100% lợn tiêm vacxin đều có kháng thể chống virus ASF
Tại trại lợn của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (thôn Bá Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), AVAC đã tổ chức chương trình tham quan sự kiện tiêm mũi 2 vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF) cho đàn lợn giống.
Chuẩn bị vacxin dịch tả lợn Châu Phi để tiêm mũi 2 cho đàn lợn giống. Ảnh: Hồng Thắm.
Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội thú y và các tổ chức quốc tế. Đây là mô hình thử nghiệm đánh giá hiệu quả bảo hộ, tính an toàn và tác động của vacxin dịch tả lợn Châu Phi của AVAC (AVAC ASF LIVE) đến năng suất sinh sản của đàn lợn nái và lợn đực giống.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho biết: “Vacxin AVAC ASF LIVE đã được Cục Thú y cấp phép sử dụng cho lợn thịt từ tháng 7/2023. Đến nay, sản phẩm đã được nhiều cấp chính quyền và người chăn nuôi tin tưởng nhờ tính an toàn và hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, AVAC xác định việc mở rộng sử dụng vacxin sang đàn lợn giống, bao gồm lợn nái và lợn đực giống là bước đi chiến lược”.
Trong suốt hơn 2 năm qua, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của AVAC đã liên tục tiến hành các thử nghiệm vacxin ASF trên quy mô nhỏ (10 - 80 con nái). Từ tháng 3/2025, Công ty chính thức phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán Thuốc Thú y Trung ương, một số doanh nghiệp chăn nuôi và các nhà khoa học để triển khai mô hình khảo nghiệm quy mô lớn, gồm 270 lợn nái hậu bị, được bố trí thí nghiệm có đối chứng rõ ràng.
“Mũi 1 đã được tiêm vào ngày 11/3/2025, kết quả sau mũi tiêm đầu tiên rất tích cực. Đến ngày 2/4/2025 - tức 22 ngày sau tiêm mũi 1, toàn bộ 270 con lợn được tiêm liều thông thường và tiêm quá liều (gấp 10 lần) đều hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường về lâm sàng”, ông Điệp nhấn mạnh.
Kết quả xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp ELISA cho thấy, 100% lợn tiêm vacxin đều có kháng thể chống virus ASF - dấu hiệu cho thấy vacxin tạo được đáp ứng miễn dịch tốt.
Trong khi đó, 5 con đối chứng không tiêm đều âm tính cả về kháng thể lẫn virus huyết. Ngoài ra, mẫu nước bọt và nước thải của các con vật được tiêm không phát hiện virus ASF, khẳng định nguy cơ gây phát tán virus vacxin là rất thấp. Điều này thể hiện tính an toàn cao của sản phẩm khi đưa vào sử dụng.
Mũi 1 đã được tiêm vào ngày 11/3/2025, kết quả sau mũi tiêm đầu tiên rất tích cực. Ảnh: Hồng Thắm.
Sẵn sàng chia sẻ dữ liệu minh bạch, khách quan
Ông Điệp chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng mô hình thử nghiệm theo hướng mở, minh bạch. Mời các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và bà con chăn nuôi cùng theo dõi từ mũi tiêm đầu tiên đến các giai đoạn sinh sản sau này. Mục tiêu là tạo ra một mô hình, một bộ dữ liệu khoa học, minh bạch, đầy đủ về hiệu lực, an toàn và năng suất sinh sản sau khi tiêm vacxin”.
Về việc đánh giá năng suất của đàn lợn sau khi tiêm vacxin, ông Điệp cho hay, AVAC đã tiến hành nghiên cứu và theo dõi trong hơn 2 năm qua. Mô hình hiện tại với gần 300 lợn nái được thiết kế chuyên biệt nhằm phục vụ mục tiêu đánh giá năng suất sinh sản sau tiêm.
Với quy mô đủ lớn và theo dõi trong thời gian dài, mô hình cho phép thu thập dữ liệu đồng bộ, đáng tin cậy, có giá trị thống kê cao, giúp đánh giá một cách chính xác hiệu quả và tác động của vacxin AVAC ASF LIVE đối với đàn lợn giống.
Dự kiến khoảng 5 tháng tới, tức vào giai đoạn lợn sinh sản, AVAC sẽ tiếp tục mời các bên trở lại trại để đánh giá trực tiếp về hiệu quả sinh sản và mức độ bảo hộ kéo dài.
Từ tháng 3/2025, AVAC đã triển khai mô hình khảo nghiệm quy mô lớn, gồm 270 lợn nái hậu bị, được bố trí thí nghiệm có đối chứng rõ ràng. Ảnh: Hồng Thắm.
Cũng theo ông Điệp, AVAC đã tối ưu và đề xuất quy trình tiêm vacxin ASF dành cho lợn nái và lợn đực giống. Với lợn nái và lợn đực giống ở giai đoạn nhỏ, nên tiêm vacxin tương tự như lợn thịt, tức là bắt đầu từ 4 tuần tuổi trở lên. Trước khi phối giống lần đầu, lợn hậu bị cần tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần, trong đó mũi thứ hai nên được tiêm trước thời điểm phối giống 2 tuần.
Đối với lợn đã qua sinh sản, tiêm nhắc lại ở mỗi chu kỳ sinh sản, cụ thể là trước khi phối giống từ 1 đến 14 ngày (tức sau khi đẻ khoảng 2 - 3 tuần) để đảm bảo hiệu quả bảo hộ.
AVAC hiện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương I để xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá vacxin ASF trên lợn giống. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đề xuất Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tiến hành kiểm nghiệm, khảo nghiệm chính thức vacxin AVAC ASF LIVE trên đối tượng lợn giống. Quy trình đánh giá này dự kiến kéo dài khoảng 5 - 6 tháng.
“Sau mũi 2, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu sau 2 tuần, đồng thời theo dõi sát sao sức khỏe đàn lợn và cập nhật kết quả lâm sàng hàng ngày. Chúng tôi mong muốn các kết quả này trở thành nguồn dữ liệu khoa học tin cậy cho cả cơ quan quản lý và cộng đồng chăn nuôi”, ông Điệp nhấn mạnh.
Không chỉ tích cực thiết lập bộ dữ liệu đáng tin cậy về sản phẩm thông qua các mô hình thử nghiệm, AVAC còn thể hiện tinh thần sẵn sàng trong việc mở rộng hợp tác và chia sẻ dữ liệu.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các công ty chăn nuôi, phòng thí nghiệm trong và ngoài nước để cùng tham chiếu, đánh giá hiệu quả vacxin trên cả lợn thịt, lợn nái và lợn đực giống. Khi được cơ quan chức năng cho phép lưu hành chính thức, vacxin AVAC ASF LIVE sẽ trở thành công cụ hữu hiệu giúp bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần khống chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi”, ông Điệp tự tin nói.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam chia sẻ: “Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động sử dụng vacxin ASF của AVAC không chỉ trên lợn thịt mà còn trên cả lợn nái và cho kết quả an toàn. Những dữ liệu ngoài thực địa này chính là cơ sở để AVAC tự tin triển khai mô hình thử nghiệm trong suốt hơn 2 năm tại trại Đình Dù (Văn Lâm, Hưng Yên), cũng như triển khai đánh giá chất lượng vacxin này trên quy mô khoảng 270 lợn nái đang ở giai đoạn hậu bị”.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/tiem-thu-nghiem-vacxin-avac-asf-live-cho-lon-giong-d746232.html
Bình luận (0)