Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh

LTS: Để thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975, ngày 8-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (QUTƯ) quyết định thành lập Bộ tư lệnh Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn-Gia Định; ngày 14-4-1975 đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu về các đồng chí trong Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông30/04/2025

Tư lệnh Chiến dịch - Đại tướng Văn Tiến Dũng

Đã được tôi luyện trong thực tiễn từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Văn Tiến Dũng được giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn. Đầu năm 1975, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị, QUTƯ cử vào chiến trường trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên, giành thắng lợi vang dội, tạo thời cơ đột biến đẩy nhanh công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Đầu tháng 4-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục được giao làm Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và QUTƯ, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định: Đây là đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để và nhanh chóng. Vì vậy, phải tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thành ưu thế áp đảo nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng Sài Gòn, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước khi ra quyết định, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trăn trở nghĩ phương án đánh vào Sài Gòn cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, nhưng đánh như thế nào để Sài Gòn ít bị tổn thất nhất là bài toán nan giải.

 Lãnh đạo Đảng và các đồng chí trong Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975). Ảnh tư liệu 

Sau khi nghiên cứu, bàn bạc, trao đổi, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ tư lệnh chiến dịch đã tìm ra phương án tối ưu, chọn các mục tiêu trọng yếu của địch để nhanh chóng chiếm lĩnh, đề ra cách đánh là: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời, dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các sư đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ tiến nhanh theo các trục đường lớn, đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành: Bộ tổng tham mưu ngụy, dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất. Các lực lượng đặc công, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng ở Sài Gòn-Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Văn Tiến Dũng, Bộ tư lệnh chiến dịch xây dựng kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ với tiến công quân sự. Lực lượng chủ lực tiến công hình thành 5 cánh quân, mỗi cánh quân tương đương một quân đoàn, do những tướng lĩnh có tài chỉ huy. Đặc biệt, 5 cánh quân từ 5 hướng cùng tiến vào bao vây cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn-Gia Định; nhiều đơn vị phải cơ động thần tốc từ nhiều nơi, xuất phát vào những thời điểm khác nhau, đi trên nhiều trục đường, xử lý tình huống tấn công mở đường khác nhau... nhưng Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch tính toán, chỉ đạo thống nhất để tất cả hành quân kịp thời về Sài Gòn và tiến hành chiến dịch thắng lợi, giải phóng miền Nam.

SƠN BÌNH

--------------

Chính ủy Phạm Hùng - người giữ “linh hồn mạch sống” trên chiến trường

Sáng 30-4-1975, trên đài phát thanh, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đề nghị Quân giải phóng ngừng bắn để thương lượng. Đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh phát ngay bức điện hỏa tốc gửi các đơn vị trên chiến trường: Địch đang dao động, tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại dinh Độc Lập. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Phạm Hùng. Năm 1967, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Đồng chí Phạm Hùng đã cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển lực lượng cách mạng; đẩy mạnh 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận) trên toàn miền...

Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13-5-1975. Ảnh: TTXVN

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1-1973), không ảo tưởng với kẻ thù, nắm vững tư tưởng bạo lực cách mạng, tư tưởng tiến công và tiến công liên tục, Bí thư Phạm Hùng đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường đấu tranh chính trị, binh vận, tiến công quân sự trên khắp Nam Bộ, góp phần đưa cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn mới: Giai đoạn tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công. Cuối tháng 8-1974, đồng chí Phạm Hùng và Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền gửi ra Hà Nội bản kế hoạch hoạt động tác chiến mùa khô 1974-1975 với quyết tâm giành thắng lợi quyết định, hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.

Để tạo thế và lực, quân ta quyết định mở Chiến dịch Đường 14-Phước Long. Bí thư Phạm Hùng và Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Trần Văn Trà báo cáo với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho Quân đoàn 4 sử dụng xe tăng, pháo 130mm để đánh thị xã Phước Long. Ngày 6-1-1975, Phước Long được giải phóng. Chiến thắng Phước Long báo hiệu sự suy yếu của ngụy quân, Bộ Chính trị xác định kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Ngày 8-4-1975, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công làm Chính ủy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, sau đó, Chính ủy Phạm Hùng cùng Bộ tư lệnh chiến dịch đã đề nghị Bộ Chính trị để Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975, Chính ủy Phạm Hùng cùng Bộ tư lệnh chiến dịch họp bàn quyết tâm và phương án tác chiến cụ thể với phương châm kết hợp tiến công quân sự với quần chúng nổi dậy; xác định mục tiêu cần tiến công, phương thức tác chiến chiến dịch với yêu cầu cao nhất là nhanh chóng giải phóng Sài Gòn và giữ được thành phố nguyên vẹn. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Phạm Hùng cùng Trung ương Cục chỉ đạo hoạt động phối hợp của các địa phương trong toàn miền. Ở Sài Gòn-Gia Định, phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy, đặc biệt là lãnh đạo, chỉ huy lực lượng đặc công, biệt động, lực lượng vũ trang địa phương, phối hợp các tổ chức quần chúng...; đồng thời, chỉ đạo các hoạt động của thành phố ngay sau khi Sài Gòn-Gia Định được giải phóng.

Trong quá trình tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chính ủy Phạm Hùng luôn theo dõi sâu sát chiến trường để chỉ đạo công tác tư tưởng, xây dựng và phát huy tinh thần tiến công, đoàn kết hiệp đồng; chấp hành chính sách dân vận, chính sách với tù, hàng binh; chuẩn bị nhân sự và phương án hoạt động của Ủy ban Quân quản khi thành phố được giải phóng. Từ ngày 26-4-1975, đồng chí cùng Tư lệnh Văn Tiến Dũng tổ chức, chỉ huy các cánh quân tiến công như vũ bão vào nội đô Sài Gòn, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vào trưa 30-4-1975.

Thiếu tướng, PGS, TSVŨ QUANG ĐẠO(nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự)

------------

Phó tư lệnh Chiến dịch Lê Đức Anh

Đồng chí Lê Đức Anh-người cộng sản kiên trung, một vị tướng dày dạn trận mạc luôn có mặt trên các chiến trường ác liệt ở những thời điểm cam go với nhiều trận đánh lớn, góp phần tạo bước ngoặt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Anh trên cương vị Phó tư lệnh chiến dịch kiêm Tư lệnh Binh đoàn cánh Tây Nam, một trong 5 hướng tiến công của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào Sài Gòn. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm được đúc rút qua thực tiễn chiến đấu, ông đã tham gia hoạch định và trực tiếp chỉ huy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng quân, dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Lê Đức Anh (thứ hai từ phải sang) và các thành viên thuộc Bộ tư lệnh Miền tại căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh, Sông Bé. Ảnh tư liệu 

Binh đoàn cánh Tây Nam được thành lập do Trung tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam) làm Tư lệnh, lực lượng gồm: Đoàn 232 (Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16, các đơn vị pháo binh, xe tăng, thông tin, công binh), được bổ sung thêm Sư đoàn 9, Trung đoàn 271B, 2 trung đoàn chủ lực của Quân khu 8 (24, 88), 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo 130mm, 6 khẩu pháo cao xạ và một số đơn vị binh chủng kỹ thuật khác.

Với đặc thù địa bàn tác chiến chủ yếu là sông nước, sình lầy, sông rạch chằng chịt, khó khăn trong tổ chức hành quân cơ động lực lượng và không thích hợp với cách đánh sử dụng đội hình lớn, tập trung; tại đây, địch tập trung lực lượng gồm 10 sư đoàn bộ binh, 8 liên đoàn biệt động quân, 11 thiết đoàn thiết giáp, 33 tiểu đoàn pháo, 3 sư đoàn không quân, do tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật ngụy chỉ huy. Đồng chí Lê Đức Anh chủ trương tổ chức đội hình tiến công gồm cả các đơn vị binh chủng nặng như xe tăng, đại bác. Ông chỉ đạo các đơn vị pháo binh tháo rời các bộ phận của pháo đưa xuống thuyền, xuồng ba lá vượt Đồng Tháp Mười; yêu cầu các đơn vị xe tăng bịt kín những chi tiết hở trên xe để vừa hành quân trên bờ kênh, vừa xuôi theo sông Vàm Cỏ đến vị trí tập kết.

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Trên hướng Tây Nam, Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ huy Binh đoàn cùng lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu chặn cắt Quốc lộ 4, tiến công Hậu Nghĩa, chi khu Đức Hòa, chi khu Đức Huệ, Tân An, chi khu Thủ Thừa. Ngày 28-4-1975, các đơn vị của Binh đoàn cánh Tây Nam tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp Sài Gòn, đánh chiếm một số mục tiêu, cắt mọi đường giao thông thủy, bộ, triệt để cô lập Sài Gòn. Ngày 30-4, Binh đoàn cánh Tây Nam tổng công kích vào nội thành. 11 giờ cùng ngày, các đơn vị của Binh đoàn đã cắm cờ giải phóng trên nóc nhà Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, dinh Tỉnh trưởng Long An và các căn cứ khác. Một số mũi thọc sâu của Binh đoàn đã phát triển hợp điểm với các cánh quân khác tại dinh Độc Lập.

Dưới sự chỉ huy của Trung tướng Lê Đức Anh, Binh đoàn cánh Tây Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, không chỉ thực hiện thành công nhiệm vụ chia cắt chiến lược Sài Gòn với miền Tây Nam Bộ mà còn thực hiện một đòn tiến công hiểm, đánh từ phía sau vào hệ thống phòng thủ của ngụy quân Sài Gòn, là nút thắt cuối làm thất bại ý đồ “tử thủ” của ngụy quyền Sài Gòn.

NGUYỄN NGỌC TOÁN

--------------

Phó tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn

Đồng chí Lê Trọng Tấn được đánh giá là một trong những vị tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam; là đại đoàn trưởng đầu tiên khi mới 36 tuổi, kinh qua nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, năm 1972, trên cương vị Tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên, đồng chí Lê Trọng Tấn cùng tập thể Bộ tư lệnh chiến dịch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giải phóng tỉnh Quảng Trị và một số địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (tháng 3-1975), Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã chỉ huy các lực lượng làm nên chiến công vang dội, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân, dân ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng miền Nam.

Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. Ảnh tư liệu 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Trọng Tấn là Phó tư lệnh chiến dịch, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông và Đông Nam gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4... Trên hướng Đông Nam của chiến dịch, Quân đoàn 2 được phối thuộc Sư đoàn 3 (Quân khu 5), phối hợp với lực lượng đặc công và lực lượng vũ trang thị xã Vũng Tàu có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ-bến phà Cát Lái, đánh chiếm chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa; đặt pháo ở Nhơn Trạch bắn vào Tân Sơn Nhất, phối hợp với hướng bạn đánh chiếm dinh Độc Lập... Từ ngày 9 đến 21-4-1975, Quân đoàn 4 hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Xuân Lộc, mở toang cánh cửa hướng Đông, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 2 nhanh chóng cơ động triển khai lực lượng, thực hiện nhiệm vụ trên hướng Đông Nam.

Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn, ở hướng Đông Nam, đêm 26-4-1975, pháo binh của Quân đoàn 2 dồn dập trút đạn vào các mục tiêu đã lựa chọn, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng khẩn trương vận động chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Trên các mũi tiến công, các đơn vị của Quân đoàn 2 nhanh chóng chiếm được trường huấn luyện thiết giáp, ngã ba đường số 15, chi khu Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa... Chiều 29-4, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 được lệnh xuất phát, đến 24 giờ bắt liên lạc được với lực lượng đặc công, chuẩn bị sẵn sàng đột phá vào nội đô Sài Gòn.

Qua 5 ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh quân phía Đông và Đông Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả, ta tiêu diệt, bắt sống, gọi ra trình diện hơn 20.000 tên địch; tiêu diệt, làm tan rã 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, 4 liên giang đoàn tàu thuyền chiến đấu; bắn rơi, bắn cháy 23 máy bay; thu giữ, phá hủy hàng trăm khẩu pháo các loại cùng nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh khác của địch. Lực lượng tiến công trên hướng Đông Nam đã vinh dự đánh chiếm dinh Độc Lập-đầu não ngụy quyền Sài Gòn.

Từ chỉ huy cấp phân đội, đồng chí Lê Trọng Tấn phát triển lên Đại đoàn trưởng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ chiến trường Điện Biên Phủ (năm 1954), rồi Sài Gòn-Gia Định (năm 1975) đến biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc đều có dấu ấn đậm nét của đồng chí Lê Trọng Tấn.

QUỐC HÙNG

-------------

Những kế sách của Thượng tướng Trần Văn Trà

Để chuẩn bị cho cuộc họp Bộ Chính trị đợt 2 bàn kế hoạch giải phóng miền Nam, ngày 3-12-1974, Thường vụ Quân ủy Trung ương nghe đồng chí Trần Văn Trà và đồng chí Phạm Hùng báo cáo tình hình Chiến trường B2. Tại cuộc họp, đồng chí Trần Văn Trà đề nghị giữ nguyên kế hoạch được đánh Đồng Xoài vì “Đồng Xoài là điểm then chốt của toàn bộ đoạn đường số 14”, “ta chiếm được Đồng Xoài thì quân địch khốn quẫn ở Phước Long, tạo điều kiện để ta giải phóng toàn tỉnh”, từ đó mở thông hành lang về phía Đông Sài Gòn. Kết quả: Chiến dịch Đường 14-Phước Long (13-12-1974 đến 6-1-1975) giành thắng lợi, là “đòn trinh sát chiến lược” quan trọng để Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam và dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Sau hội nghị, ngày 24-1-1975, đồng chí Trần Văn Trà trở lại Chiến trường B2, cùng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện kế hoạch tác chiến.

Đồng chí Trần Văn Trà và Nguyễn Thị Định là những cán bộ trong Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu 

Sau thất bại liên tiếp ở Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng, quân địch càng lâm vào khủng hoảng, bại binh rút chạy về Sài Gòn. Để giữ Sài Gòn, chúng tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng quyết phải giữ”, là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Do tầm quan trọng của Xuân Lộc, đồng chí Trần Văn Trà trực tiếp đến Sở chỉ huy tiền phương giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 mở chiến dịch tiến công phá vỡ phòng tuyến Xuân Lộc.

Ngày 9-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu, ta lần lượt chiếm được một số mục tiêu quan trọng. Từ ngày 11 đến 14-4, địch huy động lực lượng và hỏa lực gây cho ta nhiều tổn thất. Có ý kiến cho rằng, ta nên rút toàn bộ lực lượng ra khỏi thị xã Xuân Lộc, sau đó tổ chức đánh diệt quân địch bên ngoài, tiêu diệt từng bộ phận. Thượng tướng Trần Văn Trà đề nghị: “Cho tôi đến tận nơi, nắm rõ tình hình cụ thể tại chỗ và cùng với anh em nghiên cứu cách đánh thắng lợi”.

Chiều 11-4, Thượng tướng Trần Văn Trà từ Lộc Ninh xuống Sở chỉ huy Quân đoàn 4 chỉ đạo và đôn đốc Quân đoàn 4 thực hiện cách đánh mới: Đưa Quân đoàn 4 ra ngoài chiếm giữ ngã ba Dầu Giây, đánh tiêu diệt các đơn vị đối phương đến phản kích đứng chân chưa vững, thiếu công sự ẩn nấp; cắt Đường 1, cô lập Xuân Lộc với Biên Hòa; cắt Đường 2 đi Bà Rịa; dùng pháo tầm xa bắn khống chế sân bay Biên Hòa.

Nhờ cách đánh đó, ngày 21-4, tuyến phòng thủ Xuân Lộc-“cánh cửa thép” bảo vệ phía Đông Sài Gòn bị đập tan, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng. Chiến thắng Xuân Lộc-Long Khánh tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân trên hướng Đông, Đông Bắc chuẩn bị lực lượng và thế trận cùng quân dân trên các hướng tiến về Sài Gòn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Văn Trà được phân công làm Phó tư lệnh chiến dịch. Ngày 22-4-1975, Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch họp thông qua kế hoạch tiến công Sài Gòn-Gia Định. Thượng tướng Trần Văn Trà cùng Bộ tư lệnh chiến dịch thống nhất phương án tác chiến chiến dịch. Quán triệt tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ ngày 26 đến 30-4-1975, với thế áp đảo, 5 cánh quân dũng mãnh của ta đồng loạt tiến về dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.

Trên cương vị Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Văn Trà cùng Quân ủy, Bộ tư lệnh Miền, Bộ tư lệnh Chiến dịch đóng góp trí tuệ, tâm huyết tham mưu, xây dựng kế hoạch, quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam và tổ chức thực hiện thắng lợi.

NGUYỄN TOÁN

-------------------

Phó tư lệnh chiến dịch Đinh Đức Thiện

Năm 1974, Bộ Quốc phòng tách mảng trang bị kỹ thuật, quân giới để thành lập Tổng cục Kỹ thuật chuẩn bị cho tổng tiến công giải phóng miền Nam. Đồng chí Đinh Đức Thiện được giao làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật. Tháng 4-1975, ông là đại diện Quân ủy Trung ương được giao trọng trách Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chuẩn bị công tác hậu cần-kỹ thuật (HC-KT) cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Kết thúc Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chủ trương tập trung lực lượng, binh khí kỹ thuật, vật chất, hậu cần để giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Lực lượng kỹ thuật của chiến dịch được thành lập trên cơ sở lực lượng kỹ thuật của tiền phương Bộ Quốc phòng và lực lượng kỹ thuật của Miền. Việc bảo đảm kỹ thuật được phân công: Cơ quan HC-KT chiến dịch bảo đảm cho các Quân đoàn 1, 2, 3 và các binh chủng kỹ thuật. Cơ quan HC-KT Miền bảo đảm cho Quân đoàn 4 và các đơn vị ở Đường số 20. Cơ quan HC-KT các Quân khu 7, 8, 9 bảo đảm cho các sư đoàn chủ lực của Miền, của quân khu ở Mỹ Tho, Cần Thơ và Tây Nam Sài Gòn.

Đồng chí Đinh Đức Thiện (ngoài cùng bên phải) cùng một số đồng chí trong Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975). Ảnh tư liệu 

Thực hiện mệnh lệnh và kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đinh Đức Thiện, Tổng cục Kỹ thuật tập trung mọi nỗ lực, huy động đến mức cao nhất khả năng bảo đảm trang bị kỹ thuật cho các lực lượng tham gia chiến dịch; ưu tiên bổ sung đầy đủ và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho khối đơn vị chủ lực, các quân đoàn cơ động và đơn vị binh chủng kỹ thuật. Chỉ đạo các chuyên ngành kỹ thuật và ngành kỹ thuật các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng tăng cường lực lượng, thực hiện tốt công tác kỹ thuật phục vụ chiến dịch. Từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4-1975, Tổng cục Kỹ thuật đã huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Tổng cục, gần 3.000 lượt xe quân sự, tổ chức vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật và hàng nghìn lượt người tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Đảng và Chính phủ chỉ đạo huy động đến mức cao nhất mọi lực lượng của cả nước và toàn quân phục vụ công tác hậu cần. Nhu cầu dự trữ vật chất cho Chiến dịch Hồ Chí Minh rất lớn, trong khi đó, thời gian chuẩn bị hậu cần trực tiếp cho chiến dịch rất ngắn (20 ngày, từ ngày 5 đến 25-4-1975). Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc huy động các mặt bảo đảm theo chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng chi viện chiến trường, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đinh Đức Thiện, Tổng cục Hậu cần phối hợp với các đơn vị tập trung mọi lực lượng, phương tiện để chuẩn bị đầy đủ vật chất, hậu cần phục vụ chiến dịch. Do ta tiến công thần tốc với lực lượng áp đảo, hơn nữa kẻ địch bị tiêu diệt và tan rã nhanh nên chiến dịch sớm kết thúc và lượng vật chất-kỹ thuật tiêu thụ không nhiều. Toàn chiến dịch sử dụng gần 14.000 tấn vật chất các loại, bằng 21,6% lượng dự trữ...

Tháng 1-1997, trong lễ tưởng niệm 10 năm Ngày mất của Thượng tướng Đinh Đức Thiện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động nói: Đồng chí Đinh Đức Thiện có công lớn trong việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn, xây dựng hệ thống giao thông vận tải lớn từ hậu phương miền Bắc đến các chiến trường, trong đó có tuyến đường ống dẫn xăng dầu, nhằm bảo đảm chi viện cho miền Nam, tạo hạ tầng cơ sở cho cơ động lực lượng và vận chuyển lớn, phục vụ đắc lực cho thời cơ chiến lược, nhất là cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

CHÍ PHAN

-----------------

Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Lê Quang Hòa

Ngày 5-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức cánh quân hướng Đông, đồng chí Lê Trọng Tấn được chỉ định làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa làm Chính ủy. Các binh đoàn hướng Đông tiến quân theo trục Đường 1 và ven biển miền Trung, vừa hành quân, vừa chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, đập tan tuyến phòng ngự của ngụy quyền Sài Gòn ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, giải phóng các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy-khu vực phòng thủ từ xa của Mỹ-ngụy đối với Sài Gòn trên hướng Đông...

Đồng chí Lê Quang Hòa cùng Bộ tư lệnh cánh quân hướng Đông đã quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương là hành quân thần tốc để đánh nhanh, đánh mạnh, đập tan mọi âm mưu co cụm chiến lược của địch. Bộ tư lệnh bàn bạc, ngoài sự chi viện của cấp trên, của các binh đoàn vận tải chiến lược, cần tận dụng những phương tiện vận chuyển đưa khối lượng vật chất, binh khí kỹ thuật lên phía trước, tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, huy động thêm xe vận tải, bảo đảm cho toàn bộ lực lượng các binh chủng được cơ động bằng phương tiện cơ giới.

 Đồng chí Lê Quang Hòa (bên trái) trong một lần đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đơn vị. Ảnh tư liệu

Dọc đường hành quân, cánh quân hướng Đông nhận được điện của Bộ Tổng Tư lệnh: “Quyết tâm sắt đá giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa... Phải thọc sâu, đột kích mạnh, hết sức chủ động, hết sức cơ động, hết sức linh hoạt... Tranh thủ từng giờ, từng phút, quyết chiến, toàn thắng...”. Bức điện đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ trên các hướng không ngần ngại trước mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Việc liên tiếp mất quyền kiểm soát trên một địa bàn rộng lớn từ Tây Nguyên vào đến cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã đẩy quân địch vào tình trạng hoang mang, tuyệt vọng. Ngày 8-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ tư lệnh Chiến dịch Sài Gòn-Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh). Sau đó, đồng chí Lê Quang Hòa được Bộ Chính trị chỉ định làm Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị chiến dịch.

Ngày 16-4-1975, “lá chắn thép” Phan Rang của ngụy quyền Sài Gòn thất thủ. Chiến thắng này là một bảo đảm cho quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975. Thắng lợi này vinh danh cánh quân hướng Đông, trong đó có đóng góp của đồng chí Lê Quang Hòa. Sau khi phải co cụm về Phan Rang cố thủ, ngụy quyền Sài Gòn hoang mang nhưng vẫn rất ngoan cố. Tuy nhiên, sau khi địch mất Phan Rang, căn cứ Xuân Lộc cũng không thể trụ vững.

Từ ngày 26-4, Quân giải phóng vây hãm Sài Gòn từ 5 hướng, thực hiện đột phá khu vực ngoại vi và thọc sâu đánh vào nội đô. Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có đồng chí Lê Quang Hòa đã đoàn kết, sáng tạo, tổ chức các cánh quân đột phá, tiến công thắng lợi, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

PHAN TRẮC THÀNH ĐỘNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan. 

Nguồn: https://baodaknong.vn/bo-tu-lenh-chien-dich-ho-chi-minh-251128.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm