Trong quý I/2025, khối lượng sầu riêng xuất khẩu giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2024.
Hệ lụy từ phát triển nóng
Trong những năm gần đây, sầu riêng đã trở thành một trong những loại nông sản chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho Việt Nam. Với hương vị đặc trưng, hấp dẫn và nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng trưởng ấn tượng, đạt danh hiệu "trái cây tỷ đô", đóng góp quan trọng vào tổng giá trị xuất khẩu nông sản cả nước. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông đã đẩy mạnh phát triển các vùng trồng chuyên canh, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong quý I/2025, khối lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 26.800 tấn, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2024, kéo kim ngạch lao dốc 61,1%, chỉ đạt khoảng 98 triệu USD. Riêng thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam, ghi nhận mức giảm mạnh 78%, với giá trị xuất khẩu chỉ đạt 49,6 triệu USD. Tính đến giữa tháng 2/2025, lượng sầu riêng xuất sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 3.500 tấn, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung trong tháng 1 chỉ đạt 416 triệu USD, giảm 11% so với tháng trước và giảm 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này đến từ việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, đặc biệt liên quan đến dư lượng cadmium và chất vàng O. Các biện pháp kiểm tra mới khiến thời gian thông quan kéo dài từ 3-5 ngày lên đến 1 tuần, với yêu cầu kiểm tra 100% lô hàng. Hơn 100 container sầu riêng Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào đầu năm 2025, gây gián đoạn lớn trong hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, nhu cầu thị trường Trung Quốc cũng yếu đi, trong khi cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia như Campuchia (vừa được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi), Lào, và Indonesia (đang đàm phán).
Không chỉ Trung Quốc, các thị trường khó tính khác như EU và Đài Loan cũng tăng cường kiểm tra sầu riêng Việt Nam. EU đã tăng tần suất kiểm tra lên 10-20%, trong khi Đài Loan gia hạn lệnh kiểm tra từng lô đến ngày 30/04/2025 sau khi phát hiện nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn. Điều này tạo áp lực lớn lên ngành sầu riêng, vốn phụ thuộc tới 91% vào thị trường Trung Quốc trong năm 2024.
Sự lao dốc trong xuất khẩu đã gây dư thừa nguồn cung trong nước, kéo giá sầu riêng xuống mức thấp kỷ lục. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá sầu riêng Ri6 loại đẹp chỉ dao động 70.000-90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2024, trong khi sầu riêng Thái loại đẹp giảm 20.000 đồng/kg, còn 100.000-120.000 đồng/kg. Tại Tây Nguyên, giá sầu riêng Ri6 loại I cũng chỉ đạt 65.000-85.000 đồng/kg, thấp hơn 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Tại nhiều tỉnh miền Tây, giá mua tại vườn giảm còn 28.000-30.000 đồng/kg, thấp hơn 25.000-30.000 đồng/kg so với năm trước, khiến nông dân lo ngại về đầu ra.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong quá khứ, ngành sầu riêng đang đối mặt với thực trạng phát triển nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh, vượt quy hoạch, và việc chuyển đổi đất trồng không theo kỹ thuật diễn ra tràn lan ở nhiều nơi. Công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu lại chưa đồng bộ. Hơn nữa, sự phụ thuộc lớn vào một vài thị trường xuất khẩu khiến ngành hàng này dễ gặp rủi ro về giá cả và đầu ra. Nếu
Mặc dù ngành nông nghiệp đã xây dựng và tuyên truyền rộng rãi các quy hoạch diện tích, nhưng ở nhiều nơi, bà con vẫn bất chấp mở rộng canh tác. Điều này làm dấy lên lo ngại về bài toán "được mùa mất giá" mà ngành nông nghiệp luôn tìm cách tránh. Từ đầu năm đến nay, ngành sầu riêng liên tục gặp khó khăn trong kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhiều quốc gia áp dụng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sầu riêng Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để đáp ứng yêu cầu này, cần quy hoạch phù hợp nhằm ngăn chặn phát triển nóng về diện tích, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất, đóng gói, và bảo quản đạt chuẩn.
Để bảo vệ xuất khẩu nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang trở thành giải pháp quan trọng. Khi địa phương có quyền chủ động hơn, việc kiểm tra, giám sát chất lượng vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được thực hiện sát sao, linh hoạt và kịp thời, giúp nâng cao tính minh bạch và đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu. Đây là bước đi cần thiết để ngành sầu riêng và nông sản Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Ngoài ra, ngành cần tập trung đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Các thị trường tiềm năng như Mỹ, Hàn Quốc, và Nhật Bản cần được khai thác mạnh mẽ hơn. Đầu tư vào công nghệ chế biến, đặc biệt là sầu riêng đông lạnh, cũng là hướng đi quan trọng để gia tăng giá trị và tận dụng nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn xuất khẩu tươi. Cuối cùng, cần tăng cường ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch.
Đỗ Hương
Nguồn: https://baochinhphu.vn/can-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-san-pham-sau-rieng-102250506171656066.htm
Bình luận (0)