Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần mở quy định cho cán bộ, công chức ở vùng đặc biệt khó khăn được lựa chọn chế độ nghỉ hưu trước tuổi

NDO - Khẩn trương thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, đến cuối tháng 2/2025, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc sáp nhập các sở, ngành và điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn. Tuy nhiên, qua thực tiễn, tỉnh Điện Biên nhận thấy nhiều vướng mắc trong xác định đối tượng, giải quyết chế độ chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức đã có từ đủ 15 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (hay thường gọi là vùng có phụ cấp khu vực 0,7).

Báo Nhân dânBáo Nhân dân04/04/2025

Đề cập khó khăn cụ thể trong việc giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi đã có thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (phụ cấp 0,7) tại Điện Biên, đồng chí Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết, hiện tại Điện Biên đã và đang thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 177/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng; Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Thông tư số 01/2025/TT-BNV, ngày 17/1/2025 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhưng thấy rất khó khăn và vướng mắc trong xác định đối tượng, áp dụng chính sách.

Đồng chí Phạm Khắc Quân nêu rõ, quy định tại Điều 169; khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ, thì người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc tại nơi có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Chiểu theo quy định này, tỉnh Điện Biên có nhiều cán bộ, công chức ở cấp huyện thuộc khu vực có hệ số phụ cấp khu vực 0,7 (gồm: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ) đã đủ điều kiện nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí (nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, tại phụ lục II Nghị định số 135/NĐ-CP).

Tuy nhiên, thực tế hầu hết cá nhân ở khu vực này không có nguyện vọng nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên các cơ quan, đơn vị tiếp tục bố trí công việc cho cán bộ, công chức làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu bình thường (quy định tại Phụ lục I - Nghị định số 135/2020/NĐ-CP).

Khi thực hiện giải quyết chế độ cho cán bộ theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP tỉnh Điện Biên thấy rằng, Nghị định 177 chưa quy định rõ cán bộ công tác ở khu vực có hệ số 0,7 (khu vực khó khăn) không nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (quy định tại Phụ lục II, Nghị định 135/2020/NĐ-CP) có thuộc đối tượng được hưởng chế độ, chính sách tại Nghị định 177/2024/NĐ-CP hay không.

Tương tự, với việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức đã có từ đủ 15 năm trở lên công tác tại vùng khó khăn (phụ cấp 0,7) có nguyện vọng được nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP ở Điện Biên hiện cũng đang rất vướng.

Lấy dẫn chứng trường hợp đồng chí Đặng Xuân Vịnh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao Quyết định 6025-QĐ/TU ngày 17/2/2025 nghỉ hưu trước tuổi để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và hỗ trợ theo quy định Nghị định 178, nhưng sau đó vào ngày 28/3/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lại ban hành quyết định hủy bỏ quyết định nghỉ hưu và điều động công tác đối với đồng chí Đặng Xuân Vịnh.

Cần mở quy định cho cán bộ, công chức ở vùng đặc biệt khó khăn được lựa chọn chế độ nghỉ hưu trước tuổi ảnh 2

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên phát biểu tại Hội nghị công bố các quyết định cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi do Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức vào chiều 12/2/2025.

"Đồng chí Đặng Xuân Vịnh là một trong số cán bộ, lãnh đạo giữ chức vụ chủ chốt cấp sở, ngành của tỉnh đã tiên phong nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 để thuận lợi cho địa phương khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên chiểu theo quy định Phụ lục II,Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì đồng chí Vịnh lại thuộc diện nghỉ hưu đúng tuổi (đồng chí có 17 năm 8 tháng công tác tại khu vực có hệ số phụ cấp 0,7) và không được hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định 178 cho nên đồng chí Vịnh đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục làm việc và được Tỉnh ủy chấp thuận", đồng chí Phạm Khắc Quân nêu rõ.

Từ trường hợp cụ thể của đồng chí Đặng Xuân Vịnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên đã rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cán bộ, công chức đã, đang công tác tại các khu vực có hệ số phụ cấp 0,7 thì thấy rằng, việc giải quyết theo Nghị định 178 với cán bộ ở các huyện này thật sự rất vướng.

Dẫn chứng trường hợp đồng chí Đặng Xuân Vịnh, đồng chí Phạm Khắc Quân, nêu rõ, nếu thực hiện theo Phụ lục I, Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì đồng chí Vịnh được nghỉ hưu và được hưởng trợ cấp khoảng 1,5 tỷ đồng; nhưng nếu thực hiện theo Phụ lục II, Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì đồng chí Vịnh chỉ được nghỉ hưu mà không được hưởng trợ cấp.

Như vậy, nhìn vào hai cách áp dụng như phân tích ở trên đã thấy rõ áp dụng theo phụ lục nào thì ưu việt hơn đối với cá nhân cán bộ và thuận lợi hơn cho tổ chức khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Hơn nữa, nếu so sánh trường hợp đồng chí Vịnh với cán bộ cùng tuổi, cùng năm công tác ở vùng thuận lợi mà khi có nguyện vọng được nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 thì càng thấy rõ bất cập giữa áp dụng chế độ đối với cán bộ ở vùng khó khăn.

Để bảo đảm thực hiện các chính sách đối với cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi được chính xác, đầy đủ, thuận lợi và thống nhất, Tỉnh ủy Điện Biên đã đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể, rõ hơn theo hướng mở rộng và rõ đối tượng tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 25/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178.

Đồng chí Phạm Khắc Quân cho biết, để thuận lợi cho địa phương và động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng khó khăn (phụ cấp 0,7) tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, đề nghị Trung ương mở quy định bằng cách cho người lao động được quyền lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi theo Phụ lục I hoặc Phụ lục II, Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Trong khi phóng viên thực hiện bài viết này đã nhận được rất nhiều ý kiến từ cán bộ, công chức đã, đang công tác ở vùng khó khăn trong tỉnh Điện Biên đều chung nguyện vọng Trung ương, các bộ, ngành xem xét mở quy định để họ được lựa chọn nghỉ hưu sớm theo quy định tại Phụ lục I, Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Nguồn: https://nhandan.vn/can-mo-quy-dinh-cho-can-bo-cong-chuc-o-vung-dac-biet-kho-khan-duoc-lua-chon-che-do-nghi-huu-truoc-tuoi-post870044.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm