Từ chân quê đến chuyên nghiệp
Thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Lý Sơn phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp trên địa bàn. Ngoài đào tạo lý thuyết, người dân còn được trực tiếp đi tham quan, học hỏi mô hình thực tế tại các địa phương có du lịch cộng đồng phát triển.
Từ một người làm du lịch tự phát, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (trú đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) giờ đây đã trở thành chủ của homestay Biển Ngọc, một điểm đến quen thuộc với du khách muốn khám phá đảo Bé. Không chỉ tiếp đón khách với sự niềm nở, bà Thúy còn chăm chút từ món ăn đến không gian sinh hoạt, tạo cho du khách cảm giác như đang ở trong một gia đình người dân đảo thực thụ.
![]() ![]() |
Du khách đến tham quan, du lịch ở đảo Bé (huyện Lý Sơn) ngày càng nhiều. |
“Hồi trước cứ làm theo bản năng, có gì làm nấy. Sau được chính quyền tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình làm du lịch ở các địa phương như Hà Giang, Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam)… mình mới hiểu được cách làm du lịch, phục vụ du khách tốt hơn. Hiện tại, cơ sở lưu trú của tôi đã tự nhận tour, chế biến món ăn, phục vụ các nhu cầu hằng ngày của du khách...”, bà Thúy chia sẻ.
Cũng ở trên đảo Bé, vợ chồng anh Nguyễn Công Vũ sau khi tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch đã đầu tư mua xe điện chở khách, mở thêm dịch vụ hướng dẫn viên. Từng là người nói giọng địa phương khiến khách khó hiểu, nay anh Vũ có thể giao tiếp mạch lạc, giới thiệu cho khách từng bãi tắm, ghềnh đá...
“Trước đây mình không nghĩ là có thể làm du lịch. Sau khi tìm tòi, học hỏi mình mới biết phải tiếp xúc với khách từng lời, từ tốn và luôn giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Giờ khách quý mình lắm, còn giới thiệu bạn bè đến đảo nữa”, anh Vũ kể.
![]() |
Hiện tại, cơ sở lưu trú của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy đã tự nhận tour, chế biến món ăn, phục vụ các nhu cầu hằng ngày của du khách... |
Trên đảo Bé hiện có hơn 100 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề biển và trồng hành, tỏi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt giảm, còn cây tỏi, hành thì thất bát do thiếu nước tưới. Không chấp nhận bị bó buộc trong cái khó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển hướng sang làm dịch vụ du lịch, với sự đồng hành từ chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bông cho biết, từ nông dân chuyển sang làm du lịch, ban đầu bà con còn bỡ ngỡ, sợ không làm được. Nhưng sau khi được đào tạo, người dân ở đây đã biết nên làm gì, nên tránh gì, đặc biệt là trong giao tiếp, hướng dẫn du khách. Đến nay, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ của người dân ở đảo Bé đã phục vụ du khách mang tính chuyên nghiệp hơn, giữ chân được du khách dài ngày.
Tự tin thay đổi số phận
Từ năm 2023 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Lý Sơn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc, các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, định hướng nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động gắn với lợi thế của địa phương, nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Ngày càng nhiều homstay trên đảo Bé được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Ảnh: Đặng Văn Sâm |
Bên cạnh đó, phối hợp đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài góp phần giải quyết nhu cầu lao động, giúp người dân có nguồn thu nhập cao, được tiếp cận môi trường lao động tiên tiến.
Bà Ngô Thị Phấn (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) ban đầu lo lắng, không dám cho con đi làm xa. “Sợ bị lừa, sợ con gặp chuyện. Nhưng sau khi được tư vấn và cho đi qua kênh chính thống của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, tôi hoàn toàn yên tâm. Giờ con làm việc ổn định ở Nhật, gửi tiền về đều đặn, cuộc sống gia đình cũng khá lên”, bà Phấn bộc bạch.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, huyện đã tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên, phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm. Nhờ đó, người lao động có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, tìm kiếm công việc phù hợp. Bên cạnh đó, tập trung bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn viên để nâng cao chất lượng truyền thông về chính sách, pháp luật lao động và đào tạo nghề.
![]() |
Du khách chụp hình check- in những cảnh đẹp ở đảo Bé. Ảnh: Đặng Văn Sâm |
![]() |
Du khách tắm biển, trải nghiệm các dịch vụ du lịch ở đảo Bé. |
Theo thống kê, Lý Sơn hiện có hơn 8.800 người trong độ tuổi lao động, nhưng phần lớn chưa có việc làm ổn định. Nhờ các chương trình hỗ trợ, đến cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 311 hộ (chiếm 5,02%), 250 hộ cận nghèo. Huyện Lý Sơn đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Theo bà Hương, huyện xác định đào tạo nghề và tạo sinh kế tại chỗ là chiến lược trọng tâm trong công tác giảm nghèo. Không phải cứ hỗ trợ tiền là người dân thoát nghèo. Mà phải cho họ chiếc cần câu đó là nghề nghiệp, là tư duy mới. Lý Sơn có tiềm năng biển, có du lịch, có tài nguyên con người. Quan trọng là kết nối và khai thác đúng cách.
![]() |
Người dân Lý Sơn thu hoạch hành tím. |
Bên cạnh ngành du lịch, Lý Sơn cũng tiếp tục đầu tư hạ tầng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản đặc trưng như hành, tỏi theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc thời tiết, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bảo quản.
“Lý Sơn kỳ vọng không mong muốn chỉ được biết đến với biển xanh, tỏi trắng, mà còn là nơi người dân biết vươn lên bằng đôi tay, khối óc, biết làm du lịch văn minh và biết vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình”, bà Hương nhấn mạnh.
![]() |
Đảo Bé (huyện Lý Sơn) được ví như thiên đường giữa biển khơi. |
Từ một huyện đảo còn nhiều khó khăn, Lý Sơn đang dần chuyển mình mạnh mẽ. Những ngư dân từng chỉ quen chèo thuyền, giăng lưới nay trở thành những hướng dẫn viên du lịch, chủ cơ sở homestay… Họ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những nhân tố tích cực, lan tỏa tinh thần học hỏi, đổi mới trong cộng đồng.
Nguồn: https://tienphong.vn/chia-khoa-mo-loi-thoat-ngheo-ben-vung-o-huyen-dao-ly-son-post1742493.tpo
Bình luận (0)