Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Định vị giá trị gạo Điện Biên: [Bài 4] Để lúa được thở, đất được nghỉ

Khi ruộng được thở, đất được nghỉ, cây lúa sinh trưởng tốt hơn. Điện Biên đang âm thầm đổi thay với mô hình trồng lúa thông minh và bước vào hành trình bán… khí sạch.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam04/04/2025

Khi cây lúa “biết thở” cùng khí hậu

Vào một buổi sớm cuối xuân, khi sương còn lấp lánh trên những ngọn lúa đang dần cúi mình ngậm đòng, tôi bước giữa cánh đồng rộng ngút mắt, nơi tưởng như hàng ngàn mùa vụ qua đi vẫn chỉ một màu xanh ấy. Nhưng có một điều khác lạ là trên mặt ruộng không còn nước lấp xấp. Trên các bờ cỏ, những ống nhựa đen cắm xuống như những “chiếc ống nghe” của đất. Và trong lòng người nông dân, cũng vừa kịp nhen nhóm một niềm tin mới rằng, hạt thóc cũng có thể… biết thở.

Cánh đồng lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ảnh: Tú Thành.

Cánh đồng lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ảnh: Tú Thành.

Người Điện Biên từ lâu đã sống dựa vào cây lúa. Những hạt gạo dẻo ngọt của cánh đồng Mường Thanh không chỉ là lương thực, mà là nếp sống, là ký ức được gói ghém trong từng mùa gặt. Thế nhưng, đất cũng có lúc... thở dài. Khi biến đổi khí hậu trở thành một thực tại nghiệt ngã, khi môi trường đất, nước, không khí đều chịu tổn thương, thì hạt gạo dù thơm ngon đến đâu cũng không thể đứng ngoài sự đổi thay.

Và rồi, một cuộc cách mạng âm thầm bắt đầu. Tỉnh Điện Biên đã quyết định bước qua “lối mòn” và tìm đến giải pháp canh tác lúa thông minh - một hướng đi mới đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức. Không có tiếng máy móc gầm rú, không có những băng rôn rực rỡ khẩu hiệu, chỉ có những bước chân cần mẫn của cán bộ khuyến nông, những buổi họp thôn kéo dài đến tận tối muộn và những câu hỏi đầy hoài nghi của bà con: “Lúa không có nước, sao mà sống được?”.

Mô hình do Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên phối hợp với các công ty: NetZero Carbon, BSB Nanotech và Spiro Carbon (gọi tắt là BNS) triển khai tại 3 huyện Điện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo. Tổng diện tích trồng thử nghiệm là 86 ha, trong đó huyện Điện Biên thực hiện 53 ha, Mường Ảng 23 ha và Tuần Giáo 10 ha.

Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình chính là việc rút nước theo nguyên tắc ướt - khô xen kẽ (AWD); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Toàn bộ quy trình kỹ thuật được theo dõi, quản lý bởi vệ tinh. Trên mỗi thửa ruộng, ống đo mực nước được lắp đặt để theo dõi tình trạng đất. Cây lúa “được thở”, bộ rễ phát triển khỏe hơn, giảm sâu bệnh và điều quan trọng nhất là giảm phát thải khí nhà kính.

Vụ mùa lợi đơn lợi kép

“Làm lúa mà như đo đạc một hành tinh”, người dân nói vui. Nhưng đằng sau là cả một nỗ lực lớn. Những ống đo nước được cắm xuống ruộng, từng thửa được gắn định vị, lịch tưới tiêu được thiết lập dựa trên chu kỳ sinh trưởng, giống lúa được lựa chọn đồng đều để tối ưu hóa điều tiết nước.

Ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương, chia sẻ: “Thời xưa, chỉ một vụ mùa/năm, lúa được đánh đống ngoài đồng, chất lượng có nhưng năng suất thấp. Giờ thì khác, kỹ thuật mới đã giúp người dân cải tạo ruộng đồng, giống lúa được chọn lọc kỹ, không còn chuyện đốt rơm rạ sau gặt mà tận dụng làm nấm, đệm lót sinh học, phân hữu cơ”.

Ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Đức Bình.

Ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Đức Bình.

Việc lựa chọn giống lúa cho từng vùng được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo chu kỳ sinh trưởng đồng đều. Lịch tưới tiêu được lập trình phù hợp với thời gian phát triển rễ và đẻ nhánh. Các thôn bản như Chăn Nuôi 2, khu Công nhân xã Thanh Xương ban đầu còn e dè, nhưng sau khi hiểu rõ lợi ích và được hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, đã đồng thuận tham gia.

“Sau vận động, tuyên truyền, xã Thanh Xương đã triển khai đối với thôn Chăn Nuôi 2 là 15,84 ha áp dụng thực hiện theo mô hình, còn lại khu Công nhân là 19,65 ha. Về giống, thống nhất với thôn bản sử dụng cùng một loại giống trên cùng một khu vực, để đảm bảo thời gian sinh trưởng và phát triển phải cùng nhau, và liên quan đến vấn đề điều tiết nước, ướt - khô xen kẽ, khi đưa nước vào thì toàn bộ khu vực phải được tưới đồng đều, còn khi rút nước thì mọi thửa ruộng ở khu vực đó cũng phải được rút nước để đảm bảo quy trình canh tác lúa thông minh”, ông Bun chia sẻ.

“Đất cần thở. Lúa cũng vậy”, anh Triệu Tuấn Nghĩa, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên nhẹ nhàng giải thích khi tôi hỏi về mô hình mới. Cái gọi là “canh tác lúa thông minh giảm phát thải nhà kính” thực chất là thay đổi cách tưới nước, thay vì ngập liên tục, giờ đây ruộng sẽ được rút nước theo chu kỳ ướt - khô xen kẽ. Nghe đơn giản, nhưng để thực hiện lại là cả một hành trình thay đổi tư duy, thay đổi thói quen canh tác bao đời.

Anh Triệu Tuấn Nghĩa, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên (đang ngồi) cùng cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương kiểm tra đồng ruộng. Ảnh: Tú Thành.

Anh Triệu Tuấn Nghĩa, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên (đang ngồi) cùng cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương kiểm tra đồng ruộng. Ảnh: Tú Thành.

Anh Nghĩa kể: “Lúc đầu đi vận động, không ai nhận. Cứ bảo ‘lúa mà thiếu nước thì làm sao sống được’. Nhưng khi mình chỉ ra bằng mô hình, bằng kết quả khoa học, rồi cam kết hỗ trợ kỹ thuật, người dân mới dần đồng thuận”.

Công nghệ còn “đi cùng cây lúa” một cách ngoạn mục, các điểm canh tác được gắn thiết bị đo mực nước, chụp ảnh định kỳ theo lịch trình, theo dõi qua vệ tinh để đánh giá sinh trưởng và tính toán lượng phát thải CO₂e. Tất cả dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực vào ứng dụng NetZero Carbon, chuẩn bị cho một bước đi hoàn toàn mới là bán tín chỉ carbon.

Từ trên cao, những thửa ruộng xanh rì của Mường Thanh trông chẳng khác gì những năm trước. Nhưng khi nhìn vào con số, người ta thấy rõ sự khác biệt: lượng khí methane - thứ khí nhà kính nguy hiểm sinh ra từ ruộng lúa ngập nước giảm tới 10%. Chi phí sản xuất giảm 30%, lợi nhuận tăng 50%. Và điều kỳ diệu hơn cả là với mỗi tấn CO₂e được cắt giảm (1 tín chỉ carbon quy đổi), nông dân có thể bán tín chỉ carbon, thu về khoảng 20 USD. Ruộng điều tiết tốt có thể tạo ra 4-5 tín chỉ/ha (khoảng 80 USD), ngoài thu nhập từ lúa.

Ứng dụng NetZero Carbon được sử dụng để theo dõi quy trình canh tác lúa thông minh tại Điện Biên. Ảnh: Đức Bình.

Ứng dụng NetZero Carbon được sử dụng để theo dõi quy trình canh tác lúa thông minh tại Điện Biên. Ảnh: Đức Bình.

“Thế hệ chúng tôi làm ruộng mấy chục năm rồi, thậm chí gần như cả đời, nhưng giờ mới biết, hóa ra trồng lúa cũng có thể… bán không khí. Nhưng quan trọng là cây lúa vẫn tốt, mà đất đai cũng khỏe hơn. Trước đây sâu bệnh nhiều, thuốc trừ sâu dùng nhiều, giờ giảm hẳn”, ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương cười sảng khoái.

Chính những người tưởng như bảo thủ nhất lại là những người thấu hiểu sâu sắc sự thay đổi: “Ngày xưa lúa ngon lắm, giống Bắc Thơm số 7 trồng ở đây thơm từ ngoài bờ ruộng, nhưng giờ thì ‘đất mỏi’, giống thoái hóa, lạm dụng thuốc hóa học. Giờ mình quay lại chăm đất, thì đất mới nuôi lại mình được”, ông Bun nói.

Với nhiều người, ruộng đồng là nơi bắt đầu của ký ức. Còn với Điện Biên hôm nay, ruộng đồng còn là nơi bắt đầu cho một chương mới, nơi công nghệ không xóa đi truyền thống, mà nâng niu, gìn giữ và làm nó trở nên bền vững hơn.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/dinh-vi-gia-tri-gao-dien-bien-bai-4-de-lua-duoc-tho-dat-duoc-nghi-d746300.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm