Với gần 550 lao động làm việc tại các dây chuyền sản xuất, các bộ phận, Công ty cổ phần May Văn Phú (Nho Quan) luôn quan tâm triển khai các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết: Là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực gia công sản phẩm quần áo xuất khẩu đi Mỹ và các nước EU nên việc đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ nhằm giảm sức lao động cho công nhân luôn được Công ty chú trọng.
Hệ thống thiết bị tự động đang được Công ty đầu tư lắp đặt tại các bộ phận sản xuất như: dây chuyền treo được bố trí dọc các bộ phận may đã hỗ trợ người lao động rất nhiều trong việc tự động di chuyển sản phẩm đến từng vị trí công nhân ngồi may, hỗ trợ công nhân không phải di chuyển, vận động.
Bên cạnh đó, các hệ thống máy làm túi tự động, máy lập trình tự động, máy làm sơ đồ… cũng góp phần tự động hoá nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất của Công ty, hướng người lao động đến các vị trí công việc đòi hỏi có sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp theo hướng công nghiệp, giảm sức lao động, cải thiện chất lượng, tăng năng suất lao động.
Vào mùa hè, Công ty cũng lắp đặt hệ thống làm mát tại phân xưởng sản xuất, có chế độ, chính sách đặc thù để người lao động yên tâm làm việc như: chế độ thưởng cho công nhân nam tham gia ngồi chuyền may, hỗ trợ công nhân nữ trong thời gian nuôi con nhỏ, thưởng vượt năng suất…
Trung bình, một tháng Công ty đóng nộp hơn 700 triệu đồng BHXH, BHTN để đảm bảo người lao động được thanh toán và hưởng đầy đủ các chế độ khi ốm đau, thai sản…
Việc quan tâm chế độ, chính sách đối với người lao động là hết sức quan trọng để từ sự chăm lo đó giúp người lao động yên tâm gắn bó với Công ty và nỗ lực lao động, sản xuất.
Chị Vũ Thị Thuỷ (xã Phú Lộc, Nho Quan), công nhân Công ty May Văn Phú cho biết: Tôi đã làm ở đây 13 năm, mức lương hiện hưởng là 16 triệu đồng/tháng. Cùng với việc thực hiện tốt chế độ, chính sách, các điều kiện bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc cũng được Công ty quan tâm triển khai như: mũ bảo hộ lao động, khẩu trang, vào mùa hè sẽ có hệ thống làm mát, bố trí quạt mát, nước uống… Do vậy, công nhân chúng tôi luôn yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2025 được phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Đây là đợt cao điểm về các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và người dân quan tâm, thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Ông Trịnh Văn Dương, Giám đốc Nhà máy Doveco Ninh Bình, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Nhà máy hiện có 240 lao động với mức lương trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng. Đối với người lao động trực tiếp tham gia sản xuất đều được lựa chọn, kiểm tra đầu vào, đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế, được trang bị đầy đủ các phương tiện vệ sinh cá nhân, định kỳ khám sức khỏe phân loại bệnh để có biện pháp cách ly và điều trị phù hợp.
Đồng thời, là doanh nghiệp với hơn 90% sản phẩm xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia trên thế giới nên Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tự động lên tới 90% nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức, Mỹ và các nước G7, đáp ứng được công suất sản xuất lớn, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chất thải công nghiệp.
Khu chế biến thực phẩm khép kín, hiện đại, được thiết kế xây dựng và lắp đặt một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo. Cùng với đó, hệ thống thông gió, chiếu sáng, cung cấp nước sạch, hệ thống thu gom và xử lý chất thải cũng như kết cấu nhà xưởng được thực hiện theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn VSATTP…
Những năm qua, qua công tác thanh kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, không chỉ chờ đến Tháng hành động mà các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động; rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất.
Trong đó, các doanh nghiệp đã thường xuyên tổ chức huấn, huấn luyện về ATVSLĐ gắn với đặc điểm, đặc thù sản xuất của một số ngành, nghề, lĩnh vực đặc biệt, công việc có nguy cơ rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc trong không gian hạn chế, an toàn hóa chất, điện, chế tác đá mỹ nghệ …; chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ…
Các ngành chức năng, theo nhiệm vụ được giao đã hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp rà soát, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp an toàn tại các phân xưởng, nhà máy, các máy thiết bị; thúc đẩy triển khai các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm căng thẳng, mệt mỏi tại nơi làm việc, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động.
Quan tâm tổ chức đối thoại về ATVSLĐ với người sử dụng lao động, người lao động nhằm thúc đẩy việc thực thi và tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai chính sách, pháp luật về ATVSLĐ và kiến nghị sửa đổi.
Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Ninh Bình khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh lựa chọn các vấn đề nổi cộm trong ngành, lĩnh vực sản xuất làm chủ đề tập trung triển khai hiệu quả trong chương trình hành động về ATVSLĐ.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cac-doanh-nghiep-chu-dong-trien-khai-cac-bien-phap-bao-dam-647724.htm
Bình luận (0)