Theo thông tin của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc, từ ngày 6/5, châu chấu tre xuất hiện tại thôn Bản Đon, xã Cao Lâu và thôn Tẩu Lìn, xã Xuất Lễ với mật độ trên cây ngô 0,5 – 0,7 con/m2, mật độ tại bờ, bụi trung bình 5 – 10 con/bụi, cao từ 20 – 30 con/bụi, diện tích xuất hiện ở bờ bụi 0,2 ha. Châu chấu tre đang trong giai đoạn tuổi 1 – 2.
Theo ông Tô Văn Vị, thôn Bản Đon, xã Cao Lâu, đầu tháng 5/2025, qua việc thăm đồng, chăm sóc ngô, gia đình ông phát hiện có châu chấu tre xuất hiện với mật độ nhỏ. Trước thực tế đó, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương và được cán bộ chuyên môn xã hướng dẫn mua thuốc phun để phòng trừ. Thời điểm này, gia đình ông tiếp tục thăm đồng, thực hiện phát quang bờ bụi nhằm triệt tiêu nơi trú ngụ, sinh sản của châu chấu tre, tránh cho loại sinh vật này phát triển, gây hại cây trồng.
Ông Vi Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Lâu cho biết: Để kịp thời phòng trừ châu chấu tre, tránh lan ra diện rộng, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân chủ động mua thuốc phun phòng trừ và thăm đồng thường xuyên. Đồng thời, xã cũng cử cán bộ phụ trách địa bàn các thôn tăng cường kiểm tra 2 lần/tuần, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua loa phóng thanh, các nhóm zalo của thôn để người dân nắm được quy trình, biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Tương tự huyện Cao Lộc, châu chấu tre cũng đang phát sinh ở huyện Văn Lãng. Ông Nông Hồng Bộ, Giám đốc TTDVNN huyện Văn Lãng cho biết: Qua điều tra từ ngày 7/5 đến ngày 13/5, trung tâm phát hiện châu chấu tre trên các bìa rừng, bụi cỏ, ven bờ ruộng tại các thôn Pò Hà, xã Trùng Khánh (diện tích khoảng 1 ha), thôn Bản Vạc, xã Bắc Hùng (diện tích khoảng 0,3 ha) với mật độ trung bình 5 – 10 con/bụi cỏ, cao 15 – 20 con/bụi cỏ. Nguy cơ châu chấu tre tràn xuống gây hại lúa, ngô là rất lớn. Trước thực tế đó, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường điều tra, phát hiện và phòng trừ châu chấu hại cây trồng.
Không chỉ tại hai huyện kể trên, thời điểm này, châu chấu tre đã xuất hiện tại các huyện Lộc Bình, Văn Quan. Hiện, các đơn vị liên quan đang tiến hành kiểm tra, xác định diện tích có châu chấu tre để có biện pháp phòng trừ. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời điểm hiện tại đang là giai đoạn châu chấu tre hình thành con non và bắt đầu kiếm ăn, gây hại trên tre, vầu, ngô, lúa... Đây là loài côn trùng đa thực, thời gian sống và phá hại dài, có khả năng di chuyển nhanh thành từng đàn và có sức tàn phá lớn, nếu không phòng trừ kịp thời.
Trước tình hình trên, ngành chuyên môn, các huyện, thành phố chưa phát sinh châu chấu tre đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm phát hiện, kịp thời phòng trừ hiệu quả.
Ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hiện nay, mặc dù châu chấu tre mới phát sinh với diện tích nhỏ, chủ yếu trên cây tre, nứa, bờ bụi cỏ, nhưng đơn vị đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với TTDVNN các huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của châu chấu tre và rà soát các vùng có nguy cơ cao để có phương án phòng, trừ kịp thời. Việc xử lý triệt để từ sớm sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ châu chấu tre lan rộng, góp phần bảo vệ sản xuất.
Năm 2024, châu chấu tre được phát hiện tại 7 huyện của Lạng Sơn với diện tích nhiễm trên 67 ha. Hiện nay, mặc dù châu chấu tre mới phát sinh với mật độ thấp và diện tích nhỏ nhưng nguy cơ phát triển, gây hại là rất lớn. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị liên quan, người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ cây trồng.
Nguồn: https://baolangson.vn/phong-tru-chau-chau-tre-lung-vang-5047076.html
Bình luận (0)