Những gam màu tươi sáng
Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2025 của tỉnh: Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I ước tăng 15,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số sản xuất ngành khai khoáng ước tăng 4,15%; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như than sạch, điện tăng từ 2,6-3% so với kế hoạch đề ra; công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực công nghiệp và xây dựng với chỉ số sản xuất ước tăng 34,59%. Đáng chú ý có 9/14 sản phẩm CNCBCT đạt và vượt tiến độ kế hoạch là vải dệt kim, ti vi, loa, tai nghe, tấm quang năng... Tập đoàn Foxconn đưa vào sản xuất 2 sản phẩm mới là bản mạch máy in và máy sạc điện, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành CNCBCT.
Ở khu vực dịch vụ, từ đầu năm, với điều kiện thời tiết thuận lợi, tỉnh xác định hoạt động du xuân, lễ hội sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Lượng du khách đến tỉnh tăng mạnh nhất trong tháng 3, tập trung vào các địa phương có hoạt động lễ hội đầu năm như Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn.... Các sở, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ, trọng tâm là thu hút khách du lịch; tăng cường đón các đoàn khách du lịch tàu biển quốc tế; bổ sung các dịch vụ, hành trình tham quan Vịnh Bái Tử Long; có kế hoạch tổ chức hơn 170 chương trình, sự kiện quảng bá du lịch Quảng Ninh năm 2025. Các hoạt động du lịch trong Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội năm 2025 đảm bảo an toàn, vui tươi, hiệu quả...
Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh quý I ước đạt 5,68 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ, tăng 3% so với kế hoạch, đứng thứ 3 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội); trong đó khách quốc tế ước đạt 1,17 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 1,18 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 13.180 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, tăng 8% so với kế hoạch.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Riêng chỉ tiêu trồng rừng gặp khó khăn do thiệt hại của bão Yagi, nên việc khai thác tận thu và chuẩn bị mặt bằng để trồng lại rừng cần thời gian; tuy rừng trồng thấp so với kế hoạch nhưng so với cùng kỳ, diện tích rừng trồng mới tập trung tăng 320%.
Thu ngân sách nhà nước là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I với kết quả ước thực hiện 13.591 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ, tăng 5% so với kế hoạch. Trong đó thu nội địa ước đạt 9.541 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, tăng so với 5% kế hoạch; thu từ thuế, phí ước đạt 9.267 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, với 12/16 khoản thu vượt và đạt tốc độ bình quân.
Về đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh đã hỗ trợ, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC để các dự án mới đảm bảo đủ điều kiện khởi công, như Dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư 690 triệu USD; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các TTHC về môi trường, PCCC, nghiệm thu công trình... để đưa dự án vào hoạt động chính thức trước thời hạn; khánh thành Nhà máy ô tô Thành Công; hoàn thành rà soát toàn bộ các dự án đang triển khai, lập danh sách các vướng mắc, khó khăn để tập trung tháo gỡ, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, đẩy nhanh tiến độ, trọng tâm là các dự án trọng điểm Hạ Long Xanh, Công viên Đại Dương, Điện khí LNG, Cảng Vạn Ninh.
Ông Gari Lin, Phó Chủ tịch, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Lite-On Technology, cho biết: Trong suốt quá trình triển khai đầu tư Nhà máy Lite-On Quảng Ninh tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), Tập đoàn đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tuyệt đối của tỉnh Quảng Ninh để có thể khởi công Nhà máy trong quý I/2025. Chúng tôi phấn đấu sớm hoàn thành giai đoạn 1 của Nhà máy vào tháng 11/2025 để đi vào sản xuất, đóng góp tích cực, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của địa phương.
Tính đến ngày 19/3/2025, tỉnh đã cấp mới 1 dự án, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD; điều chỉnh 19 lượt dự án, trong đó 2 lượt điều chỉnh tăng vốn 30 triệu USD. Hết tháng 3 sẽ thu hút thêm 129 triệu USD từ 6 dự án FDI, nâng tổng nguồn vốn thu hút FDI đạt khoảng 161 triệu USD, bằng 23,5% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 5.001 tỷ đồng, bằng 73,6% so với cùng kỳ; trong đó cấp mới cho 5 dự án với tổng mức đầu tư 2.217,5 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư 2.784 tỷ đồng.
Tăng tốc vững chắc
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng 14%, cao hơn 2% so với mức Trung ương giao, chắc chắn là nhiệm vụ không hề dễ dàng. UBND tỉnh đã xây dựng các mục tiêu, kịch bản tăng trưởng cụ thể; trong đó giao chỉ tiêu thực hiện tới từng địa phương, cơ sở, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra từng quý, 6 tháng, 9 tháng, cả năm.
Tỉnh phát huy kết quả khả quan đạt được trong quý I, bảo đảm tính ổn định của các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy đầu tư tư nhân và CNCBCT. Dự kiến trong quý II/2025 có 7 nhà máy đi vào hoạt động (sản xuất thiết bị dẫn nhiệt, tản nhiệt; sản phẩm chiếu sáng; vải sợi; vành xe bằng hợp kim luyện nhôm....) và Nhà máy ô tô Thành Công đi vào sản xuất thương mại. Đây là yếu tố chính đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp với mức tăng dự kiến 10,22%.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh, Ban đang triển khai các giải pháp đảm bảo, hỗ trợ 7 nhà máy đi vào hoạt động đúng thời hạn, bổ sung năng lực tăng thêm cho nền kinh tế. Đồng thời hỗ trợ Tập đoàn Thành Công đưa nhà máy vào sản xuất thương mại và đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai Nghị định số 21/2025/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến một số chính sách ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô. Hoàn thành phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2040; hoàn thành các quy hoạch phân khu: KCN Cảng biển Hải Hà, KKT Cửa khẩu Móng Cái, KCN Tiên Yên, góp phần thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Quý II có nhiều ngày nghỉ, ngày lễ, bắt đầu thời gian nghỉ hè của học sinh, là thời gian tốt để thu hút khách nội địa. Lượng khách du lịch có xu thế tăng mạnh vào đầu tháng 5 và tháng 6 (tập trung vào các địa phương có khách du lịch biển đảo như Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái). Ngành Du lịch đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối với các địa phương đã có ký kết hợp tác du lịch để trao đổi nguồn khách; kiểm tra, rà soát các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ khách du lịch; nghiên cứu phát triển các tuyến du lịch đường biển, làm việc với các hãng tàu biển; đôn đốc, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch mới; tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch Quảng Ninh tới các cơ quan đại diện, tổ chức nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; tham gia Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh 2025.
Tỉnh chú trọng thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới, chủ yếu đến từ các vùng kinh tế trọng điểm Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn… Cụ thể, TP Hạ Long được giao nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện không gian phát triển tổng thể khu vực Vịnh Cửa Lục, khu vực Hoành Bồ để đón bắt cơ hội phát triển mới, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế để sớm trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế. Đối với TP Móng Cái, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy, cho biết: Tại Chương trình Gặp gỡ đầu xuân 2025 giữa bí thư 5 tỉnh, khu biên giới của Việt Nam, Trung Quốc, Móng Cái đã đề xuất triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, Khu hợp tác ngành nghề. Có lẽ đây là giai đoạn chín muồi để triển khai và nếu thực hiện được sẽ tạo động lực lớn cho phát triển. Bên cạnh đó thành phố tích cực đẩy mạnh triển khai Cửa khẩu số thông minh, thúc đẩy dư địa cho việc xuất nhập khẩu cũng như thu hút khách du lịch.
Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 14% để góp phần vào mục tiêu chung của cả nước 8%. Dù thách thức lớn, mục tiêu này vẫn được đánh giá là khả thi. Đây không chỉ là bước tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Con số 14% không đơn thuần là một chỉ tiêu, mà còn khẳng định vị thế của Quảng Ninh là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng hành cùng cả nước trong kỷ nguyên phát triển mới.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/buoc-da-thuan-loi-cho-muc-tieu-tang-truong-14-3351136.html
Bình luận (0)