Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Con đường phát triển duy nhất đúng đắn của quốc gia là phải dựa vào KH,CN&ĐMST
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) khẳng định: Trong suốt chặng đường 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn coi KH,CN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế xã hội, là nền tảng vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, tiềm năng của KH,CN&ĐMST vẫn chưa được khai thác, phát huy đầy đủ để đóng góp xứng tầm vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động.
Trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng như hiện nay, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ: Con đường phát triển duy nhất đúng đắn của quốc gia là phải dựa vào KH,CN&ĐMST. Nhiều chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược đã được ban hành nhằm khơi thông nguồn lực, tận dụng thời cơ, tạo đà cho sự bứt phá.
Toàn cảnh Hội thảo
Nghị quyết 57-NQ/TW của Đảng về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ trở thành một "Khoán 10" trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST góp phần khơi thông những rào cản và thúc đẩy mạnh mẽ KH,CN&ĐMST. Bên cạnh đó, một số nghị quyết quan trọng khác như Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH,CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, đã minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển đầu vào KH,CN&ĐMST thành những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể và thiết thực.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Tích – Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST đã trình bày về những cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của Việt Nam. Mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ, công nghiệp lắp ráp và đầu tư nước ngoài như hiện nay có nguy cơ lỗi thời, lạc hậu, không tạo ra giá trị gia tăng thực chất, tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời thay đổi.
PGS.TS Vũ Văn Tích – Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST phát biểu tại Hội thảo
Từ bài học thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Israel, Singapore … những nước không giàu tài nguyên nhưng vươn lên mạnh mẽ nhờ KH,CN&ĐMST, Việt Nam cần đổi mới tư duy phát triển, lấy KH,CN&ĐMST làm động lực trung tâm; Tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo hộ sáng chế, thương mại hóa nghiên cứu; Phát triển các trung tâm nghiên cứu, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, liên kết viện – trường – doanh nghiệp; Phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới…
Tập trung quản lý sản phẩm đầu ra đối với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học
Chia sẻ tại Hội thảo, cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam nhấn mạnh: Muốn phát triển KHCN, Việt Nam cần vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường và tiệm cận thông lệ quốc tế. Có ba vấn đề lớn cần phải quan tâm là: Cơ chế tài chính, huy động đầu tư xã hội cho phát triển KHCN và quyền sở hữu kết quả nghiên cứu.
Hiện nay, cách cấp kinh phí cho nghiên cứu vẫn mang nặng tư duy "xây dựng cơ bản", đây là rào cản lớn cho việc đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Hiện các nước phát triển đang sử dụng cơ chế quỹ, ngân sách cho nghiên cứu KHCN của Nhà nước được cấp thẳng cho quỹ này, sau khi các nhà khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đc ký hợp đồng và cấp kinh phí ngay. Ông Nguyễn Quân bày tỏ vui mừng khi Nghị quyết 57-NQ/TW đã ghi rõ việc Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu KHCN là thông qua cơ chế quỹ. Ông cũng đề xuất cần phải thông thoáng về quy trình thủ tục, giảm bớt hóa đơn chứng từ, quản lý chặt sản phẩm đầu ra đối với các đề tài nghiên cứu KHCN.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quân, GS Nguyễn Thanh Thủy – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhận định, cần phải đảo chiều cách quản lý, tập trung vào quản lý sản phẩm đầu ra. Doanh nghiệp hiện nay sẵn sàng đổi mới sáng tạo, đặt hàng nhà khoa học từ kinh phí doanh nghiệp nếu cơ chế tạo điều kiện hơn nữa.
Ông Nguyễn Hoa Cương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý hoạt động KHCN. Theo đó, Nhà nước giao đề bài lớn, giao quyền tự chủ cho các nhà khoa học, cấp kinh phí xứng tầm nhiệm vụ khoa học được giao, từ đó mới có thể tạo ra nhiều đột phá trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời, trình độ quản lý KHCN cũng phải đủ tầm mới quản lý được các nhiệm vụ KHCN lớn như vậy.
GS.TS Lê Huy Hàm – nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đưa ra một số số liệu về đầu tư cho KHCN so với GDP quốc gia. GDP của Trung Quốc gấp 44 lần Việt Nam thì mức đầu tư cho KHCN gấp 69 lần; Nhật Bản có GDP gấp 10 lần nhưng đầu tư gấp 69 lần; Hàn Quốc gấp 4 lần GDP nhưng đầu tư gấp 63 lần; các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan cũng đều đầu tư mạnh cho KHCN. Việt Nam đầu tư cho KHCN còn thấp nhưng lại có quá nhiều viện nghiên cứu, nhiều cơ sở R&D. Do đó, việc đầu tư không đến ngưỡng, không đạt hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh quy hoạch, phân cấp lại các viện nghiên cứu, giảm đầu mối. Việc phân cấp và cấp kinh phí cần theo hướng tập trung một đầu mối ở Bộ KH&CN, tránh chia nhỏ nguồn lực.
Ông Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nhận định, bài toán phát triển là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta cần phải nhìn nhận Nghị quyết 57-NQ/TW như là một phần trong bốn Nghị quyết lớn của Trung ương, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy KH,CN&ĐMST đất nước./.
Nguồn: https://mst.gov.vn/dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-bai-hoc-tu-kinh-nghiem-quoc-te-197250520203545999.htm
Bình luận (0)