BHG - Hiện nay đang bước vào thời điểm giao mùa, là môi trường thuận lợi để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định.
Đàn gia cầm của gia đình anh Vương Văn Sơn, thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) luôn được chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả. |
Gia đình anh Vương Văn Sơn, thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) chăn nuôi gà với quy mô lớn, trên 2.000 con. Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt, gia đình anh thường xuyên phun thuốc khử trùng khu vực chuồng nuôi, hạn chế tối đa mầm bệnh. Đồng thời, tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều và thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn gà. Anh Sơn cho biết: Do chăn nuôi với quy mô lớn nên nếu xảy ra dịch bệnh thiệt hại sẽ không nhỏ, vì vậy gia đình tôi đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà. Tăng cường vệ sinh, giữ cho chuồng nuôi luôn khô ráo, phun thuốc sát trùng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Đồng thời, xử lý chất thải bằng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Cho gà ăn thức ăn sạch, uống nước sạch. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan.
Sở hữu trang trại chăn nuôi bò lấy thịt với quy mô 200 con tại thôn Mịch B, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên), HTX Cát Lý đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò. HTX thường xuyên phối hợp với cán bộ nông nghiệp, thú y xã thực hiện kiểm tra định kỳ sức khỏe đàn bò, tiêm vắc xin, tẩy ký sinh trùng. Anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX cho biết: Các nhân viên chăm sóc bò tại trang trại thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, khử trùng định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng phù hợp. Loại bỏ thức ăn thừa, chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi, đảm bảo môi trường sống của đàn bò sạch sẽ, khô ráo. Ghi chép đầy đủ lịch sử tiêm phòng cho từng con bò. Cung cấp nước uống sạch, thức ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch cho đàn bò, giúp phòng, chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.
Người dân xã Hữu Vinh (Yên Minh) chăm sóc đàn lợn |
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò tại 2 huyện làm chết 4 con bò (xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc 3 con; xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn 1 con). Thời điểm hiện tại, hầu hết các bệnh tiêm phòng cho đàn gia súc từ năm 2024 như: Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tụ huyết trùng trâu bò, Dịch tả lợn... đều đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân và môi trường, nguồn cung thực phẩm. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương bố trí kinh phí để mua vắc xin và tổ chức triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đối với từng bệnh đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn. Tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý khi xuất hiện các ổ dịch bệnh mới phát sinh.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Các hộ chăn nuôi cần chủ động theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để cách ly, theo dõi và điều trị, thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Nguồn: https://baohagiang.vn/phong-chong-thien-tai-va-dich-benh/202504/chu-dong-phong-chong-dich-benh-cho-gia-suc-gia-cam-d2334c5/
Bình luận (0)