Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần liên kết chuỗi giá trị cây đậu phộng tạo đầu ra sản phẩm

Việt NamViệt Nam28/05/2025


 

Vào mùa thu hoạch đậu phộng, nông dân ấp Huyền Đức vừa có thu nhập, vừa góp phần giải quyết việc làm nhiều lao động nông thôn. 

 

Sản phẩm đậu phộng của tỉnh Trà Vinh được đánh giá chất lượng tốt hơn các vùng sản xuất khác, nên sản phẩm đậu phộng được tiêu thụ tốt hơn trên thị trường. Đậu phộng là cây trồng chủ lực tại các vùng có đất giồng cát, triền giồng tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, một phần diện tích nhỏ hơn được trồng tại huyện Càng Long, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Trên cùng thửa đất, cây đậu phộng được trồng 01 hoặc 02 vụ, trong đó, vụ đông - xuân là vụ chính của nông dân. Xen canh với cây đậu phộng, các nông hộ có thể trồng các cây màu khác như dưa hấu, rau màu khác như bí, bắp, khổ qua, các loại rau.

Các giống đậu phộng được trồng như MD7 và lai trắng, sản lượng đậu phộng của tỉnh hàng năm ước đạt từ 21.000 - 23.000 tấn/năm. Do vậy, cây đậu phộng được đánh giá cây hàng hóa mang lại doanh thu tương đối lớn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hàng năm, doanh thu từ sản xuất đậu phộng ước đạt 650 tỷ đồng.

Hiện tỉnh không có các hợp tác xã sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm đậu phộng. Các hộ trồng đậu phộng theo quy mô nông hộ và một số hộ có tham gia các tổ hợp tác. Số lượng các tổ hợp tác và số lượng hộ giam gia các tổ hợp tác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tuy vậy, có hình thức tổ chức hợp tác quan trọng giữa các đại lý cung cấp giống và thu mua sản phẩm đậu phộng tươi. Hình thức hợp tác này rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm đậu phộng; các đại lý thường có một số hộ nông dân tương đối cố định tại mỗi cộng đồng; các nông hộ nhận giống, trồng, thu hoạch và bán sản phẩm cho đại lý đã cung cấp giống.

Năng suất đậu phộng trồng chính vụ đạt 9,5 tấn tươi/ha, tương đương 4,1 tấn đậu phộng khô/ha. Diện tích và năng suất đậu phộng ở vụ thứ 02 giảm hơn vụ thứ nhất khoảng 42,5% về diện tích và giảm khoảng 31,7% về năng suất. Do vậy, đầu ra sản phẩm đậu phộng được đánh giá khó khăn và phụ thuộc vào duy nhất thương lái đã cung cấp giống và cam kết thu mua sản phẩm đầu ra. Theo các cơ sở thu mua, trên 70% sản lượng đậu phộng được các thương lái Trung Quốc và các doanh nghiệp xuất khẩu bên ngoài tỉnh Trà Vinh thu mua. Tuy vậy, các thương lái, doanh nghiệp này không có các hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm chính thức.

Nông dân Lê Quốc Hùng có kinh nghiệm trồng đậu phộng nhiều năm ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: với lợi thế đất giồng cát, hàng năm ông trồng 03 - 04 vụ màu, vụ chính đông - xuân ông trồng đậu phộng và một số diện tích rau màu khác như cà chua, củ cải trắng nhằm áp dụng phương pháp lấy ngắn nuôi dài. Củ cải và cà chua có thời gian trồng ngắn khoảng hơn 01 tháng cho thu hoạch, còn đậu phộng trồng khoảng 03 tháng thu hoạch. Những năm gần đây, giá đậu phộng bấp bênh, đầu vụ giá bán từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, một số thời điểm, giá đậu phộng tươi có thể đạt tới 20.000 đồng/kg và giảm dần giữa vụ cho đến giữa.

Vào thời điểm giữa vụ thu hoạch đông ken nên giá bán giảm, trong khi đó chi phí thuê nhân công nhổ đậu, lặt đậu không giảm nên lợi nhuận không nhiều. So với hoa màu khác, đậu phộng nhẹ công chăm sóc hơn do vụ đông - xuân, cứ cách 03 ngày mới phun tưới nước một lần. Vì vậy người dân địa phương luôn duy trì cây đậu phộng. Kết thúc vụ đậu phộng nông dân tập trung xuống giống vụ dưa hấu từ 01 - 02 vụ. Với 0,3ha đậu phộng năm nay năng suất đạt bình quân 01 tấn/0,1ha, giá bán 15.000 - 16.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 10 triệu đồng/0,1ha.

Theo ông Hùng, các sản phẩm đậu phộng tươi thường bán xô cho các đại lý thu mua theo giá thỏa thuận giữa đại lý với các nông hộ tại từng thời điểm mùa vụ. Giá đậu phộng tươi biến động từ 15.000- 17.000 đồng/kg. Vì thế, nông dân phụ thuộc vào thương lái. Mặt khác những hộ thiếu vốn thường mua giống, phân thuốc gói vụ của đại lý và trả sau thu hoạch. Tuy nhiên, những năm trước, gia đình ông cũng như các nông dân nơi đây có thể đạt lợi nhuận cao hơn thông qua việc phơi khô và bán sản phẩm đậu phộng dạng khô, lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20% so với bán đậu phộng tươi. Tuy vậy, các nông hộ thường không phơi do tốn nhiều công hơn và phụ thuộc thị trường khi bán sản phẩm khô.

Đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cầu Ngang cho biết: quy mô sản xuất còn nhỏ chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh có quy mô đáp ứng nhu sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, gây khó khăn cho công tác tổ chức liên kết thị trường, nhất là cây đậu phộng, phần lớn nông dân phụ thuộc vào đại lý cung cấp giống. Năng suất đậu phộng tươi trên địa bàn huyện đạt từ 08 - 09 tấn/ha. Để nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý sản xuất. Kết hợp giữa cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm chủ lực với cơ cấu lại theo lĩnh vực và cơ cấu lại theo từng tiểu vùng.

Theo thông tin khảo sát từ Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Trà Vinh và đơn vị tư vấn (Công ty TNHH tư vấn Hiệp Chí): trong bối cảnh hiện nay, ngành đậu phộng tỉnh Trà Vinh gặp nhiều rủi ro hơn về sâu bệnh, diễn biến khí hậu, thời tiết bất lợi, lượng mưa trái mùa nhiều dẫn tới chất lượng và sản lượng sản phẩm bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, các hộ dân sản xuất thiếu liên kết dẫn tới chuỗi giá trị đậu phộng khó mở rộng diện tích hơn. Thiếu liên kết giữa các nông dân trong tổ chức sản xuất dẫn tới các hộ chỉ có thể trồng và bán sản phẩm tươi cho các cơ sở thu mua, vựa mà thiếu sự liên kết, phát triển các hình thức sơ chế, chế biến sản phẩm có giá gia tăng cao hơn. Thiếu sự liên kết giữa các nông dân dẫn tới các hoạt động đầu tư, hỗ trợ của các chương trình chưa hiệu quả. Trong đó, các chương trình hỗ trợ sản phẩm đậu phộng đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP nhưng sản phẩm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ.

Tương tự, các hộ dân sản xuất thường không áp dụng các tiêu chuẩn, quy định sản xuất cụ thể, thường sử dụng phân bón, thuốc hóa học theo kinh nghiệm và theo khuyến cáo của các cơ sở cung cấp vật tư. Bên cạnh đó, thiếu sự liên kết giữa các nông dân nên đa số các hộ đều nhận giống, phân bón, vật tư thiếu gói vụ đầu vào và trả sau thu hoạch, từ đó dẫn đến tăng chi phí sản xuất trong canh tác đậu phộng.

Thời gian tới, tỉnh cần chuyển dịch thời vụ thích hợp, chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng, hỗ trợ liên kết chuỗi cây đậu phộng và có giải pháp chế biến sâu và cải tiến đổi mới sản phẩm tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao đậu phộng nói riêng, các cây trồng khác nói chung. Từ đó những tác nhân tham gia chuỗi giá trị đậu phộng có thể tạo nhiều việc làm cho lao động.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN



Nguồn: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/can-lien-ket-chuoi-gia-tri-cay-dau-phong-tao-dau-ra-san-pham-46273.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm