Được thành lập vào năm 1975, chỉ ít lâu sau khi đất nước thống nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (số 28, đường Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi lưu giữ những bằng chứng chân thực và sống động về tội ác chiến tranh, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với diện tích khoảng 4.500 mét vuông, Bảo tàng gồm một tòa nhà ba tầng chính và khu trưng bày ngoài trời, nơi đặt các phương tiện chiến tranh như xe tăng, máy bay, bom đạn, và mô hình “chuồng cọp” – nơi giam giữ, tra tấn tù binh ở Côn Đảo. Nội dung trưng bày tại Bảo tàng không đi theo niên đại mà được trình bày chủ yếu theo trình tự vấn đề; hướng các nội dung trưng bày về cộng đồng và vì cộng đồng; xây dựng câu chuyện trong trưng bày gắn kết từ quá khứ đến tương lai; tổ chức các hình thức giao lưu gắn với nội dung trưng bày.
Qua nhiều lần chỉnh lý, nâng cấp, Bảo tàng đã xây dựng hệ thống trưng bày đa dạng và chuyên sâu với các chuyên đề nổi bật như: "Những sự thật lịch sử", "Hồi Niệm - Bộ sưu tập ảnh về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam", "Việt Nam - Chiến tranh và hòa bình", "Tội ác chiến tranh xâm lược", "Hậu quả chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh xâm lược Việt Nam", "Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam", "Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến", "Hiện vật vũ khí trưng bày ngoài trời", Phòng trải nghiệm dành cho thiếu nhi: "Bồ Câu Trắng"...
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Tôi đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vào một ngày nắng vàng rực rỡ. Từng bước chân chậm rãi dừng trước cổng Bảo tàng, tôi không khỏi có cảm giác trái tim mình đang đập nhanh hơn một nhịp. Lặng lẽ xếp hàng cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước chờ đến lượt bước vào phía trong gian trưng bày, tôi không mang theo gì nhiều, chỉ là một tấm lòng rộng mở và một trái tim sẵn sàng lắng nghe lịch sử kể chuyện bằng vết thương.
Ngay từ những gian trưng bày đầu tiên, tôi đã cảm nhận được một nỗi u uẩn phủ lên không gian. Những tấm hình đen trắng, những đoạn phim tư liệu, những dòng chữ giản dị mà đầy ám ảnh, từng chút từng chút đập vào giác quan tôi như tiếng gào thét câm lặng từ quá khứ. Tôi run rẩy. Không chỉ vì cái lạnh từ điều hòa trong gian phòng, mà vì một cơn chấn động sâu trong lòng: Tôi - một người sinh ra trong thời bình - chưa từng hình dung được chiến tranh lại hiện hữu đến thế, ám ảnh đến thế, và đau đớn đến thế!
Một góc gian trưng bày vũ khí chiến tranh
Tôi bước sang phòng trưng bày vũ khí, một căn phòng lạnh lẽo với những tủ kính sáng ánh đèn – bên trong là vô vàn loại súng đạn, từ súng trường, tiểu liên, đến súng máy hạng nặng. Sự đa dạng và khốc liệt của kho vũ khí ấy khiến tôi nghẹt thở. Không phải ngưỡng mộ công nghệ, mà là rợn người trước quy mô tàn khốc của chiến tranh mà Mỹ đã đổ xuống mảnh đất nhỏ bé này. Đằng sau mỗi khẩu súng kia là máu, là nước mắt, là hàng ngàn mạng người.
Hàng loạt hình ảnh về những cuộc thảm sát, những xác người không toàn vẹn, những đứa trẻ trần truồng chạy trốn bom đạn…, tất cả khiến tôi nghẹn ngào. Tôi không dám thở mạnh. Chỉ sợ rằng nếu không cẩn thận, mỗi bước chân tôi vô tình sẽ giẫm lên ký ức của bao người đã khuất – những người đã phải chịu đựng cái đau đớn tột cùng từ bàn tay của kẻ xâm lược. Tôi thấy chính mình như lạc vào giữa dòng thời gian đã nhuốm máu, bị cuốn theo từng cái liếc nhìn đau đáu trong ảnh, từng cái tên khắc trên bia tưởng niệm, từng mảnh vải rách còn nhuốm màu thời gian.
Khi bước vào khu trưng bày về hậu quả chất độc da cam, tôi không còn cố giữ được sự bình tĩnh nữa. Những bức ảnh chụp các nạn nhân, với những hình hài biến dạng, ánh mắt vô hồn, những cơ thể dị tật vì chất độc, đã khiến tôi thực sự gục ngã. Tôi không thể ngăn được nước mắt. Tôi thấy lòng mình co rút lại. Có cái gì đó vừa phẫn nộ, vừa xót xa, vừa bất lực dâng trào trong lòng. Làm sao người ta có thể nhẫn tâm gieo rắc thứ chất độc ấy lên bao mảnh đất, thân thể và cả tương lai của một dân tộc?
Bé gái Phan Thị Kim Phúc bị bỏng bởi bom Napalm Mỹ (Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972).
Giữa các hiện vật và hình ảnh trong các gian trưng bày, có một bức ảnh đã khiến tôi không thể kìm nén nổi cảm xúc, đó là bức ảnh nổi tiếng chụp một bé gái trần truồng, toàn thân bỏng rát, hoảng loạn chạy trên con đường sau một cuộc tấn công bằng bom Napalm ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Xung quanh em là những đứa trẻ khác cũng trong cơn hoảng loạn, phía sau là những người lính nguỵ quyền Sài Gòn với súng trong tay.
Tôi đã đứng lặng trước tấm ảnh ấy rất lâu. Cảm giác đầu tiên là một cú sốc. Bức ảnh đen trắng, mờ mịt khói lửa, nhưng không gì có thể che mờ được nỗi đau trần trụi của những đứa trẻ trong đó. Cô bé trong ảnh – một biểu tượng của nỗi đau chiến tranh – như muốn hét lên nỗi tuyệt vọng thay cho hàng triệu đồng bào Việt Nam đã gánh chịu thảm họa chiến tranh. Tôi thấy mình run rẩy, lòng thắt lại, một phần vì thương xót, phần khác vì căm phẫn trước sự tàn khốc đến vô nhân đạo mà chiến tranh đã gieo rắc.
Ngay bên cạnh là những bức ảnh về hậu quả chất độc da cam – những cơ thể dị dạng, những ánh mắt u uẩn không thể gọi tên. Trong số đó có bức ảnh người mẹ ôm đứa con dị tật vào lòng – tình mẫu tử ấy vừa đẹp đẽ, vừa xót xa đến nghẹn ngào. Nhưng cùng với cảm giác buồn đau tột độ ấy, trong từng bức ảnh được trưng bày tại đây vẫn còn một niềm tin vào công lý – niềm tin mà tôi nhìn thấy ở rất nhiều người trong những câu chuyện được kể lại trong Bảo tàng này: những bà mẹ đi đòi công lý cho con, những người cha gõ cửa từng tổ chức quốc tế để đấu tranh, những nạn nhân đã vượt qua đau đớn để sống tiếp và kể lại. Họ không gục ngã, và điều đó khiến tôi cảm phục hơn bao giờ hết.
Rừng đước Cà Mau bị phá hủy bởi chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam
Chiến tranh không chỉ hủy hoại nhà cửa, ruộng đồng, mà còn tàn phá tuổi thơ, gieo rắc bóng tối lên cả những sinh linh vô tội. Tôi đã cảm nhận được thật sâu sắc, thấm thía điều đó khi tận mắt nhìn ngắm những hình ảnh được trưng bày tại Bảo tàng. Đó không chỉ đơn thuần là chứng tích, mà là những lát cắt từ thân thể của dân tộc, vẫn chưa liền sẹo sau bao năm hòa bình. Và chính trong không gian ấy, tôi thấy mình như trở thành một phần của lịch sử – một người chứng kiến muộn màng, nhưng đầy xúc cảm và ý thức. Tôi cảm phục những người đã can đảm đi đòi công lý cho các nạn nhân, cảm phục sức sống bền bỉ của những con người vượt lên trên nỗi đau để tiếp tục sống và hy vọng.
Tôi ghét, tôi giận. Giận những bàn tay đã gieo rắc chiến tranh, giận những kẻ từng nhân danh tự do để chà đạp tự do của người khác. Nhưng giữa cơn phẫn nộ đó, tôi lại nhận ra lòng mình không chỉ chất chứa hận thù. Tôi biết, điều lớn lao nhất mà nơi đây đang thì thầm nhắn nhủ, không phải là để nuôi hận, mà là để nhớ. Nhớ để không lặp lại. Nhớ để sống xứng đáng. Nhớ để biết quý trọng hòa bình mà chúng ta đang có.
Rời khỏi Bảo tàng, toàn thân được bao bọc bởi ánh nắng chói chang của những ngày tháng Tư lịch sử, tôi thấy mình như vừa trải qua một cơn mưa lớn bên trong. Tâm hồn tôi ướt đẫm bởi những mất mát, nhưng cũng lấp lánh ánh sáng từ những câu chuyện vượt lên nghịch cảnh. Tôi chợt hiểu rằng, việc mình được sinh ra trong thời bình không phải là để thờ ơ với quá khứ, mà là để gìn giữ những gì người đi trước đã đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả linh hồn họ.
Tôi cúi đầu, lòng thầm hứa: sẽ sống tử tế hơn, biết ơn hơn, và yêu nước, bằng cách thiết thực nhất mà một người trẻ có thể, đó là ghi nhớ, kể lại và lan tỏa những bài học mà Bảo tàng hôm nay đã gửi vào tim tôi.
Thanh Mai
Nguồn: https://baohungyen.vn/bao-tang-chung-tich-chien-tranh-noi-luu-giu-ky-uc-bi-thuong-ma-kieu-hanh-3180764.html
Bình luận (0)