hoạch quản lý di sản; triển khai đánh giá sức tải du lịch khu di sản; tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường; xây dựng đề cương chiến lược quản lý bền vững du lịch VHL; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế “xanh”…

Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những năm gần đây VHL luôn có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, trang web uy tín trên thế giới bình chọn, như: Khu du lịch hàng đầu Việt Nam; Điểm đến hàng đầu Việt Nam; một trong 10 di sản UNESCO ấn tượng nhất châu Á; một trong 10 điểm tham quan du lịch lý tưởng nhất khu vực Đông Nam Á; một trong 24 điểm du lịch đáng đến trong năm 2024... Từ năm 1996 đến nay, VHL đón gần 58 triệu lượt khách, trong đó trên 26 triệu lượt khách Việt Nam, 32 triệu khách nước ngoài; thu phí tham quan trên 8.823 tỷ đồng.

Cảnh đẹp thơ mộng, trường tồn của Vịnh Hạ Long.

Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040... đều gắn kết việc bảo tồn và phát triển bền vững VHL là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng dài hạn. Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý VHL, cho biết: Để phát huy giá trị di sản, chúng tôi hướng đến phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách tham quan, để phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống; phát triển tuyến, điểm và sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; mở rộng không gian du lịch nhằm tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng của du khách, giảm áp lực cho khu vực di sản. Đồng thời chỉ đạo bổ sung các dịch vụ du lịch mới đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, như: Các bãi tắm, hang động mới, các khu vực có cảnh quan đẹp, an toàn; xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc sắc mang bản sắc riêng của VHL...

Nguồn:https://baoquangninh.vn/23-4-diem-dau-cua-con-duong-huyen-thoai-di-san-the-gioi-hom-nay-3353274.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm