Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 (2024) tại xã Sơn Đông (Lập Thạch).
Trong những năm gần đây, tình hình mưa bão thiên tai trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biễn bất thường, cấp độ rủi ro thiên tai ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất của nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh, mưa bão thiên tai cũng xuất hiện bất thường, trái quy luật, khó dự báo như: Đợt mưa đá trên diện rộng tháng 11/2006; mưa lớn lịch sử trái mùa đầu tháng 11/2008; các cơn bão kèm theo mưa lớn năm 2012, 2013; bão số 3 năm 2016 với diễn biến đường đi hết sức phức tạp khó lường.
Đợt dông lốc ngày 10/6/2020 tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên làm 3 người chết, 18 người bị thương; đợt mưa lớn bất thường từ ngày 22-24/5 năm 2022 gây thiệt hại trên 800 tỷ đồng.
Gần đây nhất là siêu bão số 3 và mưa lũ lịch sử sau bão từ ngày 6/9 - 11/9/2024 gây tổn thất nặng nề về người, tài sản cho các tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc… Các đợt thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra 10 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh khoảng trên 2.500 tỷ đồng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình mưa bão năm 2025 sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2025, dự báo sẽ có khoảng 6 đến 13 cơn bão hình thành gần khu vực biển Đông. Nếu tính cả mùa bão năm 2025, tổng số cơn bão ở biển Đông có thể đạt từ 16 đến 19 cơn.
Cùng với đó là các đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc với dự báo tương đương trung bình nhiều năm, khoảng 20 đợt. Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía Nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ.
Bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Vĩnh Phúc thường ở loại hình vùng thấp, sức gió đã suy yếu, tuy nhiên, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng vùng thấp trũng, ngập lụt ở đô thị.
Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó với mưa bão, thiên tai, Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác PCTT&TKCN; thường xuyên cập, kịp thời thông tin những diễn biến về lũ, bão, sạt lở đất và các thiên tai khác để các cơ quan liên quan và nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống, ứng phó.
Tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; phương án trọng điểm, xung yếu cấp tỉnh; kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình PCTT trước mưa lũ, từ đó đề xuất khắc phục, sửa chữa ngay các công trình hư hỏng, xuống cấp để kịp thời phục vụ công tác PCTT.
Tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là những công trình phòng lũ, như kè, cống, hồ đập, cầu vượt, ngầm...; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai các cấp.
Chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.
Làm tốt công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các vi phạm tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ; các hành vi lấn chiếm, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.
Thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn, thiên tai, các công trình đê điều, hồ đập và các công trình PCTT khác; kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCTT trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng phương án, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng để thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, như hộ đê, đập, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Xây dựng phương án, kịch bản, bố trí lực lượng ứng cứu, chi viện kịp thời cho các khu vực trọng điểm đê điều, hồ đập, các công trình PCTT khác và giúp dân khắc phục phục hậu quả thiên tai.
Bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư trang bị theo phương châm 4 tại chỗ, thực hiện nghiêm chế độ trực ban, ứng trực, thường trực sẵn sàng ứng phó thiên tai, xử lý kịp thời, hiệu quả ngay từ đầu các sự cố thiên tai cũng như cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả sau mưa bão, thiên tai…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126726/Chu-dong-cac-bien-phap-ung-pho-thien-tai-bao-lu
Bình luận (0)