Sân chơi chung của một Đông Nam Á gắn kết
Trong không khí kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19.8.1945 - 19.8.2025) và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN mở rộng 2025 được tổ chức tại Hà Nội đã mang đến một “bản hòa ca” sôi động và đầy cảm xúc. Không đơn thuần là một giải thể thao khu vực, đây thực sự là một không gian kết nối, chia sẻ và lan tỏa giá trị của hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa các quốc gia ASEAN.
Sự kiện do Bộ Công an Việt Nam chủ trì tổ chức, phối hợp với Hiệp hội Thể thao CAND Việt Nam, Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng SHB và các đơn vị chức năng, quy tụ 8 đội bóng đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khách mời quốc tế: Thái Lan, Singapore, Campuchia, Lào, Đông Timor, Australia. Đại diện nước chủ nhà, CAND Việt Nam thành lập hai đội tuyển với lực lượng từ các cầu thủ U21 Công an Hà Nội và PVF.
Một điểm nhấn đáng chú ý của giải đấu là lễ khai mạc đã diễn ra đầy trang trọng, sôi động, với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế. Tinh thần hữu nghị, thể thao cao thượng đã hiện diện không chỉ trong những nghi lễ mà còn bùng nổ trên từng bước chạy, từng đường bóng trên sân cỏ.
Ngay ở những lượt trận đầu tiên, giải đấu đã chứng kiến các màn so tài kịch tính và bất ngờ. Đội CAND Việt Nam I bất ngờ để thua trước đội Campuchia - vốn sở hữu lực lượng đang thi đấu tại giải VĐQG nước bạn. Thắng - thua trong thể thao luôn là một phần tất yếu, nhưng quan trọng hơn, tinh thần fair-play, tôn trọng lẫn nhau và sự chuyên nghiệp trong tổ chức đã tạo nên một sân chơi thực sự chất lượng cho tất cả các đội tham dự.
Không giống các giải đấu chuyên nghiệp đơn thuần, Giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN mở rộng 2025 mang đậm tính biểu tượng của “ngoại giao nhân dân thông qua thể thao”. Khi những người mặc sắc phục công an, cảnh sát (vốn là biểu tượng của kỷ cương, trật tự) cùng nhau thi đấu, giao lưu và chia sẻ đam mê bóng đá, điều đó nói lên rất nhiều về khát vọng gìn giữ hòa bình và xây dựng một cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết.
Dường như các đội bóng đều đến giải đấu với tinh thần không đặt nặng chuyện thắng - thua mà đến để gặp gỡ những người bạn, để lan tỏa tinh thần thể thao và để cùng nhau củng cố tình hữu nghị giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực, thể hiện tầm quan trọng của thể thao trong việc tăng cường hợp tác đa phương. Khi họ đá bóng với nhau, cười với nhau, trao cờ và ôm nhau sau mỗi trận, thì không còn khoảng cách. Đó là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy hòa bình bền vững.
Với Việt Nam, đây là dịp khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực, không chỉ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh mà còn trên cả mặt trận văn hóa và thể thao. Từ khâu tổ chức, lễ tân, hậu cần đến truyền thông, công tác an ninh… tất cả được triển khai bài bản, chu đáo, thể hiện tinh thần mến khách và sự chuyên nghiệp.
Đặc biệt, hình ảnh các CĐV Việt Nam reo hò cổ vũ cho cả đội bạn, những cái bắt tay nồng hậu sau mỗi trận đấu, và các hoạt động bên lề như giao lưu nghệ thuật, tham quan danh thắng Hà Nội… đã góp phần tạo nên một kỳ giải “đa tầng giá trị”.
Để thể thao tiếp tục là cầu nối văn hóa khu vực
Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, những sáng kiến như Giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN mở rộng thực sự mang ý nghĩa, hiệu quả thiết thực.
Tại Đông Nam Á, nơi sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo, thể chế chính trị luôn đòi hỏi một cơ chế kết nối mềm mại, phi chính trị, thì thể thao trở thành phương tiện tối ưu. Ở đó, con người được đặt vào trung tâm của sự hợp tác; những chuẩn mực hành xử quốc tế được lan tỏa một cách tự nhiên, bền vững.
Điều đáng quý là trong khuôn khổ giải đấu, các cuộc giao lưu văn nghệ giữa các quốc gia đã được đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh quan chức, vận động viên của 8 đoàn bóng đá cùng nhau hòa nhịp điệu múa Lam Vong trong tiếng khèn đặc trưng của văn hóa Lào, hay toàn đội Đông Timor cùng nhau lên sân khấu đồng ca bài hát truyền thống đã đưa giải đấu vượt ra khuôn khổ của một giải thể thao thông thường. Những cái bắt tay, những cuộc trao đổi song phương đã tạo nên sự gắn kết, tăng cường hữu nghị giữa các đoàn công an, cảnh sát trong khu vực.
Hướng về tương lai, giới chuyên môn kỳ vọng giải đấu sẽ được tổ chức thường niên, mở rộng hơn nữa quy mô và đối tượng tham dự. Không chỉ gói gọn trong lực lượng công an, có thể mời thêm các đội bóng đến từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức quốc tế hoặc cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó, bóng đá sẽ tiếp tục là cầu nối văn hóa, một “tài sản mềm” để củng cố hình ảnh Việt Nam thân thiện, an toàn và có trách nhiệm.
Giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN mở rộng 2025 không chỉ là cuộc chơi thể thao, mà là nơi hội tụ của khát vọng hòa bình, niềm tin vào hợp tác khu vực và giá trị nhân văn vượt khỏi giới hạn của bóng đá. Trong thời đại mà những bất đồng, xung đột có thể bùng nổ từ những điều nhỏ nhất, thì mỗi pha bóng đẹp, mỗi nụ cười giao lưu lại càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/the-thao/bong-da-va-tinh-huu-nghi-khong-bien-gioi-151885.html
Bình luận (0)