Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy quán triệt một số nội dung về công tác tổ chức, nhân sự tại Hội nghị ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh |
• KHÔNG ĐỂ XẢY RA KHOẢNG TRỐNG TỔ CHỨC
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025 về một số nhiệm vụ trọng tâm trong sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6/2025, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp xã, phường (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030 được xác định là nhiệm vụ then chốt, cần được thực hiện ngay sau khi chính thức thành lập chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025. Đối với tỉnh Lâm Đồng, đây là giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của cấp ủy Đảng các cấp nhằm đảm bảo tính kế thừa, ổn định nhưng cũng tạo được bước phát triển đột phá, toàn diện cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.
Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU, ngày 13/5/2025 về thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng để lãnh đạo công tác đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng. Thường trực Tỉnh ủy đã phân công 3 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách và chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hiện nay các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với các huyện ủy, thành ủy để chỉ đạo, định hướng, đôn đốc về công tác xây dựng phương án nhân sự và công tác chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng bộ các xã, phường (sau sắp xếp).
Công tác chuẩn bị đại hội phải được triển khai ngay sau khi hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính, không để xảy ra khoảng trống tổ chức hay gián đoạn trong lãnh đạo, điều hành theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
• XÂY DỰNG VĂN KIỆN SÁT THỰC TIỄN
Xác định rõ tính chất đặc thù của các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, các Đảng ủy xã, phường được yêu cầu rà soát kỹ tình hình thực tiễn, đánh giá nghiêm túc các kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các đơn vị cũ. Trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ xã, phường (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030 phải đảm bảo khách quan, toàn diện, có tầm nhìn chiến lược và mang tính đột phá cao.
Nội dung văn kiện cần làm rõ những đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh và cả những khó khăn, thách thức của địa phương sau sáp nhập. Việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển cho nhiệm kỳ tới phải mang tính khả thi cao, phù hợp với quy mô, vị thế mới của đơn vị hành chính. Đồng thời, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ trong việc tạo ra bước phát triển mới về kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để bảo đảm chất lượng nội dung văn kiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm tổ trưởng, tổ phó các tổ giúp việc xây dựng văn kiện đại hội. Các tổ này có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từng bước chuẩn bị, nhằm nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức văn kiện trình đại hội...
• BẢO ĐẢM NGUYÊN TẮC, PHÁT HUY TÍNH KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông quán triệt tại Hội nghị toàn ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tỉnh: Cùng với việc chuẩn bị văn kiện, công tác nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại các đơn vị hành chính mới là nội dung đặc biệt quan trọng, được Ban Tổ chức Tỉnh ủy và cấp ủy cấp trên trực tiếp quan tâm, chỉ đạo sát sao. Việc xây dựng phương án nhân sự phải tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhất là Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025 về phương án nhân sự cấp xã sau sáp nhập.Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, đồng thời phát huy được tính kế thừa, ổn định và phát triển. Nhân sự cấp ủy phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực lãnh đạo, quản lý, am hiểu địa bàn và được cán bộ, đảng viên, Nhân dân tín nhiệm.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại kết luận 157 ngày 25/5/2025, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, "lợi ích nhóm", tiêu cực. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các độ tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, tôn giáo. Việc chuẩn bị tốt phương án nhân sự cấp ủy không chỉ quyết định thành công của đại hội, mà còn là tiền đề cho sự vận hành hiệu quả của bộ máy chính quyền mới.
Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã giao Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan chuẩn bị, xây dựng Phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập (gồm các chức danh: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) và Phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp xã sau khi thành lập mới và dự kiến phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của các đơn vị ở cấp xã (chỉ đạo cụ thể về cơ quan chủ trì xây dựng phương án nhân sự, các bước thực hiện).
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải được tăng cường, chủ động định hướng dư luận, giải thích rõ ràng các chủ trương, lợi ích của việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức lại bộ máy Đảng. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị và tổ chức đại hội, đặc biệt là trong các khâu như xây dựng văn kiện, nhân sự, quy trình bầu cử. Kiên quyết xử lý các biểu hiện tiêu cực, sai phạm nếu có, đồng thời biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/buoc-di-kip-thoi-de-hien-thuc-hoa-mo-hinh-chinh-quyen-hai-cap-7d90f06/
Bình luận (0)