Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì VHDG vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa cũng như xã hội Việt Nam, đặc biệt là với quần chúng lao động. Ngày nay, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước đang phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong bối cảnh chung đó, một lần nữa chúng ta thấy nổi bật vai trò của VHDG trong văn hóa dân tộc (VHDT) và trong đời sống xã hội.
VHDG là “cội nguồn của VHDT”, là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”. Điều đó hàm nghĩa VHDG gắn với lịch sử lâu đời của dân tộc, là nguồn sản sinh và tiếp tục nuôi dưỡng VHDT. Nói VHDG là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ” bởi VHDG nảy sinh, tồn tại dưới dạng nguyên hợp, các bộ phận còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Có con người là có văn hóa, có dân tộc là có VHDT. Từ quan điểm cho rằng VHDG là cội nguồn của VHDT thì trong hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và chấn hưng VHDT chúng ta phải bắt đầu từ VHDG.
Có thể hiểu bản sắc văn hóa như là yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc, bản sắc dân tộc góp phần tạo nên bản lĩnh dân tộc, tức là sức sống và sự từng trải của dân tộc, nhờ đó mà dân tộc có thể vững vàng và trường tồn trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Từ quan niệm chung đó, chúng ta có thể xem xét các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam, như là chủ nghĩa yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cởi mở, dễ hòa hợp, thích ứng trong giao lưu văn hóa..., các ứng xử xã hội, tính thích ứng và hài hòa trong ứng xử với tự nhiên... Nếu cho rằng VHDG chứa đựng và thể hiện bản sắc VHDT, thì trong thực tiễn, việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc VHDT trước nhất phải từ việc bảo tồn, làm giàu và phát huy VHDG; hệ giá trị của VHDT trước nhất tiềm ẩn trong VHDG.
Chúng thể hiện trên nhiều bình diện, như ứng xử của con người với môi trường tự nhiên theo hướng thích ứng và hòa hợp hơn là chế ngự và biến đổi. Cách ứng xử này còn thấy ở cách ăn, mặc, ở, đi lại, quan hệ cộng đồng... Còn rất nhiều những giá trị VHDT mà ta có thể tìm thấy trong kho tàng tri thức dân gian liên quan tới môi trường, dưỡng sinh trị bệnh, tri thức về sản xuất và quản lý cộng đồng. VHDG là yếu tố truyền thống của một nền văn hóa, được cấu thành bởi các yếu tố như VHDG, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian và các loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ các hình thức tồn tại đa dạng như vậy, cho nên VHDG giữ vai trò vừa là nội dung, mục đích, môi trường, vừa là động lực để có thể thu hút du khách và phát triển du lịch.
Ngày nay, trong xu hướng toàn cầu hóa, hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc VHDT - coi đó như là căn cước của chúng ta hội nhập và giao lưu quốc tế. Cần nhận thức rõ vai trò của VHDG với tư cách là cội nguồn, bản sắc, là hệ giá trị và biểu tượng của VHDT.
Từ nền tảng VHDG, địa phương có thể phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, bởi lẽ VHDG là yếu tố mang đậm nét riêng, nếu có di chuyển đến các vùng, địa phương khác thì cũng mất đi nét riêng này. Chẳng hạn như du khách muốn đến tham quan Lễ hội Nàng Hai thì chỉ có thể đến xã Tiên Thành (Quảng Hòa) trong dịp cuối tháng Ba, muốn trải nghiệm Lễ hội tranh đầu pháo thì đến thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) dịp đầu tháng Hai, muốn trải nghiệm và thưởng thức những khúc dân ca Hèo phươn - dân ca của người Nùng An thì đến trẩy hội Thanh Minh trong dịp tiết thanh minh tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa), muốn thưởng thức những canh lượn cọi thì đến trải nhiệm Lễ hội Phong lưu (chợ tình) ngày 30/3 và 15/8 âm lịch hằng năm…
Hiện nay, theo khuynh hướng chung của các địa phương trên toàn quốc là tập chung nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn phát huy vốn VHDG trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là VHDG trong phát triển du lịch và Cao Bằng cũng không ngoại lệ. Do vậy, nhận thức về du lịch văn hóa trong chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân ngày càng nâng cao. Từ đó các di tích, địa điểm du lịch gắn với VHDG được đầu tư xây dựng, trùng tu; văn hóa vật thể, phi vật thể được điều tra, xác định thông qua các công trình nghiên cứu, hội thảo; các lễ hội cổ truyền được phục dựng và đi vào hoạt động…
Ảnh Thế Vĩnh
Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình, địa điểm du lịch gắn với VHDG mang đậm bản sắc địa phương được khai thác tốt như: du lịch trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm của người Tày tại xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng); du lịch trải nghiệm nghề rèn, nghề làm giấy bản, nghề làm hương của người Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa)...
VHDG của cộng đồng các dân tộc đã tạo nên nét riêng đặc sắc cho bức tranh du lịch Cao Bằng, tuy nhiên trong quá trình khai thác, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch vẫn còn gặp không ít thách thức. Dịch vụ du lịch trên địa bàn hiện nay còn nhỏ lẻ, nên chưa thể giữ chân nhiều du khách; các điểm du lịch phân tán, chưa thật sự có tuyến, tour du lịch chuyên đề để khai thác có chiều sâu và hiệu quả tài nguyên du lịch nói chung, nguồn lực VHDG nói riêng. Và một vấn đề đáng lo ngại là đang tiềm ẩn nguy cơ mai một một số phong tục, tập quán; nghệ nhân dân gian đang bị lão hóa thiếu điều kiện truyền nghề, đặc biệt là có hiện tượng làm biến dạng các giá trị VHDG do cơ chế thị trường và giao thoa văn hóa vùng, miền.
Từ thực tế đó, để VHDG và du lịch có thể kết hợp, bổ trợ cho nhau, VHDG gắn với du lịch phát triển, hoạt động du lịch giúp các giá trị của VHDG ngày càng được lan tỏa, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cấp tại các địa phương cần có những định hướng phù hợp. Khi tạo sản phẩm du lịch, sự đa dạng là điều cần thiết, nhưng quan trọng là phải giữ được bản sắc, như các lễ hội của đồng bào Mông thì người Mông phải luôn là chủ thể trong các hoạt động, nghi lễ, tránh xảy ra tình trạng áp đặt làm mất đi những giá trị gốc trong VHDG của các dân tộc. Cùng với đó, các ngành chức năng cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân dân gian nhằm giữ gìn và phát huy giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống. Các loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian cũng cần được truyền dạy, phục dựng ở các khu du lịch để thu hút du khách thập phương, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm hoạt động kết nối.
Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế thì ngành du lịch còn nhiệm vụ quảng bá các danh lam thắng cảnh, các điểm di tích lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương, giao lưu và hội nhập trong quá trình phát triển. Chính vì vậy mà phát triển du lịch từ VHDG còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn bản sắc VHDT, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: https://baocaobang.vn/bao-ton-van-hoa-dan-gian-gan-voi-phat-trien-du-lich-ben-vung-3177376.html
Bình luận (0)