Trường học đủ điều kiện có thể tuyển dụng
Ngày 6/5, tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu về Luật Nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo ban đầu bao gồm 96 điều, sau đó cắt giảm chỉ còn 46 điều.
Về cơ quan, đơn vị triển khai việc tuyển dụng giáo viên, theo ông, dự thảo quy định cho cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì thực hiện việc tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập.
“Theo tinh thần phân cấp, phân quyền, chúng tôi có lưu ý, ở đâu sử dụng lao động thì ở nơi đó có quyền được tuyển dụng. Tuy nhiên, điều đó lại khó áp dụng đối với các cơ sở giáo dục là cấp mầm non và tiểu học", ông Sơn nói.
![]() |
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại phiên thảo luận ngày 6/5. (Ảnh: Như Ý) |
Theo bộ trưởng, với một trường mầm non mà chỉ có số rất ít các thầy, các cô nhưng giờ lại làm cả một hội đồng tuyển dụng với các yêu cầu rất khắt khe của tuyển dụng viên chức thì sẽ rất khó khăn.
Chính vì vậy, dự thảo quy định cơ quan quản lý giáo dục sẽ đóng vai trò tổ chức việc tuyển dụng nhưng có thể xem xét, phân cấp cho cơ sở, chẳng hạn như các trường THPT có đủ các điều kiện có thể tuyển dụng thì cũng sẵn sàng phân cấp.
“Công bằng” không phải là “khổ như nhau"
Tại phiên thảo luận, cũng có một số ý kiến của các đại biểu mong muốn mở rộng các đối tượng được hưởng các chính sách cũng như được định danh nhà giáo. Theo bộ trưởng, với Luật Nhà giáo, đối tượng quy định chỉ là những người làm nghề nhà giáo với tư cách là một nghề chuyên nghiệp đạt chuẩn.
“Các đối tượng khác như nhân viên trường học, những người tham gia trong quá trình giáo dục có các hoạt động giáo dục thì sẽ có các quy định khác. Chúng tôi cũng đồng ý với việc mở rộng, huy động các đối tượng khác tham gia vào quá trình giáo dục và điều đó sẽ được quy định trong Luật Giáo dục và các quy định khác”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, không nên khuyến khích các địa phương ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ nhà giáo để đảm bảo sự công bằng và để cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sẽ đỡ khó hơn trong việc thu hút giáo viên.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đối với một số địa phương có điều kiện thì rất khuyến khích để dành các nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho lực lượng nhà giáo.
“Ví dụ như TPHCM, thời gian qua đã chủ động dành các nguồn kinh phí hỗ trợ để đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, giáo viên đỡ chuyển việc, nghỉ việc hơn. Theo tôi, đây là một điều rất đáng quý và rất nên khuyến khích”, ông Sơn nêu.
“Tư lệnh” ngành giáo dục cũng cho rằng “công bằng” ở đây không phải là tất cả đều phải “khổ như nhau, khó như nhau”. Do vậy, bộ trưởng nhấn mạnh, nên khuyến khích, cổ vũ những nơi có điều kiện, còn những nơi chưa có điều kiện thì Nhà nước phải có thêm những chính sách để hỗ trợ cho các địa phương đó.
Bộ trưởng cho biết, ngoài Luật Nhà giáo, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì việc sửa đổi, điều chỉnh 3 luật liên quan đến ngành giáo dục, bao gồm: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ba luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của kỳ họp sau. “Có một số nội dung trao đổi ngày hôm nay, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi trong việc sửa đổi 3 luật này”, ông Sơn cho hay.
Nguồn: https://tienphong.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-san-sang-phan-cap-tuyen-dung-giao-vien-cho-truong-hoc-post1739835.tpo
Bình luận (0)