Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Định vị giá trị gạo Điện Biên: [Bài 3] Tư duy 'cùng nhau làm đúng'

Khác với mô hình cũ, HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên không chỉ giúp bà con 'cùng nhau làm', mà là 'cùng nhau làm đúng'.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam03/04/2025

Bùn dưới chân, nhưng nắng ở trên đầu

Anh Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên - chàng trai người Thái lớn lên giữa hương lúa và nắng gió Mường Thanh vẫn thường nói rằng: “Bùn thì dính dưới chân, nhưng nếu biết ngẩng đầu, ta vẫn thấy nắng”. 

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở xã Thanh Yên (huyện Điện Biên), từ nhỏ anh Tới đã quen với tiếng nước chảy rì rào trên ruộng, với mùi hương dịu ngọt của lúa trổ bông và bát cơm dẻo thơm mỗi mùa gặt về. Nhưng càng lớn, anh càng trăn trở khi thấy thứ gạo đặc sản của quê hương dù thơm ngon, đậm đà, lại bị bán lẫn, bán pha, bị gắn sai mác và trôi nổi như thể không ai thật sự chịu trách nhiệm cho giá trị của nó.

Anh Quản Bá Tới (bên phải), Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cùng bà con kiểm tra khay mạ. Ảnh: Tú Thành.

Anh Quản Bá Tới (bên phải), Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cùng bà con kiểm tra khay mạ. Ảnh: Tú Thành.

“Nếu cứ làm như cũ, thì chẳng mấy chốc cái tên ‘gạo Điện Biên’ sẽ chỉ còn là một ký ức lẫn trong đám bụi thời gian”, Tới trăn trở. Và rồi, giữa lúc nhiều người trẻ chọn rời bỏ đồng ruộng để đi tìm tương lai nơi đô thị, anh lại chọn ngược hướng, theo học ngành nông nghiệp, quay về quê, bắt đầu lại từ chính mảnh ruộng mà mẹ anh đã từng gánh nước gieo mạ.

Quyết định ấy từng khiến không ít người ngạc nhiên. "Làm nông? Giữa thời đại công nghệ này sao?" Nhưng với anh Tới, làm nông không phải là trở về với con trâu, cái cày, mà là học cách làm chủ đất đai bằng khoa học, bằng hiểu biết, bằng tư duy thị trường và sự chuyên nghiệp.

Xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên chuẩn bị mạ khay để đưa vào cấy bằng máy, một trong những đổi mới kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo Điện Biên. Ảnh: Đức Bình.

Xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên chuẩn bị mạ khay để đưa vào cấy bằng máy, một trong những đổi mới kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo Điện Biên. Ảnh: Đức Bình.

Tốt nghiệp đại học, mang trong mình niềm tin về một tương lai khác cho hạt gạo Điện Biên, anh bắt đầu hành trình của mình từ những điều nhỏ nhất. Anh đi khắp các bản làng, lội ruộng cùng bà con, lắng nghe họ nói về lúa, về nước, về thuốc trừ sâu và cả những lần mất mùa. Từ những câu chuyện đời thường ấy, anh hiểu rằng, muốn thay đổi, phải bắt đầu từ niềm tin của người nông dân.

Năm 2016, cùng với một số hộ trong vùng, anh thành lập Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên. Khác với mô hình cũ, HTX không chỉ giúp bà con “cùng nhau làm”, mà là “cùng nhau làm đúng”. Họ đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, phân tích chất đất, chọn giống lúa phù hợp, hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ, và đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ trồng trọt, thu hoạch đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ.

Hướng đi mà anh Tới lựa chọn là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bền vững, với nguyên tắc “3 không”: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ. 

Anh Tới từng nói: “Muốn thay đổi một vùng quê, đôi khi chỉ cần một cánh tay dám làm. Nhưng muốn duy trì sự thay đổi đó, phải có một tập thể cùng chung tay”.

Anh Quản Bá Tới (thứ 2, từ trái sang) kết nối, đối thoại cùng người dân. Ảnh: Tú Thành.

Anh Quản Bá Tới (thứ 2, từ trái sang) kết nối, đối thoại cùng người dân. Ảnh: Tú Thành.

Những cánh đồng Mường Thanh không còn chỉ là những thửa ruộng đơn lẻ, mà đã trở thành "cánh đồng lớn", nơi HTX Thanh Yên tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết. Không chỉ canh tác an toàn, HTX còn hỗ trợ bà con 100% giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn. Quan trọng hơn cả, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất, không lo đầu ra.

Ban đầu, mô hình chỉ khiêm tốn với 31 ha, nhưng nhờ hiệu quả rõ rệt, niềm tin đã dần nảy mầm. Từ vài chục hộ, đến nay HTX đã mở rộng lên khoảng 150 ha với sự tham gia của hơn 200 hộ nông dân. Những giống lúa đặc sản được trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Gạo sau thu hoạch được đóng gói kỹ lưỡng, dán mã vạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sẵn sàng bước chân vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, nơi mà trước đây bà con chưa từng nghĩ tới.

Sản phẩm gạo do HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên sản xuất có mặt tại hầu hết thị trường trong nước. Ảnh: Đức Bình.

Sản phẩm gạo do HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên sản xuất có mặt tại hầu hết thị trường trong nước. Ảnh: Đức Bình.

Nhờ định hướng sản xuất bài bản, gạo Tám Điện Biên, Tâm Sáng, Séng Cù của HTX Thanh Yên được công nhận OCOP 3 sao, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Doanh thu của HTX đạt hơn 8,5 tỷ đồng/năm, không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu mà còn đảm bảo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.

"Trước đây, bà con chỉ nghĩ đến việc làm sao để lúa trổ bông tốt, nhưng nay, chúng tôi muốn họ nghĩ xa hơn là làm sao để hạt gạo có giá trị cao nhất, đi được xa nhất", anh Tới chia sẻ.

Với mục tiêu mở rộng vùng sản xuất, anh Tới và các hộ thành viên tại HTX không ngừng thử nghiệm các giống lúa mới, nghiên cứu phương pháp canh tác bền vững hơn. Họ không chỉ làm nông nghiệp, mà còn đang "định hình tương lai" cho thương hiệu gạo Điện Biên.

Giữa lòng chảo Mường Thanh, nơi bùn đất vẫn dính trên chân sau mỗi mùa lúa, anh Quản Bá Tới và những cộng sự của anh đang đi tiếp con đường gieo hạt của mình. Mỗi vụ mùa là một lần thử thách, nhưng cũng là một lần nắng lại lên, cao hơn, sáng hơn, và gần hơn với một tương lai mà họ hằng mong ước.

Kho lúa giữa trời Tây Bắc

Cánh đồng Mường Thanh - "kho lúa" giữa trời được bao bọc bởi núi non và tưới tắm bởi dòng Nậm Rốm dịu dàng. Người Thái ở vùng này vẫn thường nói: “Cứ gieo mạ xuống Mường Thanh là sẽ có cơm no suốt mùa”. Câu nói ấy không chỉ mang niềm tin vào đất, mà còn là sự biết ơn với thiên nhiên đã hào phóng trao tặng cho mảnh đất này một kho báu.

Cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Tú Thành.

Cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Tú Thành.

Những hạt gạo trồng trên cánh đồng Mường Thanh có hình dáng thon dài, nhỏ nhắn, trắng ngần như giọt sương đọng lại giữa bình minh Tây Bắc. Khi nấu lên, cơm mềm dẻo, thơm ngọt tự nhiên, vị đậm đà lan tỏa nơi đầu lưỡi, không lẫn vào đâu được. 

Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên, gạo Điện Biên đã có thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường, hiện đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý "Gạo Điện Biên" đối với sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64, nhãn hiệu tập thể với sản phẩm Nếp tan ruộng Na Son huyện Điện Biên Đông.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã cấp xác nhận được 4 chuỗi cung ứng sản phẩm gạo an toàn, gồm HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên với chuỗi gạo Séng Cù và gạo Bắc thơm số 7 (diện tích 74 ha); HTX Tâm Thiện với chuỗi cung ứng sản phẩm gạo nếp nương Điện Biên (diện tích khoảng 1000 ha) và chuỗi cung ứng gạo Séng Cù an toàn của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Trường Hương; đạt tiêu chuẩn theo chứng nhận VietGAP đối với 10 ha lúa của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên.

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã cấp xác nhận được 4 chuỗi cung ứng sản phẩm gạo an toàn. Ảnh: Đức Bình.

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã cấp xác nhận được 4 chuỗi cung ứng sản phẩm gạo an toàn. Ảnh: Đức Bình.

Đến nay có 7 sản phẩm gạo đã được chứng nhận OCOP 3 sao gồm: sản phẩm gạo nếp nương và gạo Séng Cù của HTX Tâm Thiện; gạo Séng Cù của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Trường Hương; sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 Tâm sáng và séng cù Tâm sáng của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên và gạo Vai gãy của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Báng và gạo nếp tan của HTX Anh Thơ.

Gạo Điện Biên dần có chỗ đứng trong thị trường, các đơn vị đã chủ động trong việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tìm đầu ra tương đối ổn định cho sản phẩm thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đảm bảo.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/dinh-vi-gia-tri-gao-dien-bien-bai-3-tu-duy-cung-nhau-lam-dung-d745970.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm