Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt triển khai kịch bản tăng trưởng năm 2025

Ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Nam Định đã cụ thể hóa bằng những quyết sách chiến lược: Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 26/11/2024 đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao, đồng thời yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc quyết liệt, không có tư tưởng bằng lòng với kết quả cũ; HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 177/NQ-HĐND ngày 10/12/2024; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 17/01/2025 về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định năm 2025; theo đó đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2025 đạt từ 10,5% trở lên.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định06/04/2025

Tạo nền tảng vững chắc cho bứt phá

 

3 tháng đầu năm, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo.
Sản xuất tại Công ty TNHH Nam Dược (thành phố Nam Định).

Điểm đột phá trong Kế hoạch của tỉnh là đưa ra 12 nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu từng sở, ngành, địa phương phải chủ động, không chờ chỉ đạo từ trên xuống, phải hành động ngay từ cơ sở để nhằm đạt mục tiêu vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển doanh nghiệp và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời, tập trung khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư để tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế. Cùng với đó, tỉnh kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ tăng trưởng về kinh tế mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10,5%, tỉnh xây dựng kịch bản chi tiết theo từng quý, cho từng ngành kinh tế. Cụ thể: Quý I tăng 8,9%, quý II tăng 10%, 6 tháng tăng 9,5%, quý III tăng 11,6%, 9 tháng tăng 10,2%, quý IV tăng 11,1%, cả năm tăng 10,5%. Trong đó tỉnh xác định trụ cột tăng trưởng chính từ công nghiệp - xây dựng - dịch vụ: Công nghiệp - động lực chính, phải tăng trên 15%, đóng góp 3,87 điểm phần trăm vào GRDP; xây dựng - bệ đỡ quan trọng, phải tăng 15,2%, đóng góp 1,08 điểm phần trăm; dịch vụ - trụ cột phát triển bền vững, phải tăng 9%, đóng góp 3,69 điểm phần trăm. Như vậy, ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo, với sự góp mặt của các dự án lớn như cụm công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao.

Ngay trong 3 tháng đầu năm các cấp chính quyền, cùng với thực hiện việc sắp xếp cơ quan, tổ chức bộ máy, ngành chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt chung sức, đồng lòng, triển khai hiệu quả kịch bản tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 của tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt 14.632 tỷ đồng, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm 2024, đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ trước đến nay; xếp thứ 1 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 3 cả nước.

Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,88%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,44%, đóng góp 7,31 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 9,59%, đóng góp 3,65 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,32%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Những kết quả đạt được trong sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, giải ngân vốn và phát triển hạ tầng tiếp tục tạo tiền đề quan trọng để tỉnh đạt mục tiêu năm 2025 GRDP tăng 10,5%. Cụ thể là: Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 ước tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 23,50%. Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 939 triệu USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2024; kim ngạch nhập khẩu đạt 781 triệu USD, tăng 125,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư tiếp tục khởi sắc, tính đến ngày 25/3/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó cấp mới cho 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 121 triệu USD, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp. Những con số này không chỉ phản ánh sự năng động của nền kinh tế mà còn cho thấy hiệu quả trong điều hành, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và ngành chức năng trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Với tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 lên tới 12.141 tỷ đồng - cao hơn 51% so với mức Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh đã chủ động ban hành quyết định giao chi tiết ngay từ đầu năm. Nhờ đó, chỉ trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 1.854 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch năm và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tiến độ giải ngân nhanh chóng ngay từ đầu năm là minh chứng rõ ràng cho sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực lan tỏa đến các ngành kinh tế khác.

Song song với phát triển công nghiệp, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng KCN, cụm công nghiệp (CCN): Phê duyệt đầu tư KCN Hải Long (VSIP Nam Định) giai đoạn I - một trong những dự án trọng điểm tại huyện Giao Thủy. Đồng thời hoàn thành phê duyệt quy hoạch các KCN: Nam Hồng (Nam Trực), Xuân Kiên (Xuân Trường), Minh Châu (Nghĩa Hưng). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quyết định thành lập 9 CCN mới, góp phần mở rộng không gian sản xuất và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và FDI. Những bước đi này không chỉ gia tăng lợi thế thu hút đầu tư mà còn là nền tảng quan trọng giúp Nam Định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài ra, chính quyền và người dân các địa phương liên quan trong tỉnh đồng lòng nhanh chóng thúc đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Dự án cao tốc này có tổng chiều dài 60,9km, trong đó đoạn qua Nam Định dài 27,6km, đi qua 21 xã, thị trấn thuộc 4 huyện. Tổng diện tích GPMB là 194,11ha, ảnh hưởng đến 4.219 hộ dân. Đến cuối tháng 3, tỉnh đã hoàn thành di dời mồ mả; đã phê duyệt phương án GPMB với 2.587 hộ đất nông nghiệp, chi trả tiền đền bù cho 1.642 hộ (khoảng 180 tỷ đồng); đang triển khai đo đạc kiểm đếm đất ở của 515 hộ và bố trí tái định cư cho 448 hộ. Dự kiến tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng đất nông nghiệp trong tháng 4/2025 và bàn giao toàn bộ mặt bằng khu dân cư vào tháng 9/2025. Việc đảm bảo tiến độ này sẽ giúp dự án được triển khai nhanh chóng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Nam Định cũng tích cực thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương. Ngày 20/2/2025, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh, công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ. Các đơn vị sau sắp xếp đã hoạt động ổn định từ ngày 1/3/2025, đảm bảo không có khoảng trống trong công tác quản lý, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Đây là minh chứng cho sự quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tăng tốc, hành động quyết liệt để về đích 

 

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra, trong đó tăng trưởng GRDP đạt 10,5% trở lên, toàn tỉnh tiếp tục hành động với tinh thần chủ động, quyết liệt thực hiện thắng lợi kịch bản tăng trưởng năm 2025; kiên quyết thực hiện hiệu quả nhất tất cả các công việc song song với thực hiện công tác sắp xếp bộ máy hành chính, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số khi thực hiện sáp nhập tỉnh. Tiếp tục bám sát Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/1/2025 của BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ, Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 26/11/2024 của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 177/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND tỉnh, đưa từng nội dung vào thực tiễn bằng hành động cụ thể, kết quả thực chất. Chú trọng tập trung khai thác tối đa động lực tăng trưởng từ liên kết vùng, quy hoạch và đầu tư. Trong đó xác định bốn cực tăng trưởng làm động lực phát triển: Thành phố Nam Định là Trung tâm hành chính, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, khoa học công nghệ; khu vực Cao Bồ, huyện Ý Yên là cửa ngõ kết nối với các tỉnh phía Bắc, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo; Khu kinh tế Ninh Cơ là trọng điểm phát triển công nghiệp, cảng biển, logistics; khu vực ven biển huyện Giao Thủy là trung tâm phát triển du lịch, năng lượng tái tạo và kinh tế biển. Hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, khai thác tốt lợi thế địa kinh tế để tạo đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển. Một nhiệm vụ trọng tâm là thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh Nam Định, giúp tăng cường tính chủ động, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý và hỗ trợ nhà đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục duy trì quan điểm đầu tư công phải đi trước, tạo động lực lan tỏa; yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025, đảm bảo không có vốn “đọng”, không có dự án “treo”. Các dự án lớn, có tác động lan tỏa sẽ được ưu tiên thúc đẩy, trong đó: Hoàn thành và đưa vào vận hành: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, giai đoạn II tuyến trục phát triển kinh tế biển kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Khởi công: Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu vay vốn ADB. Hoàn thành GPMB tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; mỗi dự án đều phải hoàn thành đúng tiến độ, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế - xã hội ngay sau khi đưa vào vận hành.

Tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp làm trụ cột bứt phá với mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng tối thiểu 15% bằng các giải pháp: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dự án công nghiệp quy mô lớn sản xuất, kinh doanh thuận lợi sau đầu tư, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng như Nhà máy Top Textiles của Toray (KCN Dệt may Rạng Đông); Nhà máy sản xuất máy tính Quanta; Nhà máy màng bọc polyme công nghệ cao Sunrise Material (KCN Mỹ Thuận); Nhà máy Giấy bao bì công nghệ cao GĐT (KCN Bảo Minh mở rộng). Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phấn đấu sớm khởi công KCN Trung Thành, KCN Hải Long, hoàn thiện thủ tục đầu tư KCN Nam Hồng, Xuân Kiên, Minh Châu và đặc biệt tập trung hỗ trợ để sớm khởi công Tổ hợp các dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện tại Nghĩa Hưng - một dự án có sức ảnh hưởng lớn đến chuỗi giá trị công nghiệp luyện kim và cơ khí chế tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, đón đầu công nghiệp thế hệ mới, ưu tiên lựa chọn những dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao, tập trung vào: Chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, AI, hydrogen; Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động bền vững, kết nối với thị trường lao động quốc gia và quốc tế; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị với mục tiêu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, quản lý và dịch vụ công, mọi ngành, mọi lĩnh vực phải chủ động đổi mới, tạo bệ phóng cho kinh tế số.

Với tinh thần quyết tâm cao, hành động quyết liệt, Nam Định đang tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số mà còn quyết tâm hiện thực hóa bằng những hành động thực chất, hướng tới phát triển bền vững, đột phá.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 

Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-quyet-liet-trien-khai-kich-ban-tang-truong-nam-2025-b1e5abd/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết
Nghệ thuật 3D mapping "vẽ" hình xe tăng, máy bay, lá cờ Tổ quốc trên Hội trường Thống Nhất
Ngắm trận địa pháo 105mm tại Bến Bạch Đằng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm