Bác sĩ có phải "đền tiền" nếu người bệnh chưa nộp chi phí?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, tại Bệnh viện Việt Đức, quy trình cấp cứu người bệnh được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ Y tế về cấp cứu.
"Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp cấp cứu nặng và đều được tiến hành cấp cứu khẩn trương. Tính mạng người bệnh trong những tình huống này, nhiều khi quyết định việc cứu được hay không cứu được tính mạng người bệnh.
Vì thế, mọi thủ tục đều được rút gọn tối đa, tập trung cấp cứu. Không những vậy, nguồn nhân lực tốt nhất cũng được huy động cấp cứu cho người bệnh", TS Hùng thông tin.

Khi tiếp nhận cấp cứu, mọi thủ tục đều được rút gọn tối đa để tập trung cho chuyên môn (Ảnh minh họa: iStock).
Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, tại bệnh viện, có những trường hợp mổ phiên đã đến lượt, nhưng đúng lúc này có ca cấp cứu, khi không còn phòng mổ nào, bác sĩ vẫn phải tư vấn cho người bệnh mổ phiên tạm dừng.
Giữa 2 ca mổ phiên và mổ cấp cứu, cấp cứu luôn phải ưu tiên, mổ phiên phải dừng lại dành cho cấp cứu, do đây là ca mổ cho các bệnh lý không nguy cấp, không đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu, riêng mổ 30 ca toàn ca nặng.
Trước băn khoăn, liệu chưa nộp tiền mà tiến hành điều trị, cấp cứu, nếu xảy ra tình huống không mong muốn, liệu ê-kíp bác sĩ có phải "đền tiền" cho người bệnh, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đây là những tình huống rất cá biệt, và phải chấp nhận tình huống đó, và bệnh viện sẽ không quy trách nhiệm "đền tiền" cho bác sĩ.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115, cũng nhấn mạnh, người dân không nên lo lắng về việc không có tiền mà không được cấp cứu.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới nhất (có hiệu lực từ 1/1/2024), quyền của bệnh nhân là được cấp cứu và trách nhiệm của nhân viên y tế, bác sĩ là phải đảm bảo thực hiện quyền này.
Ưu tiên hàng đầu vẫn là cấp cứu đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân, không có chậm trễ trong cấp cứu. Nguyên tắc cơ bản của bệnh viện là không từ chối điều trị.
Trong trường hợp cần làm phẫu thuật, bệnh viện vẫn thực hiện những ca mổ lớn ngay cả khi bệnh nhân không có người nhà hỗ trợ, sau đó sẽ tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác.
Một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện công lập lớn tại TPHCM đã có một số chia sẻ về quy trình tiếp nhận cấp cứu tại bệnh viện.
Theo đó, đối với người bệnh không quá nguy kịch và có thân nhân đi cùng, người thân cần ra bộ phận hành chính để khai thông tin, làm thủ tục nhập viện, nhận giấy tạm ứng viện phí và đi đóng tiền.
Song song lúc đó, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám ban đầu, phân loại và sàng lọc mức độ nguy cấp. Sau khi khám, bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm và kê thuốc nếu cần. Điều dưỡng hoặc hộ lý sẽ hỗ trợ đưa bệnh nhân đi làm các cận lâm sàng. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ tiếp tục xử trí.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân không có người thân đi cùng hoặc rơi vào tình trạng nguy kịch như tụt huyết áp, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn tri giác..., bác sĩ sẽ ưu tiên xử trí ngay để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân, không cần chờ đóng tiền trước. Các chi phí có thể chờ người nhà đến đóng sau.
Nếu bệnh nhân tỉnh lại được, họ sẽ ký các giấy tờ và nộp viện phí. Trong trường hợp người bệnh vẫn mê man và không thể liên lạc được người thân, phòng Công tác xã hội (CTXH) sẽ phối hợp tìm thân nhân thông qua các phương tiện có được như giấy tờ tùy thân, địa điểm gặp nạn, thông tin liên hệ... đồng thời đăng thông báo tìm thân nhân trên các kênh truyền thông và phối hợp với cơ quan chức năng.
Trong trường hợp không thể xác minh danh tính, bệnh nhân sẽ được ghi nhận là vô danh (ở phương Tây gọi là John/Jane Doe), bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị cho đến khi bệnh nhân bình phục hoặc qua đời.
Theo vị bác sĩ này, việc yêu cầu người nhà đóng tiền tạm ứng là thủ tục rất phổ biến ở các bệnh viện. Thông thường, sau khi nhập viện, bộ phận hành chính sẽ in giấy báo tạm ứng và đưa cho người nhà đi đóng. Việc này không đồng nghĩa với việc bệnh viện sẽ không xử trí nếu bệnh nhân chưa đóng tiền, đặc biệt trong các tình huống cấp cứu nặng.
Tuy nhiên, với những trường hợp nhẹ hơn như đau bụng, khó thở nhưng dấu hiệu sinh tồn vẫn ổn định, bác sĩ sẽ phân loại là không cần xử trí khẩn cấp. Lúc này người bệnh có thể được yêu cầu đi đóng tiền tạm ứng trước khi thực hiện các dịch vụ tiếp theo.
Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng, không thể tự đi đóng tiền, không có người thân thì bệnh viện sẽ cho làm các cận lâm sàng, can thiệp cần thiết trước.
Trong những tình huống phẫu thuật, thủ thuật cấp cứu mà không có người giám hộ, người có thẩm quyền sẽ là lãnh đạo bệnh viện (nếu trong giờ hành chính) hoặc lãnh đạo trực (trong giờ trực). Sau đó, nếu người nhà không có khả năng chi trả, bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm thanh toán phần chi phí đó.
Chia sẻ thêm về trường hợp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, vị bác sĩ này cho rằng, có thể có sự hiểu nhầm hoặc chưa rõ quy trình. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hiện nay bảo hiểm y tế chi trả 100%. Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ, phần chi phí còn lại sau bảo hiểm thường không đáng kể.

Hình ảnh cháu bé gặp tai nạn giao thông được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu vào chiều 3/5 (Ảnh: Cắt từ video).
Điều đáng nói là câu nói "500 thì làm sao mà được" có thể gây hiểu lầm rằng bệnh viện yêu cầu đóng tiền mới cấp cứu. Câu nói này gây bức xúc là điều dễ hiểu.
"Câu nói về tiền đôi khi chỉ là lời nhắc nhở đúng quy trình từ bộ phận hành chính, không phải điều kiện tiên quyết để bệnh nhân được cấp cứu", bác sĩ này cho biết.
Điều quan trọng là, nếu sau khi nhắc đóng tiền mà bệnh nhân vẫn được cho đi làm xét nghiệm, chụp chiếu, thì có thể hiểu là bệnh viện vẫn đang vận hành theo hướng "nợ âm" - nghĩa là làm trước, tính tiền sau - chứ không phải từ chối cấp cứu.
Theo bác sĩ này, người dân đang có cái nhìn tiêu cực với ngành y tế nên dễ dẫn đến hiểu lầm bác sĩ. Trên thực tế, nhiều khi bác sĩ chưa biết bệnh nhân đã đóng tiền hay chưa, vì họ ưu tiên xử trí lâm sàng trước. Bộ phận hành chính mới là đơn vị kiểm soát viện phí từ người bệnh.
Trốn đóng viện phí: Cực kỳ hiếm
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, số trường hợp trốn, không đóng viện phí cực kỳ hiếm.
Nếu tình huống này xảy ra, không có chuyện nhân viên y tế phải chia nhau đóng khoản này để bù vào.
Hiện nay các bệnh viện đều có phòng Công tác xã hội để giải quyết những trường hợp này. Trong những tình huống đặc biệt, bệnh nhân nghèo không có tiền chi trả, bác sĩ cũng đều báo lên lãnh đạo để xin ý kiến, từ đó có hướng giải quyết.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định 21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó, có hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh.
Với trường hợp khám, chữa bệnh cho người không có thân nhân, cơ sở y tế có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
Trong thời gian 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người bệnh mà vẫn không thể xác định được thân nhân, cơ sở có trách nhiệm thông báo với UBND xã để báo tìm thân nhân của người bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định mà vẫn không thể xác định được thân nhân và thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội.
Chính phủ quy định việc chi trả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng quy định tại điều này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/cap-cuu-khong-cho-dong-tien-bac-si-noi-gi-ve-quy-trinh-xu-tri-benh-nhan-20250507102741324.htm
Bình luận (0)