Mất việc làm, thất nghiệp là nỗi ám ảnh của nhiều người, gây ảnh hưởng đến tài chính, tinh thần và cuộc sống. Ảnh: Internet |
Khi cơn bão mất việc “càn quét” qua…
Thất nghiệp ở tuổi nào cũng khó khăn nhưng đặc biệt, ở tuổi 35-40, khó khăn nhân lên gấp nhiều lần khi người lao động đã lớn tuổi, khó cạnh tranh với lao động trẻ để tìm kiếm việc làm mới. Ở độ tuổi này, mất việc không chỉ tạo áp lực tài chính, gây ra rào cản tâm lý mà nghiêm trọng hơn, còn có thể đẩy các mối quan hệ gia đình đến bờ vực tan vỡ. Nghiên cứu chỉ ra rằng có 54% người xem áp lực tài chính và nợ nần là lý do chính đáng để ly hôn.
Từng có ý định ly hôn khi chồng mất việc nhiều tháng liền, chị H.T.N (xã An Thọ, huyện Tuy An) kể lại những áp lực mà gia đình chị từng trải qua: “Chồng tôi làm nghề thiết kế quảng cáo. Sau dịch COVID-19, khi kinh tế khó khăn, nhiều cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh đồng loạt đóng cửa, trả mặt bằng thì công việc chồng tôi giậm chân tại chỗ một thời gian, sau đó thì mất việc hẳn. Mất việc mang đến cảm giác bế tắc không biết bao giờ mới chấm dứt. Sự bất định này khiến gia đình nhỏ của tôi liên tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng. Tôi bắt đầu cảm thấy bực bội vì phải gánh vác tài chính một mình. Những khi áp lực quá, tôi gọi điện về cho gia đình chồng khóc lóc và đòi ly hôn”.
Mất việc là cơn bão lớn nhưng đừng để chúng cuốn trôi hạnh phúc gia đình. Dù tài chính khó khăn hay cảm xúc chênh vênh, chỉ cần đồng lòng, mái ấm vẫn có thể vững vàng trước sóng gió.
Từng là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng mấy năm gần đây, anh N.V.T (phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa) chuyển từ công việc bấp bênh sang mất việc hẳn. Ở tuổi 42, vừa phải nuôi con, vừa phải trả nợ tiền xây nhà, anh T không khỏi bàng hoàng khi nhận thông báo công ty xây dựng cắt giảm nhân sự. “Công ty tôi đã cầm cự mấy năm qua, đến khi hết cầm cự nổi mới phải cắt giảm. Tôi cũng dự đoán được nhưng chưa bao giờ nghĩ tìm việc lại khó khăn đến vậy”, anh T tâm sự. Cũng theo anh T, các công ty tuyển dụng thường giới hạn độ tuổi, điều này đã trở thành rào cản đối với anh. Dù vậy, anh vẫn không ngừng tìm kiếm, trân trọng mọi cơ hội, mong sớm có việc làm để đỡ đần vợ con.
Sự thật là, khi một nguồn thu nhập biến mất, dù có tiết kiệm hết mức, thì các khoản chi tiêu từ tiền nhà, tiền học cho con đến các khoản sinh hoạt cơ bản vẫn đến đều đặn. Sự chênh lệch giữa thu và chi nhanh chóng tạo ra tâm lý sợ hãi, dễ dẫn đến cãi vã, oán trách. Ở nhiều gia đình, khi tiền bạc cạn kiệt, thay vì cùng tìm cách giải quyết, vợ chồng dễ đổ lỗi cho nhau, gây ra rất nhiều thách thức cho đời sống hôn nhân.
“Giữ lửa” gia đình, vượt qua thử thách
"Giữ lửa" gia đình và vượt qua thử thách mất việc là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và nỗ lực từ tất cả các thành viên.
Trên báo Dân trí, chuyên gia nghề nghiệp Neha Deskmuh chia sẻ: “Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp đang ngày càng tăng do nhu cầu công việc cũng như dư chấn của khủng hoảng kinh tế. Rất nhiều người đã mất đi công việc hoặc chưa tìm được việc sau khi tốt nghiệp. Họ rất buồn. Tuy nhiên, không có gì là vĩnh viễn trong cuộc sống này, chỉ cần bạn tin tưởng vào bản thân mình, bạn sẽ nhận thấy rằng bất cứ việc gì cũng có cách giải quyết của nó. Thất nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật này…”.
Nguy cơ mất việc không loại trừ một ai nên thay vì ngồi chờ trong lo sợ, các chuyên gia khuyên mỗi người nên chủ động sẵn sàng đối phó. Chuyên gia gợi ý, thay vì hoang mang, hoảng sợ hãy bình tĩnh và tin tưởng vào chính mình. Tự thuyết phục bản thân rằng tình hình này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng được giải quyết nên không cần quá lo lắng; thư giãn và nghỉ ngơi nhiều hơn vì chỉ khi bạn có một tinh thần tốt, bạn mới có thể suy nghĩ xem mình nên làm gì và nên bắt đầu lại như thế nào. Ngoài ra, mỗi người cần phân tích hoàn cảnh thực tế; mở ra các giải pháp thay thế bằng cách suy nghĩ về những cách kiếm tiền khác; liên lạc với những người bạn quen biết để kết hợp với họ tìm kiếm thông tin cho những công việc mới; xem xét và lựa chọn nghề hợp với sở thích của mình; cố gắng cải thiện các điểm yếu về kỹ năng của mình; tiết kiệm chi tiêu một cách cẩn thận...
Mất việc làm là một trải nghiệm khó khăn, nhưng nó cũng có thể là một cơ hội để phát triển và đổi mới. Thời gian này, người vợ hoặc chồng cần thể hiện sự thông cảm, động viên và chia sẻ với người thất nghiệp để giúp họ lấy lại sự tự tin và đối diện với thực tế một cách tích cực hơn. Thay vì chỉ trích, hãy tránh những lời nói tiêu cực và tập trung vào việc hỗ trợ và tìm kiếm giải pháp.
Việc người vợ hoặc chồng thất nghiệp có thể tạo ra áp lực lớn, nhưng bằng cách tìm kiếm sự hỗ trợ, đánh giá lại mục tiêu của mình và phát triển các kỹ năng mới, mỗi người có thể vượt qua khủng hoảng mất việc và xây dựng một sự nghiệp thành công hơn. Chỉ cần cả hai vợ chồng cùng đồng lòng vượt qua, tình cảm gia đình sẽ càng thêm gắn bó và bền vững.
Nguồn: https://baophuyen.vn/hon-nhan-gia-dinh/202504/cheo-lai-gia-dinh-qua-con-song-gio-mang-ten-mat-viec-bd9234d/
Bình luận (0)