Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chắp cánh cho nền kinh tế

Ngày 4-5, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68, cùng với Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia đã hoàn thiện bộ “chân kiềng” pháp lý vững chắc, tiền đề để nền kinh tế “cất cánh” trong kỷ nguyên mới.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng07/05/2025

Tuy nhiên, các nghị quyết nêu trên có nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách êm thuận hay không còn phụ thuộc rất lớn vào tốc độ và chất lượng xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đang diễn ra tại Hà Nội. Dĩ nhiên, không phải đến bây giờ công tác thể chế hóa những định hướng quan trọng của Trung ương mới được chuẩn bị, mà hàng loạt dự án luật, nghị quyết đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trong suốt thời gian qua.

Trước hết, phải kể đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trên thực tiễn, việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cùng với Hiến pháp, hàng loạt dự án luật là “rường cột” cho nền kinh tế sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua với nhiều thay đổi mạnh mẽ. Một ví dụ khá rõ nét là dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã quy định cho phép sử dụng định danh cá nhân và định danh tổ chức để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp, nhờ đó giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Về quản trị doanh nghiệp, dự thảo luật này sửa đổi 14 nội dung, bổ sung 7 nội dung theo hướng tăng cường trách nhiệm “hậu kiểm” của các cơ quan và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các quy định điều chỉnh, bổ sung này đều không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Đất đai, Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Quản lý, sử dụng tài sản công​ dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt trong điều hành, còn các doanh nghiệp thì nhanh chóng được thụ hưởng chính sách mới. Trong đó, dự thảo Luật PPP bổ sung quy định cho phép cá nhân nhà đầu tư được tham gia dự án PPP; cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án PPP khi thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ không hiệu quả...

Bên cạnh đó, nhiều hỗ trợ thiết thực khác nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển đã được UBTVQH quyết định. UBTVQH đã nhất trí ban hành nghị quyết về việc bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các tổ chức hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ số; các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, sản phẩm phần mềm, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… UBTVQH cũng đồng ý giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh với đối tượng áp dụng mở rộng hơn so với chính sách năm 2024.

Cuối cùng, không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 66 không chỉ đề cập đến đổi mới công tác xây dựng mà còn dành dung lượng quan trọng cho thực thi pháp luật. Nếu ví môi trường pháp lý thống nhất, dễ dự đoán và thân thiện với doanh nghiệp như một chiếc cánh, thì hiệu lực thực thi pháp luật chính là chiếc cánh bên kia. Nền kinh tế muốn “cất cánh” thì phải có cả đôi cánh khỏe.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chap-canh-cho-nen-kinh-te-post794049.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm