Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ đầu năm 2024, nhiều địa phương đã triển khai nguồn vốn Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững để hỗ trợ triển khai các mô hình thâm canh cây lúa, cà-phê, dâu tằm và chăn nuôi gia súc, gia cầm... Nhờ nguồn lực hỗ trợ thiết thực, kịp thời; kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển biến tích cực. Mức thu nhập bình quân đầu người tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm…
Tuy nhiên, thách thức về cơ chế, nguồn vốn đối ứng và sự phối hợp giữa các cấp tại một số nơi chưa đồng bộ, đòi hỏi có giải pháp linh hoạt để bảo đảm hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Hiện đang có sự bất cập trong các quy định về hỗ trợ kinh phí. Theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ, mức hỗ trợ không được vượt quá 60% tổng chi phí thực hiện dự án, trong khi mỗi địa phương lại có hoàn cảnh đặc thù khác nhau.
Điều này khiến nhiều hộ dân gặp khó trong việc đáp ứng yêu cầu đối ứng tài chính. Việc yêu cầu đóng góp 30-40% chi phí đối ứng từ người dân, cả bằng tiền mặt và hiện vật, tạo áp lực lớn đối với một số hộ. Nhiều hộ không đủ khả năng đối ứng. Từ đó, việc phê duyệt dự án và giải ngân nguồn vốn gặp khó khăn. Việc đối ứng kinh phí của các hộ dân bằng hiện vật như máy phun thuốc, máy cắt cỏ, chuồng trại, diện tích trồng cỏ... không xác định được giá trị của vật tư đối ứng, khiến việc triển khai thực hiện ở các địa phương chưa thuận lợi.
Trước những khó khăn nêu trên, các địa phương trong khu vực đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Dự án. Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền và Mặt trận Tổ quốc được tăng cường.
Việc điều tra, rà soát hộ nghèo được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch; kết quả vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo được kiểm tra, theo dõi thường xuyên. Các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cộng đồng, tranh thủ nguồn tài trợ từ tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để đầu tư vào công trình phục vụ sản xuất, dân sinh.
Việc đào tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cho người dân là yếu tố then chốt, nhất là đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề cho thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo thêm việc làm ổn định, góp phần giúp người dân vươn lên…■
Nguồn: https://baolamdong.vn/cai-thien-thu-nhap-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-383581.html
Bình luận (0)