Chắp cánh ước mơ an cư
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Lá lành đùm lá rách” và quan điểm “Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội”, Tây Ninh đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong hành trình xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở.
Tại tỉnh Long An (cũ), chỉ trong thời gian ngắn, 328 căn nhà của các gia đình chính sách, người có công đang xuống cấp đã được thay thế bằng những căn nhà kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Mỗi căn xây mới được hỗ trợ 100 triệu đồng, sửa chữa 50 triệu đồng. Đối tượng xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa đợt này là hộ trước đây chưa có đất ở hoặc chưa có nguồn vốn đối ứng; gia đình chính sách đã có nhà ở được xây dựng ở giai đoạn đầu của chương trình, nay đã xuống cấp cần tiếp tục được quan tâm hỗ trợ.
Tại tỉnh Long An (cũ), chỉ trong thời gian ngắn, 328 ngôi nhà của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đang xuống cấp đã được thay thế bằng những căn nhà kiên cố, khang trang, sạch đẹp
Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thạnh - Nguyễn Thị Mỹ Miều cho biết: “Phong trào tiết kiệm huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh là mệnh lệnh từ trái tim đến trái tim. Do đó, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc, thực hiện bằng tất cả tinh thần trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Đến nay, xã Hậu Thạnh sửa chữa được 5 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công đang gặp khó khăn về nhà ở”.
Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tỉnh kết nối nhiều tấm lòng nhân ái, sẻ chia đóng góp kinh phí giúp người nghèo chạm đến giấc mơ “an cư, lạc nghiệp”. Chính quyền địa phương chủ động cử lực lượng như dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ đóng góp ngày công xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, Đại đoàn kết cho các gia đình neo đơn. Kết quả, đến nay, tỉnh đã bàn giao hơn 900 căn nhà với tổng kinh phí khoảng 76 tỉ đồng cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, tỉnh bàn giao hơn 900 căn nhà với tổng kinh phí khoảng 76 tỉ đồng
Chị Lê Thị Trúc Phương (xã Thạnh Phước) chia sẻ: “Tôi là mẹ đơn thân, gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ tiền làm thuê. Dù được hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng nhà Đại đoàn kết nhưng tôi rất lo, bởi sợ không đủ chi phí xây dựng. May mắn trong suốt thời gian xây nhà, tôi được chính quyền địa phương cử lực lượng xuống hỗ trợ đổ sàn, phụ hồ. Nhờ đó, giảm được một phần tiền công xây dựng và mơ ước về căn nhà mới đã thành hiện thực”.
Niềm vui trong căn nhà mới
Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, ông Bùi Văn Út Nhỏ - thương binh hạng 4/4, ngụ xã Nhơn Ninh, mang trên người nhiều thương tật. Với bản tính người lính Cụ Hồ được rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ giúp ông tiếp tục hăng hái trên mặt trận lao động, sản xuất. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ông tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tuổi cao và vết thương cũ tái phát, sức khỏe ông yếu đi nhiều, từ đó mơ ước về căn nhà mới mãi không thực hiện được.
Ông Út Nhỏ trải lòng: “Căn nhà của tôi xây dựng gần 30 năm, xuống cấp dữ lắm! Cũng dự định xây nhà mới mấy lần nhưng dành dụm được 100 triệu đồng là rất khó. May mắn thế hệ hôm nay luôn biết ơn, trận trọng đối với người có công với cách mạng, gia đình tôi được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa. Có căn nhà mới, tôi cảm thấy rất hạnh phúc!”.
Chính quyền địa phương bàn giao nhà tình nghĩa
Năm 2000, bà Võ Thị Lựa (vợ liệt sĩ, ngụ xã Nhị Thành) được các cấp, các ngành hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Qua thời gian sử dụng, căn nhà đã xuống cấp. Ngay khi có chủ trương xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công, bà Lựa được chính quyền địa phương ưu tiên lập danh sách hỗ trợ.
Ngày bàn giao nhà, chính quyền địa phương, hàng xóm đến chung vui, chúc mừng và tặng bà Lựa nhiều phần quà thiết thực, ý nghĩa như ti vi, nồi cơm điện, quạt máy, bếp gas,... Bà Lựa nói: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thế hệ hôm nay, gia đình tôi mới có điều kiện sửa chữa lại căn nhà khang trang, sạch đẹp như thế này”.
Thành công từ việc xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, Đại đoàn kết cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo không chỉ là số lượng căn nhà được xây tặng mà còn là sự lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống. Để rồi những căn nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng đã chạm đến trái tim, hiện thực hóa mơ ước “an cư, lạc nghiệp” của bao người./.
Lê Ngọc
Nguồn: https://baolongan.vn/chia-se-yeu-thuong-tu-nhung-mai-nha-a198234.html
Bình luận (0)