Nếu “room tín dụng” được gỡ bỏ, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bộ tiêu chuẩn quản trị rủi ro khắt khe từ Ngân hàng Nhà nước. Lộ trình áp dụng sẽ phụ thuộc vào năng lực từng nhà băng, đồng nghĩa với việc cục diện thị phần tín dụng chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn.
Ngân hàng nào hưởng lợi khi “room tín dụng” bị dỡ bỏ?
Việc Thủ tướng chỉ đạo xem xét bỏ công cụ hành chính “room tín dụng” đang thắp lên kỳ vọng về một bước ngoặt lớn trong điều hành tín dụng, tiệm cận thông lệ quốc tế và phục vụ mục tiêu nâng hạng thị trường tài chính.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết nếu không còn “xin - cho” hạn mức tín dụng, các ngân hàng thương mại sẽ phải tự chịu trách nhiệm với quyết định mở rộng cho vay, dựa trên sức khỏe tài chính và năng lực quản trị rủi ro của chính mình.
Với các nhà băng, bỏ room tín dụng đồng nghĩa với việc được chủ động hơn trong lập kế hoạch kinh doanh, tối ưu hóa dòng vốn đặc biệt trong những mùa cao điểm tín dụng cuối năm. Còn với thị trường chứng khoán, đây là tín hiệu tích cực, bởi dòng vốn linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, cơ chế mới cũng đặt ra thách thức lớn. Nếu không có “bộ phanh” đủ mạnh, hệ lụy hoàn toàn có thể lặp lại: tín dụng ồ ạt đổ vào bất động sản, cuộc đua lãi suất nóng trở lại, nợ xấu phình to và hệ quả là bất ổn vĩ mô. Đó là lý do các chuyên gia nhấn mạnh, việc bỏ room phải song hành với bộ tiêu chuẩn kiểm soát rủi ro chặt chẽ, như Basel III.
TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: NHNN chỉ nên gỡ bỏ room khi đã hoàn thiện bộ tiêu chí giám sát an toàn hệ thống. Theo đó, chỉ những ngân hàng đáp ứng đủ các yêu cầu về vốn, quản trị rủi ro, minh bạch thông tin mới được “tự do tín dụng”. Ngược lại, các nhà băng chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục bị giới hạn tín dụng tùy theo mức độ rủi ro.
Thực tế, NHNN đã có bước thử nghiệm từ đầu năm khi nới room cho nhóm ngân hàng nước ngoài, liên doanh, hợp tác xã và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hiện chỉ còn nhóm ngân hàng thương mại trong nước là vẫn đang chịu sự khống chế.
Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank nhận định, đây là xu hướng không thể đảo ngược. NHNN cũng đã chuẩn bị về mặt pháp lý, sửa đổi các quy định để các ngân hàng tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế như Basel III. Khi đó, nếu ngân hàng muốn tăng cung ứng vốn, buộc phải tăng vốn tự có tương ứng.
Dù khả năng bỏ room tín dụng trong năm nay là chưa cao, nhưng một khi cơ chế này được dỡ bỏ, thị phần tín dụng sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ nét. Theo SSI Research, các nhà băng có năng lực tài chính mạnh, quản trị rủi ro bài bản và bộ đệm vốn dày sẽ là những người chiến thắng đầu tiên trong cuộc chơi tín dụng thời “hậu room”.
Giữ chặt “phanh” khi gỡ bỏ “barie” tín dụng
Suốt hơn một thập kỷ qua, room tín dụng là công cụ điều hành hữu hiệu, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát cung tiền và giữ ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, chính cơ chế "xin - cho" phát sinh từ công cụ hành chính này lại đang làm méo mó thị trường, hạn chế quyền tự chủ của ngân hàng và cản trở khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Vì vậy, việc gỡ bỏ room tín dụng được nhiều chuyên gia ủng hộ như một bước đi cần thiết để đưa Việt Nam tiến gần hơn tới chuẩn mực quốc tế. Nhưng đi kèm với đó, là cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn nếu thị trường không còn “barie” an toàn. Khi chiếc van điều tiết được tháo ra, “phanh” giám sát cần siết chặt hơn bao giờ hết.
Ông Phan Linh, CEO TechProfit cảnh báo, nếu bỏ room mà thiếu đi công cụ kiểm soát thay thế, các ngân hàng sẽ đua nhau bơm vốn để tối đa hóa lợi nhuận. Khi đó, dòng tiền có nguy cơ lại chảy ồ ạt vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.
“Chỉ cần buông lỏng giám sát, bong bóng tài sản có thể hình thành, áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ quay trở lại. Bỏ room tín dụng là đúng xu hướng, nhưng phải đi kèm kỷ luật thị trường và hệ thống giám sát đủ mạnh. Nếu không, nguy cơ tái diễn thời kỳ tín dụng nóng là rất rõ ràng”, ông Linh nói.
Theo nguồn tin từ SSI Research, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), cập nhật các quy định của chuẩn Basel III. Đây được xem là tiền đề quan trọng để chuyển từ cơ chế hành chính sang cơ chế thị trường trong điều tiết tín dụng.
Tuy vậy, không thể phủ nhận sự phân hóa sâu sắc trong hệ thống ngân hàng hiện nay: một số ngân hàng có năng lực tài chính mạnh, quản trị bài bản, nhưng nhiều tổ chức tín dụng khác vẫn yếu kém, chưa đủ tiêu chuẩn Basel II chứ chưa nói đến Basel III.
Nếu gỡ bỏ room tín dụng trong bối cảnh này mà không có “bộ phanh” đủ linh hoạt, thị trường dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng: ngân hàng yếu bị siết lại, còn ngân hàng khỏe bung tín dụng không kiểm soát.
Thực tế, room tín dụng từng được áp dụng từ năm 2012 là thời điểm tín dụng toàn hệ thống tăng tới 54%, lãi suất cao ngất, một số tổ chức tín dụng bên bờ vực phá sản. Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN dù đã qua hơn 10 năm, nhưng “di chứng” của giai đoạn tăng trưởng nóng vẫn còn đó. Do vậy, việc dỡ bỏ room phải tính toán thận trọng, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế cũng đồng quan điểm: trong bối cảnh Việt Nam theo đuổi chính sách tiền tệ đa mục tiêu (ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng), NHNN chỉ nên gỡ room tín dụng khi đủ năng lực kiểm soát hệ thống bằng các công cụ hiện đại hơn, đặc biệt là công cụ điều hành lãi suất một cách chủ động và linh hoạt.
Nguồn: https://baolamdong.vn/bo-room-tin-dung-cuoc-chien-gianh-khach-hang-chuyen-sang-cao-trao-382098.html
Bình luận (0)