Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Ảnh Hoàng Giáp) |
Ông có thể chia sẻ vì sao chúng ta cần xem xét việc công nhận tài sản số và tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Việt Nam không thể đứng ngoài quy luật phát triển công nghệ và xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu, trong đó tài sản số và tín chỉ carbon đang trở thành những yếu tố quan trọng.
Tài sản số không nên được hiểu một cách quá phức tạp. Bất kỳ thứ gì có thể số hóa, như dữ liệu, quyền tài sản, hay các dạng tài sản kỹ thuật số, đều có thể được xem là tài sản số. Tuy nhiên, để công nhận và sử dụng chúng làm tài sản bảo đảm, chúng ta cần làm rõ hai vấn đề chính. Thứ nhất là thể chế pháp lý, tức là liệu có nên công nhận tài sản số hay không. Thứ hai là giải pháp kỹ thuật để số hóa và quản lý các tài sản này.
Về câu hỏi liệu có nên công nhận tài sản số, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu thị trường. Thị trường có thực sự cần số hóa tài sản hay không sẽ quyết định việc công nhận chúng. Ví dụ, Bitcoin đã lưu thông hàng chục năm trên thế giới, nhưng tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý để công nhận. Điều này cho thấy không phải mọi tài sản số đều cần pháp lý ngay lập tức. Chúng ta cần ưu tiên những danh mục tài sản số có tính cấp thiết và phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, Chính phủ đã và đang dự thảo các luật và nghị định để sớm ban hành quy định về tài sản số, và tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu.
Về giải pháp kỹ thuật, trên thế giới hiện nay có nhiều cách tiếp cận để quản lý tài sản số, nhưng chưa có quốc gia nào thiết lập được tiêu chuẩn chung. Ngay cả Mỹ hay châu Âu, mỗi nước đều áp dụng giải pháp riêng, dẫn đến việc một tài sản số được công nhận ở quốc gia này có thể không được chấp nhận ở quốc gia khác do thiếu tiêu chuẩn thống nhất. Vì vậy, để tài sản số thực sự trở thành tài sản bảo đảm trong hệ thống tín dụng ngân hàng, cần đồng thời giải quyết hai yếu tố: khung pháp lý rõ ràng và giải pháp kỹ thuật đồng bộ. Khi cả hai yếu tố này được đảm bảo, thị trường tài sản số mới đủ lớn và minh bạch để áp dụng vào các giao dịch tín dụng.
Đối với tín chỉ carbon, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của nó khi được công nhận làm tài sản bảo đảm, và điều này mang lại cơ hội gì cho doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Tín chỉ carbon hiện nay gần như là một yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia ngày càng khắt khe về sản xuất xanh và kinh tế xanh.
Theo thống kê được thảo luận tại các diễn đàn, Việt Nam đã phát hành hơn 10 triệu tín chỉ carbon, mang lại giá trị từ 300 đến 500 triệu USD. Nếu công nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm, điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược chuyển đổi xanh.
Chính sách tăng thuế của Tổng thống Donald Trump gần đây cho thấy các quốc gia cần tận dụng những khe hẹp trong đàm phán thương mại, và tín chỉ carbon chính là công cụ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh. Châu Âu và Mỹ đều đòi hỏi truy xuất nguồn gốc xanh cho các sản phẩm nhập khẩu, và tín chỉ carbon là bằng chứng xác thực cho quá trình này. Vì vậy, tín chỉ carbon không chỉ quan trọng ở hiện tại mà sẽ ngày càng trở thành lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia và doanh nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở giá trị của tín chỉ carbon mà là vòng đời và phạm vi ứng dụng của nó. Ví dụ, trong ngành năng lượng, để truy xuất một kWh điện sản xuất xanh, cần kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng từ nhập khẩu nguyên liệu, vận tải, chế biến, đến sản xuất. Quá trình này rất phức tạp và đòi hỏi hệ thống đánh giá, kiểm soát nguồn gốc, và xác thực giá trị thực của tín chỉ carbon. Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu này, tín chỉ carbon mới trở thành tài sản bảo đảm có giá trị cao, đủ để ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính chấp nhận.
Hiện nay, các ngân hàng còn lúng túng khi xem xét tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm. Nếu chấp nhận, họ sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, bởi tài sản vô hình như tín chỉ carbon không dễ định giá hay thanh lý như tài sản hữu hình. Việc xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản đã rất phức tạp, huống chi là tài sản vô hình. Tuy nhiên, nếu truy xuất được toàn bộ chuỗi giá trị của tín chỉ carbon, ví dụ cho điện xanh, thì tính thanh khoản của nó trên thị trường toàn cầu sẽ rất lớn. Các ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính, và thậm chí cá nhân đầu tư vào tài sản xanh đều có nhu cầu cao với loại tài sản này. Vì vậy, việc xử lý tín chỉ carbon không nên giới hạn trong phạm vi quốc gia mà cần mở rộng ra quy mô toàn cầu, tận dụng xu hướng đầu tư vào kinh tế xanh.
Theo ông, cần có cơ chế gì để các ngân hàng nhận tài sản vô hình như tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Để các ngân hàng chấp nhận tài sản vô hình như tín chỉ carbon, cần có khung pháp lý rõ ràng và giải pháp kiểm soát hiệu quả. Thay vì sử dụng biện pháp hành chính, Nhà nước nên ban hành thể chế định nghĩa rõ ràng về tài sản số và tín chỉ carbon, bao gồm cách quản lý, kiểm soát, và quản trị rủi ro. Quyết định chấp nhận tài sản này hay không nên để các ngân hàng tự đánh giá dựa trên chiến lược kinh doanh của họ. Rủi ro là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu ngân hàng đánh giá được giá trị và chấp nhận rủi ro, họ sẽ tham gia.
Về định giá, mỗi ngân hàng có cách tiếp cận riêng, tương tự như định giá bất động sản. Ví dụ, một mảnh đất có thể được định giá cao hơn thị trường nếu nó mang lại giá trị chiến lược cho người mua. Với tài sản số, giá trị biến động mạnh, có thể thay đổi trong ngày, nên việc áp đặt một công thức định giá chung là không khả thi. Nhà nước chỉ cần đưa ra các định nghĩa cơ bản, quy định về quản lý, và để thị trường tự quyết định giá trị. Các ngân hàng cần đầu tư vào công nghệ và quy trình kiểm soát để đi đầu trong lĩnh vực này, như cách Thụy Sĩ và Singapore đã làm thành công.
Thưa ông, liệu việc công nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt khi Chính phủ có kế hoạch cung cấp 500.000 tỷ đồng cho các startup?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Việc công nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm chắc chắn tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo, nhưng cần nhìn nhận đa chiều. Các startup thường thiếu tài sản hữu hình và khó chứng minh dòng tiền hay báo cáo tài chính ổn định, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi cần 3-5 năm để tạo ra doanh thu. Ngân hàng, với chiến lược tập trung vào khoản vay ngắn hạn và dịch vụ thanh toán, không phù hợp để tài trợ cho startup. Thay vào đó, cần có các tổ chức tài chính khác, như quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia.
Để hỗ trợ startup, Nhà nước nên xây dựng một sàn giao dịch riêng, cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Điều này khuyến khích cá nhân và tổ chức đầu tư vào startup, tận dụng tinh thần mạnh dạn của người Việt trong việc sở hữu tài sản mới. Bộ Tài chính đang hướng tới giải pháp này, nhưng cần quy định rõ nét hơn để tăng tính khả thi.
Công nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm sẽ thúc đẩy thị trường tài chính xanh Việc công nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm là bước đi đúng đắn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, khi các quốc gia ngày càng yêu cầu khắt khe về sản xuất xanh. Tín chỉ carbon là công cụ xác thực cho sản xuất xanh, giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Khi được hỗ trợ bởi thể chế pháp lý và công cụ kiểm soát, đánh giá, tín chỉ carbon trở thành tài sản bảo đảm giá trị, thu hút sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tài chính. Lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp là rõ ràng. Tín chỉ carbon không chỉ giúp tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi mà còn mở ra cơ hội đầu tư vào tài sản hình thành trong tương lai. Ví dụ, một nhà máy sản xuất không chỉ có giá trị từ tài sản cố định mà còn từ lượng tín chỉ carbon tạo ra, như việc trồng bao nhiêu hecta rừng hay giảm phát thải như thế nào. Điều này gia tăng giá trị tài sản và thu hút đầu tư từ thị trường tài chính xanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Kim Hùng |
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chia-khoa-thuc-day-tai-chinh-xanh-va-doi-moi-sang-tao-163474.html
Bình luận (0)