Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo đảm hệ thống phòng, chống thiên tai vận hành thông suốt, hiệu quả

Mùa mưa bão 2025 đến trong bối cảnh Hà Nội vừa chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tạo ra những biến động chưa từng có về tổ chức, địa giới và phương thức điều hành.

Hà Nội MớiHà Nội Mới14/07/2025

Để không bị động, thành phố Hà Nội đang chủ động lấp các “khoảng trống” trong tổ chức và điều hành, bảo đảm hệ thống phòng, chống thiên tai vận hành thông suốt, hiệu quả.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Du - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.

nguyen-duy-dui.jpg
Ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Nhận diện thách thức

- Từ đầu năm 2025, thời tiết đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cực đoan, bất thường, đặt công tác phòng chống thiên tai trước những áp lực lớn hơn bao giờ hết. Theo ông, đâu là những nguy cơ đáng lo ngại nhất đối với Hà Nội trong mùa mưa bão năm nay?

- Theo tôi, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn, trong đó thời tiết, thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan với nhiều yếu tố bất thường. Đặc biệt phải kể đến các hiện tượng mưa lớn, lũ lụt, bão và ngập úng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng tiêu thoát nước, đê điều và thủy lợi dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều công trình xuống cấp, chưa phù hợp với quy hoạch và thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với thiên tai có cường độ cao.

Ngoài ra, một bộ phận cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa thực sự chú trọng đến công tác phòng, chống thiên tai, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số địa phương chưa hoàn thành tốt việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Đặc biệt, việc vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, quán triệt và hướng dẫn chi tiết, vẫn cần được thử thách qua thực tế, đòi hỏi sự quyết tâm và vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về tác động của việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đối với công tác phòng, chống thiên tai như thế nào?

- Theo tôi, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp là rất cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực quản lý. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này cũng đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống chỉ huy và vận hành các phương án phòng, chống thiên tai. Toàn bộ phương án phải được điều chỉnh lại, từ công tác chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện đến công tác hậu cần.

Đáng chú ý, cán bộ xã, phường mới còn chưa nắm chắc địa bàn và nhiều nhân sự đang kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nếu không chủ động triển khai các nội dung phòng, chống thiên tai theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định về thẩm quyền được giao, phân định rõ ràng và phân cấp hợp lý, nguy cơ chậm trễ và lúng túng trong ứng phó thiên tai là rất lớn.

Như tôi đã đề cập, việc áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong công tác phòng, chống thiên tai cần được kiểm nghiệm qua thực tế, đòi hỏi sự quyết tâm và sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị.

Không để “khoảng trống” chỉ huy, lỡ “giờ đầu” ứng phó

- Trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan và bộ máy tổ chức có nhiều thay đổi, ông có thể cho biết Hà Nội đã có những bước chuẩn bị như thế nào để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm nay?

- Ngay từ đầu năm 2025, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, UBND thành phố chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai nhiều giải pháp liên quan chuyển đổi công tác phòng, chống thiên tai, đáp ứng mô hình tổ chức hành chính mới trên địa bàn Hà Nội.

Đối với Chi cục, chúng tôi đã rà soát, đánh giá hiện trạng đê điều, công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai; tham mưu xây dựng các phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm, phương án phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành và bảo đảm an toàn hồ đập công trình thủy lợi, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; phối hợp triển khai công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; tham mưu trong công tác đầu tư tu bổ, nâng cấp, bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi...

- Việc kiện toàn lực lượng chỉ huy tại cơ sở hẳn cũng là một khâu then chốt trong bối cảnh không còn bộ máy cấp huyện như trước. Công tác này được triển khai ra sao, thưa ông?

- Đúng vậy! Chi cục đã tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường có các chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết về việc kiện toàn lực lượng chỉ huy ứng phó thiên tai tại cơ sở; đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ phận chuyên môn trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham mưu Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố chỉ đạo, hướng dẫn thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã để đồng thời chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

- Trong tổng thể phương án phòng, chống thiên tai hiện nay, vai trò của người dân được đặt ở đâu, thưa ông?

- Trong các phương án phòng, chống thiên tai, chúng tôi luôn xác định người dân có vai trò trung tâm. Họ không chỉ là đối tượng được bảo vệ mà còn là lực lượng tham gia trực tiếp và giám sát kết quả thực hiện các phương án đề ra. Việc người dân chủ động ứng phó, bảo vệ chính mình và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng là điều kiện tiên quyết để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Hằng năm và trong thời gian tới, Chi cục đã, đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền cấp xã để triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Một số khu dân cư nằm sát chân đê, ven sông, vùng bãi sông có đặc thù khá phức tạp, việc bảo đảm an toàn cho những khu vực này được chú trọng như thế nào, thưa ông?

- Các khu vực nêu trên thường xuyên được thành phố Hà Nội và các cấp, các ngành quan tâm, xác định là khu vực trọng điểm, xung yếu, dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Từ đó chú trọng chỉ đạo, triển khai các giải pháp trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Nói cụ thể hơn, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu các xã, phường phải xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, đặc biệt lưu ý mưa lớn, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất và phải có phương án sơ tán cụ thể cho từng cụm dân cư. Các xã, phường phải bố trí lực lượng tuần tra, canh gác, rà soát để kịp thời phát hiện nguy cơ, có biện pháp xử lý, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Bên cạnh đó, các cấp ngành, địa phương phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai; tăng cường phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai...

- Ứng dụng công nghệ trong cảnh báo và điều hành được xác định là xu hướng tất yếu trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ trên thế giới. Hà Nội đang có hướng đi cụ thể nào trong lĩnh vực này, thưa ông?

- Thành phố Hà Nội đang thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ số trong điều hành, giám sát thiên tai. Một số hoạt động liên quan đã được triển khai trên địa bàn thành phố như các phần mềm quản lý, hệ thống camera giám sát, hệ thống họp điều hành trực tuyến, hệ thống đo mưa, mực nước sông, hồ tự động...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sử dụng hiệu quả mạng xã hội, như facebook, các nhóm zalo... phục vụ công tác tuyên truyền; sử dụng hiệu quả các flycam hỗ trợ công tác tổng hợp thông tin, tình hình thiên tai, sự cố và các vi phạm pháp luật về đê điều; trang bị hệ thống camera giám sát tại các trọng điểm, xung yếu phòng, chống thiên tai...

Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng để hỗ trợ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.

- Vâng! Có lẽ đây là thời điểm rất cần sự chủ động từ sớm và từ cơ sở?

- Chính xác! Thiên tai không chờ bộ máy hoàn chỉnh mới xuất hiện. Chỉ bằng sự vào cuộc thực chất của chính quyền và sự đồng hành của người dân, Hà Nội mới giữ vững được “lá chắn” phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho cộng đồng trong mùa mưa bão khốc liệt phía trước.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguồn: https://hanoimoi.vn/bao-dam-he-thong-phong-chong-thien-tai-van-hanh-thong-suot-hieu-qua-709024.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm