BHG - Bát Đại Sơn là xã biên giới đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ gần 30 km. Được mệnh danh là vùng đất cằn, bởi ở nơi biên thùy này thường xuyên phải chịu cảnh hạn hán trong nhiều tháng cùng tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tiêu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc canh tác, sản xuất và cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây.
Tưởng chừng vùng đất này sẽ mãi “trơ trọi” và “bạc màu” với sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và địa hình. Song với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự quyết tâm trong thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và những nỗ lực, mạnh dạn của người dân địa phương, nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp phù hợp đã được áp dụng ở đây.
Với địa hình đất dốc, khí hậu khô hạn, xã Bát Đại Sơn đã tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây giang được gần 140 ha tại các thôn Mố Lùng, Sán Trồ và Na Quang. Là một hộ chuyển đổi diện tích canh tác sang trồng giang, anh Giàng Mí Sử, thôn Sán Trồ, chia sẻ: “Sau khi thấy một số hộ trên địa bàn xã trồng và có thu nhập ổn định từ cây giang, cuối tháng 11 năm 2024 gia đình tôi chuyển đổi diện tích đất trồng ngô nương sang trồng 3.000 cây giang lấy lá. Đến nay, tôi nhận thấy cây giang ít phải chăm sóc hơn cây trồng khác, phù hợp khí hậu khô hạn, thiếu nước tưới tiêu ở địa phương”.
Lãnh đạo xã kiểm tra diện tích Hồng không hạt tại thôn Na Quang. |
Hiện nay, một số diện tích cây giang của người dân trên địa bàn xã đã cho thu hoạch, qua tính toán thực tế cây giang sẽ cho lá quanh năm, trung bình 100 lá giang có trọng lượng 1 kg, giá bán cho thương lái là 22.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm lá giang sẽ được bán về thị trường miền xuôi để xuất khẩu sang Đài Loan. Ngoài ra, với sự cần cù, chịu khó “vượt nắng, thắng hạn”, người dân trên địa bàn xã Bát Đại Sơn đã chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng trên 183 ha cây dược liệu, 66 ha cây ăn quả ôn đới như Hồng không hạt, mận…; trên 10 ha cây quế và một số loại cây ăn quả có múi khác.
Đồng chí Viên Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn trao đổi: “Khó khăn lớn nhất ở vùng biên giới Bát Đại Sơn phải kể đến khí hậu hanh khô, mùa khô hạn tại địa phương kéo dài đến 6 - 7 tháng/năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến canh tác, sản xuất nông – lâm - nghiệp trên địa bàn và năng suất, chất lượng cây trồng; đây là thách thức lớn trong phát triển KT - XH và công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Đặc biệt ở 3 thôn vùng cao của xã gồm: Pải, Xà Phìn và Thào Chư Phìn không chỉ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, tỷ lệ đất canh tác xen lẫn đá gần như 100%. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu khô hạn của địa bàn, địa phương tập trung nghiên cứu các loại cây trồng thích hợp chất đất bazan đỏ như cây giang, cây ăn quả ôn đới, cây ăn quả có múi và một số cây lâm nghiệp như: Cây quế, hạt dổi, hoa hồi kết hợp trồng cây khoai sọ, giềng ngắn ngày bên dưới... Hiện chúng tôi đang trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh xem tính phù hợp với chất đất”.
Cùng với đó, động lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025 đã tạo điều kiện để đồng bào địa phương có nguồn lực trong thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua các dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” với 3 tiểu dự án, hỗ trợ người dân chuyển đổi gần 263 ha cây trồng.
Tín hiệu mừng đã vẽ cho Bát Đại Sơn những hướng đi mới, song những khó khăn thách thức mà vùng đất này còn gặp phải là rất lớn. Để màu xanh kinh tế tới với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trở nên ấm no, hạnh phúc thì địa phương cần tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể trong chủ động vụ mùa, ứng phó thực tiễn với hạn hán để biến “khó khăn, thách thức” thành cơ hội trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở nơi biên ải này.
Bài, ảnh: Hoàng Chính (Quản Bạ)
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/no-luc-phu-xanh-vung-dat-can-bat-dai-son-10a34dc/
Bình luận (0)