Rừng liên tiếp cháy
Những vụ cháy rừng liên tiếp đã để lại hậu quả nghiêm trọng về thiệt hại kinh tế và con người. Đánh giá của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, trong 13 năm qua, chưa khi nào diễn biến các vụ cháy rừng ở các tỉnh phía Bắc lại phức tạp và nghiêm trọng như thời điểm hiện nay.
Vụ cháy rừng xảy ra vào đầu giờ chiều 16/4/2025 tại Hà Nam.
Đặc biệt, vụ cháy rừng cuối tháng 3 tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã làm 1 người tử vong, thiêu rụi trên 20ha rừng. Vụ cháy rừng tại Bắc Kạn ngày 16/4 vừa qua cũng đã khiến 1 người tử vong trong quá trình tham gia chữa cháy. Mới nhất, ngày 21/4 vụ cháy rừng ở xã Vĩnh Quang (TP Cao Bằng) tiếp tục làm 1 người tử vong. Trước đó, đêm 12/4, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã xảy ra hai vụ cháy rừng lớn tại phường Đại Yên (TP Hạ Long) và tiểu khu 291, khu vực Khe Bốc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu).
Các vụ cháy thiêu rụi hơn 40ha thực bì, chủ yếu là rừng gãy đổ sau bão Yagi. Chính quyền địa phương đã huy động hơn 400 người xuyên đêm dập lửa, đến rạng sáng ngày 13/4 đã khống chế được đám cháy, tránh để lan xuống sát khu vực dân cư sinh sống. Ngay tại Hà Nội, ngày 19/4, cháy rừng đã xảy ra tại Vườn Quốc gia Ba Vì, gây thiệt hại khoảng 0,348ha rừng (khoảng 3.480m2); trong đó rừng trồng khoảng 980m2, rừng tái sinh là 2.500m2. Theo điều tra bước đầu của lực lượng chức năng, nguyên nhân xảy ra cháy rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì là do con người gây ra.
Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, ông Đoàn Hoài Nam, tình hình cháy rừng tại các tỉnh miền Bắc trong các tháng qua rất đáng báo động. Nhất là khi số vụ cháy rừng và diện tích bị thiệt hại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, tình trạng cháy rừng trong hơn 3 tháng qua cho thấy xu hướng cháy rừng không chỉ xuất hiện tại những khu vực có nguy cơ cao đã được cảnh báo, mà còn có thể lan sang cả những vùng trước đây ít ghi nhận sự cố. “Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang làm xáo trộn quy luật khí hậu địa phương đồng thời cảnh báo sự lơ là trong quản lý và giám sát lửa rừng”, ông Nam nói.
Bên cạnh tình hình thời tiết cực đoan, độ ẩm không khí thấp thì nguồn vật liệu cháy quá lớn do tác động của bão số 3 cũng khiến cho tình hình kiểm soát cháy rừng trở nên khó khăn. Theo thống kê, 20 tỉnh, TP bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với diện tích 190.000ha rừng đang đặt trong tình trạng nguy cơ cháy rừng cao như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Giang... Bão số 3 khiến nhiều diện tích rừng bị quật ngã, gãy đổ, vô tình tạo nên nguồn vật liệu cháy lớn. “Nếu không có các biện pháp phòng cháy chữa cháy tốt thì chỉ cần một sự bất cẩn của con người cũng có thể bùng phát đám cháy bất cứ lúc nào”, ông Nam cảnh báo.
Một tàn tro có thể gây cháy rụi một cánh rừng
Trong số hơn 130 khu vực rừng có nguy cơ cháy trong ngày 22/4 theo cảnh báo của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, có tới 35 khu vực rừng thuộc diện cảnh báo nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm và nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm đối với 97 điểm tại khu vực phía Bắc và một số tỉnh ở Nam Bộ, Tây Nguyên. Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng chỉ ra vấn đề chủ quan hiện nay dẫn đến tình trạng cháy rừng gia tăng, đó là hệ thống cảnh báo nguy cơ cháy rừng vẫn chủ yếu dựa vào số liệu từ các trạm khí tượng cố định - vốn mang tính cục bộ, không phản ánh hết vi khí hậu trong khu vực rừng núi. Đơn cử như trong một địa bàn huyện, có nơi vừa mưa xong, độ ẩm cao, trong khi khu rừng bên kia núi đã khô hanh và gió lớn, rất dễ phát sinh cháy.
Những bài học từ các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua cho thấy nếu không được kiểm soát chặt chẽ, thì chỉ cần một cơn gió lớn, tàn lửa từ đống rác tại khu vực dân cư cũng có thể cuốn vào khu vực có thảm thực vật khô, bùng phát thành cháy lớn. Trong khi đó, phương tiện chữa cháy hiện nay còn rất thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người và dụng cụ thủ công như dao phát, cành cây, bình xịt tay; cũng như thiếu thiết bị cơ giới, thiết bị bay, vòi phun cao áp và hệ thống cảnh báo từ xa.
Do vậy, khi đám cháy lan rộng, những công cụ này gần như không thể kiểm soát được ngọn lửa. Đáng chú ý, theo cơ quan quản lý, nguyên nhân gây cháy rừng, không chỉ đơn thuần là do điều kiện thời tiết cực đoan, mà còn bởi “lỗ hổng” ý thức do các hành vi bất cẩn như đốt rác, đốt ong, xử lý thực bì, vứt tàn thuốc lá trong điều kiện gió mạnh và độ ẩm không khí thấp khiến thảm thực vật rất dễ bén lửa.
Nhận định thêm về nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Đoàn Hoài Nam cho biết, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đang dần chuyển sang giai đoạn nắng nóng cao điểm nên nguy cơ cháy rừng sẽ tăng lên mức rất cao. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khô hanh, ít mưa, gió mạnh càng khiến nguy cơ cháy lan nhanh và khó kiểm soát.
Vì vậy, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khuyến cáo người dân và du khách theo dõi sát các thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng trên website của cục để kịp thời phát hiện và xử lý các điểm cháy. Hiện nay, đang cao điểm mùa trồng rừng, nhiều nơi thực hiện xử lý thực bì, phát dọn và đốt rác hữu cơ ven rừng, trong khi điều kiện gió mạnh và thảm thực vật khô, có thể khiến cháy lan vào rừng chỉ trong vài phút. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát các diện tích có rừng, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm lưu ý các địa phương cần đặc biệt lưu ý các vùng giáp ranh giữa đất sản xuất - đất rừng, các nương rẫy mới dọn hoặc khu vực người dân hay đốt rác.
“Mỗi điểm lửa nhỏ đều cần giám sát kỹ, bởi một tàn tro bay theo gió có thể là nguyên nhân thiêu rụi cả cánh rừng. Nếu để cháy rừng xảy ra, cái mất không chỉ là cây gỗ, tre nứa hay dược liệu, mà còn hủy hoại lớp phủ bảo vệ đất, làm suy giảm chất lượng nước và tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn, sâu xa hơn là ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái”, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm khuyến cáo.
Đặc biệt, các địa phương cần mở rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng kết hợp bảo vệ, phòng cháy, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của chính quyền cấp xã, thôn - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, việc phát hiện sớm điểm cháy và tổ chức chữa cháy kịp thời sẽ giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại.
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/canh-bao-su-lo-la-trong-quan-ly-va-giam-sat-rung-i766015/
Bình luận (0)