Nhờ chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước cùng sự chủ động thay đổi phương thức hoạt động, nhiều HTX thoát khỏi tư duy bao cấp cũ, chuyển sang mô hình kinh doanh hiệu quả, minh bạch, gắn kết lợi ích của thành viên với lợi ích tập thể. Từ nông nghiệp, thủy sản, đến tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… các HTX ngày càng mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn kết thành viên qua chuỗi giá trị và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Là một trong những HTX tiêu biểu kiểu mới có sự liên kết theo chuỗi giá trị với sản phẩm chủ lực là kén tằm, HTX Nông nghiệp 118 ở xã Hồng Trị (Bảo Lạc) được thành lập với mục tiêu phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại vùng núi phía Tây của tỉnh. Nhận thấy tiềm năng lớn từ nghề truyền thống này, HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp để triển khai mô hình bao tiêu sản phẩm kén tằm cho bà con xã viên. Với hơn 30 hộ thành viên và diện tích trồng dâu hơn 10 ha, HTX đang từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ khép kín.
Giám đốc HTX 118 Nông Văn Hoàn cho biết: Chúng tôi bắt đầu thực hiện bao tiêu từ năm 2021, khi kết nối được với một doanh nghiệp tơ lụa ở Lâm Đồng. Theo đó, HTX cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm kén tằm đạt tiêu chuẩn từ bà con xã viên, sau đó phân loại và bán lại cho đối tác theo hợp đồng dài hạn.
Quy trình bao tiêu được triển khai chặt chẽ, bắt đầu từ khâu cung cấp giống tằm, tập huấn kỹ thuật nuôi, đến giám sát chất lượng kén. Giá cả được thỏa thuận theo từng vụ, song luôn đảm bảo ổn định và cao hơn thị trường tự do từ 10 - 15%. Nhờ vậy, người dân không còn nỗi lo “được mùa mất giá” như trước.
Bà Hoàng Thị Loan, một xã viên chia sẻ: Trước đây, khi chưa có HTX bao tiêu, bà con thường phải bán kén tằm cho thương lái với giá bấp bênh, thậm chí không bán được. Giờ đây, trung bình mỗi hộ có thể thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng từ nghề nuôi tằm.
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm của HTX 118 không chỉ giúp ổn định đầu ra cho người nuôi tằm mà còn đang dần trở thành nghề giúp giảm nghèo nhanh, bền vững và cải thiện, nâng cao thu nhập của người nông dân.
HTX nông sản Tân Việt Á, ở xã Minh Tâm (Nguyên Bình) hiện sở hữu thương hiệu miến dong Tân Việt Á được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Bắt đầu đi vào sản xuất, xây dựng thương hiệu từ năm 2017, đến năm 2023, sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nhờ quan tâm thực hiện các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện, sản phẩm của HTX đã vươn xa, có mặt trên khắp thị trường trong nước. Đặc biệt, miến dong Tân Việt Á hiện nay đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Giám đốc HTX nông sản Tân Việt Á Trần Đức Hiếu chia sẻ: Sản phẩm miến dong Tân Việt Á được xuất khẩu sang thị trường Mỹ là bước phát triển lớn của HTX, minh chứng cho những nỗ lực của đơn vị trong quản lý, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường đã đạt kết quả tốt nhất.
Xác định KTTT là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển đúng hướng, bền vững, thời gian qua, tỉnh có những giải pháp quyết liệt, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến KTTT là yếu tố chủ đạo. Tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bản chất, vai trò cũng như cơ chế, chính sách đối với phát triển, nâng cao hiệu quả của KTTT, biểu dương các mô hình điển hình tiên tiến trong hoạt động của HTX để nhân rộng.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh tập trung vào công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT. Đối với đội ngũ quản lý, tăng cường công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức về kinh tế hội nhập, khoa học - công nghệ và kinh nghiệm tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ về liên doanh, liên kết mở rộng thị trường; tạo điều kiện cho các chủ thể KTTT tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển KTTT theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các thành viên; khơi dậy ý thức tự chủ, tự vươn lên của các tổ chức KTTT gắn với nhu cầu thị trường.
Đồng thời, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ giúp HTX tiếp cận và tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các kênh hỗ trợ về tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ HTX được triển khai kịp thời theo đúng quy định, từ năm 2024 đến nay từ các nguồn của tỉnh, Liên minh HTX triển khai hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại 14 cuộc; tham gia các hội chợ, hội nghị quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm với 20 lượt HTX; hỗ trợ HTX Nông - Lâm nghiệp Phục Hòa cấp phát giống ngô, phân bón cho 91 hộ dân tham gia liên kết tại các xã Ngọc Động, Hạnh Phúc (Quảng Hoà), xã Thuỵ Hùng (Thạch An); hỗ trợ HTX Nông nghiệp Tân Bách cung cấp phân bón cho 99 hộ dân tham gia liên kết tại xã Quang Trọng (Thạch An) và xã Lê Chung (Hoà An)…
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ đã giúp cho mô hình KTTT trên địa bàn toàn tỉnh phát triển khá ổn định. Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 446 HTX, 26 tổ hợp tác, 678 nhóm sở thích, 1 Liên hiệp HTX với gần 13.000 thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, vệ sinh môi trường. Các HTX đều hoạt động theo Điều lệ HTX, sản xuất, kinh doanh - dịch vụ hiệu quả, phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho các thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn; giúp các thành viên được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất. Trong đó, có một số HTX tiêu biểu đã khẳng định thương hiệu trên thương trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân địa phương như: HTX Tân Việt Á ở Nguyên Bình với sản phẩm miến dong Tân Việt Á, đạt OCOP 4 sao; HTX trồng nấm Yên Công, ở xã Hưng Đạo, thành phố; HTX Nông nghiệp 118 ở huyện Bảo Lạc đã bao tiêu, thu mua sản phẩm dâu tằm, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Riêng năm 2024, các HTX trên địa bàn nộp ngân sách trên 23 tỷ đồng. Doanh thu bình quân các HTX đạt khoảng 609,950 triệu đồng/đơn vị/năm và giải quyết việc làm cho 2.800 lao động, với thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm.
Khẳng định về sức vươn của KTTT trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Ngô Tuấn nhấn mạnh: Một số HTX đã rất thành công trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường. Các HTX không chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, mà còn bao tiêu đầu ra cho thành viên, giúp giảm rủi ro và tăng hiệu quả sản xuất. Nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, các mô hình HTX gắn với OCOP, du lịch cộng đồng đang cho thấy hướng đi rất triển vọng.
Nguồn: https://baocaobang.vn/suc-vuon-cua-kinh-te-tap-the-3177296.html
Bình luận (0)