Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, với dự thảo luật này, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo nhận được rất nhiều ý kiến.
Thu thuế với nước giải khát có đường: Đáng lẽ phải thu sớm hơn
Đơn cử việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, có 2 luồng ý kiến về nội dung này, có ý kiến băn khoăn cần thiết đánh thuế hay chưa, có luồng ý kiến lại yêu cầu đánh thuế càng nhanh, càng nhiều càng tốt như Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới.
Vừa qua, có những căn cứ rõ ràng cân nhắc đánh thuế với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Tổ chức Y tế thế giới đã có báo cáo chi tiết, cụ thể đối với các quốc gia, trong đó khuyến cáo Việt Nam là 1 trong những quốc gia tiêu thụ nước có đường ngày càng nhiều, dẫn đến nguy cơ béo phì. Báo cáo của Bộ Y tế cũng nêu rõ về thực trạng này. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tất cả các nước, trong đó có Việt Nam phải áp dụng tối thiểu 20% thuế TTĐB.
Thực tế hiện nay trên thế giới, 107 quốc gia đã đánh thuế TTĐB với mặt hàng này, khu vực ASEAN cũng có 7/11 quốc gia đã đánh thuế.

Từ thực tiễn thế giới và thực trạng của Việt Nam, theo Bộ trưởng, đáng lẽ cần đánh thuế sớm hơn, đến giờ đánh thuế cũng đã là muộn, "không thể để con em chúng ta béo phì, có bệnh rồi mới bàn". Cũng theo bộ trưởng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu về mức thuế và thời gian theo hướng giãn thời hạn áp dụng, giảm tỷ lệ theo mức năm 2027 là 8% và năm 2028 là 10%.
Bộ trưởng nói thêm, theo tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát do Bộ Khoa học Công nghệ công bố, nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước và có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga.
Theo đó, những loại nước không bị đánh TTĐB biệt gồm: sữa và sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất, sản phẩm từ ca cao... Do đó, những sản phẩm đại biểu Quốc hội quan tâm, điển hình như nước dừa sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế.
Liên quan đến đánh thuế với điều hòa nhiệt độ, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, một số ít các nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa với 2 lý do: liên quan đến tiết kiệm năng lượng và liên quan đến chất làm lạnh gây hại với môi trường, tầng ozone.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định không thu thuế với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU. Có ý kiến đại biểu đề nghị nâng mức công suất này lên, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu, có thể nâng mức trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU sẽ đưa vào diện chịu thuế.
“Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định rất cụ thể, yêu cầu tới năm 2045, hạn chế và không sản xuất, không nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí, nguyên cụm sử dụng các chất HCFC và HFC. Đây là những chất làm nóng ảnh hưởng đến tầng ozone. Như vậy, việc đánh thuế TTĐB đối với điều hòa cần được quan tâm. Thêm vào đó, hiện nay không khuyến khích tiêu thụ điện, tiêu thụ càng nhiều giá càng cao”, Bộ trưởng nêu.

Nghiên cứu thu thuế đặc biệt với nhựa, nilon
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, Bộ trưởng thông tin, việc đánh thuế với xăng đã được áp dụng từ năm 1998. Vừa qua, Thủ tướng đã cam kết tại COP 26, thực hiện giảm phát thải về 0 vào năm 2050, đây là mục tiêu khó khăn. Các nước châu Âu đã triển khai rất mạnh mẽ, Việt Nam cũng phải nỗ lực, đã cam kết như vậy thì càng không thể không thu thuế TTĐB với xăng.
Với đề xuất thu thuế TTĐB với mặt hàng nhựa, túi nilon, Bộ trưởng xin tiếp thu và tiếp tục rà soát; hiện đã đánh thuế bảo vệ môi trường kịch khung với mặt hàng này, sẽ tiếp tục nghiên cứu có tiếp tục đánh thuế TTĐB không.
Về thời hạn áp dụng với tất cả mặt hàng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát các mặt hàng nào sẽ áp dụng từ năm 2026 và mặt hàng nào lùi thời gian áp dụng đến 2027 để vừa thực hiện mục tiêu của Quốc hội nhưng đồng thời cũng tránh cú sốc với doanh nghiệp.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-khong-the-khong-thu-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-post794467.html
Bình luận (0)