Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi số - "độc đạo" để người làm báo chinh phục độc giả, làm chủ hoạt động truyền thông

Trong 2 ngày (11, 12-7), Hội Nhà báo TPHCM và Ban Tổ chức Cuộc thi viết về giáo dục TPHCM năm 2024 đã tổ chức chương trình về nguồn với chủ đề “Ngòi bút nhà báo - Từ truyền thống đến tương lai số” cho các phóng viên, biên tập viên đoạt giải.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng12/07/2025

 Các đại biểu tham dự chuyến hành trình về nguồn chụp hình lưu niệm tại toạ đàm. Ảnh: QUANG HUY
Các đại biểu tham dự chuyến hành trình về nguồn chụp hình lưu niệm tại toạ đàm. Ảnh: QUANG HUY

Tham dự đoàn có các đồng chí: Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tại TPHCM; Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM; Lê Thắng Lợi, Giám đốc Trung tâm phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT; Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM; lãnh đạo một số cơ quan báo chí thành phố và trên 20 nhà báo đoạt giải.

Trong 2 ngày về nguồn, các đại biểu, nhà báo đã tham gia nhiều hoạt động như: thăm “Địa chỉ đỏ - Trường Dục Thanh”, giao lưu tìm hiểu về “Hành trình Người thầy vĩ đại”, “Theo dấu Người xưa soi sáng hôm nay"; thảo luận, tọa đàm về “Nghề báo và giáo dục trong kỷ nguyên số”.

4.jpg
Đoàn tham quan Khu di tích Trường Dục Thanh (phường Phan Thiết, Lâm Đồng). Ảnh: QUANG HUY

Thăm “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn

Ngược dòng thời gian, Trường Dục Thanh ra đời và chính thức hoạt động từ năm 1907 theo chủ trương chung của phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng với ước muốn mở mang dân trí. Dù thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh không dài, nhưng nơi đây đã trở thành dấu mốc ghi lại bước đầu trong hành trình vĩ đại của Người.

Theo các tài liệu lịch sử, đầu tháng 9-1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây để tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã chọn Phan Thiết làm điểm dừng chân. Tại đây, Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh. Mặc dù việc dạy học chỉ là tạm thời nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành rất yêu quý học trò, nhiệt tình truyền dạy cho các em tình yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên và những suy nghĩ về vận mệnh đất nước. Đến tháng 2 -1911, Người rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn và đến ngày 5-6-1911, Người lên tàu Amiral Latouche Tréville với tên gọi Văn Ba, làm phụ bếp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.

Năm 1978, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận cũ (nay là Lâm Đồng) tiến hành trùng tu Khu di tích Trường Dục Thanh, phục dựng theo tỷ lệ 1-1 như thời Người dạy học. Đến năm 1983, tiếp tục khởi công xây dựng công trình Nhà trưng bày về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên dòng sông Cà Ty, gồm nhà trưng bày và tượng đài về Người. Điểm đặc biệt của Khu di tích là các kỷ vật, nơi làm việc, sinh hoạt của Người được gìn giữ vẹn nguyên. Ngoài lớp học với mái ngói âm dương đơn sơ được bao bọc bởi các bức tường gỗ giản dị, bộ bàn ghế Bác ngồi giảng bài, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm…

3.JPG
Thăm quan "cây khế Bác Hồ" trong Khu di tích. Ảnh: QUANG HUY

Chị Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng Phòng Nghiệp vụ thuyết minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận bày tỏ niềm tự hào: “Tại Khu di tích, tất cả được lưu giữ nguyên vẹn như chính tình cảm của người dân Bình Thuận dành cho Người. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến hết 30-6, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận đã đón gần 900 đoàn khách với khoảng 55.000 lượt người đến tham quan, báo công, viếng Bác. Trong đó, có hàng trăm lượt khách quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Lào, Nga…

Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, biểu dương Ban Chủ nhiệm CLB phóng viên Giáo dục và Công ty Tin học Đại Dương đã tổ chức chuyến về nguồn ý nghĩa, đồng thời khẳng định: “Đây là hoạt động có ý nghĩa, không chỉ giúp người làm báo mảng giáo dục thành phố gắn kết, giao lưu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý tưởng chính trị mà còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay”.

8.jpg
Các đồng chí Phạm Quý Trọng (giữa), Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tại TPHCM; Lê Thắng Lợi, Giám đốc Trung tâm phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT; Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, đồng chủ trì buổi toạ đàm. Ảnh: QUANG HUY

Nghề báo và giáo dục trong kỷ nguyên số

Chia sẻ về chủ đề toạ đàm “Nghề báo và giáo dục trong kỷ nguyên số”, đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ vào kỷ nguyên số, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ và thông tin. Sự phát triển này không chỉ định hình lại cách sống, làm việc của từng cá nhân, tập thể mà còn tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực cốt lõi của xã hội, trong đó có báo chí và giáo dục.

7.jpgCác đại biểu là nhà báo phát biểu tham luận. ẢNH QUANG HUY

“Mối quan hệ giữa báo chí và giáo dục trong kỷ nguyên số trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải tri thức, lan tỏa những mô hình giáo dục tiên tiến, đồng thời phản ánh những vấn đề, thách thức mà ngành giáo dục đang đối mặt. Ngược lại, giáo dục là nền tảng để đào tạo nên những thế hệ công dân có tư duy phản biện, kỹ năng số và đạo đức nghề nghiệp, những yếu tố then chốt để xây dựng một nền báo chí chất lượng và đáng tin cậy”, đồng chí Tăng Hữu Phong nhấn mạnh.

Từ đó, đồng chí Tăng Hữu Phong chỉ rõ, hiện tại và trong tương lai, chắc chắn tốc độ phát triển của khoa học công nghệ rất nhanh, thậm chí có thể thay đổi chỉ trong một tuần. Nếu như trước đây, 5 năm hay 10 năm mới có một công nghệ mới được áp dụng, thì bây giờ trong tuần hoặc tuần sau đã có sự thay đổi. Mọi người đều cảm nhận rất rõ điều đó và báo chí không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, một con đường gần như là độc đạo để người làm báo có thể chinh phục độc giả, làm chủ hoạt động truyền thông của mình. Trong chuyển đổi số, yếu tố quan trọng nhất chính là con người, kinh phí là một phần quan trọng, nhưng con người mới là yếu tố quyết định.

“Không còn cách nào khác, mỗi nhà báo ở thời điểm này nhất định phải nắm bắt được các tiến bộ khoa học, công nghệ, những yếu tố đang tác động trực tiếp đến hoạt động nghề nghiệp của chính mình trong kỷ nguyên số. Đồng thời người làm báo cũng phải luôn học hỏi, trau dồi nghiệp vụ nghề nghiệp bởi thông tin ở thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ đa dạng và đa chiều hơn. Người dân cũng tiếp cận thông tin theo cách khác, phong phú và nhanh chóng hơn. Người làm báo phải thực hiện tốt vai trò đưa thông tin chính xác, tin cậy đến với người dân – thay vì để các loại tin giả, thông tin lừa đảo hay những nội dung gây hoang mang, lệch lạc chi phối nhận thức trong cộng đồng”, đồng chí Tăng Hữu Phong nhấn mạnh.

Trong gần 20 tham luận của lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, có cùng điểm chung: Giáo dục là chìa khóa mở ra tương lai, và báo chí có vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng giáo dục, góp phần xây dựng một xã hội học tập, một thế hệ trẻ tài năng, trí tuệ. Do đó, viết về giáo dục cần có cách nhìn mới, tôn vinh những tấm gương nhà giáo và cách làm hay, đồng thời nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí và nhà trường. Ngoài ra, người làm báo trong thời đại số cần có kỹ năng nghề đa dạng, không chỉ viết tin bài mà còn biết quay, dựng video, dẫn chuyện... để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng.

6.jpg
Lãnh đạo Hội Nhà báo TPHCM trao tặng giấy khen cho các thành viên Ban chủ nhiệm CLB phóng viên Giáo dục TPHCM. Ảnh: HỒ PHÚC

Đồng chí Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tại TPHCM, đánh giá công tác tổ chức chu đáo, bài bản, thể hiện sự năng động, tích cực và hoạt động sôi nổi của đội ngũ những người làm báo tại TPHCM. Đội ngũ những người làm báo của TPHCM không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa báo chí thành phố vươn mình cùng dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chuyen-doi-so-doc-dao-de-nguoi-lam-bao-chinh-phuc-doc-gia-lam-chu-hoat-dong-truyen-thong-post803531.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm