Hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu
Mùa bão năm 2025 sắp sửa bắt đầu và những thông tin dự báo sớm về diễn biến bão được người dân quan tâm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực Biển Đông; tổng lượng mưa dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, trả lời truyền thông, đại diện cơ quan khí tượng quốc gia cho biết, có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới sớm trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 nhưng xác suất không quá cao. Mùa bão 2025 có thể không có những dấu hiệu cực đoan rõ ràng như các năm ENSO mạnh, nhưng tính khó lường về quỹ đạo và cường độ có thể tăng lên.
Nhằm chủ động ứng phó thiên tai trước mùa mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ban hành Chỉ thị 02/CT-BNNMT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025. Bộ trưởng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn (nhất là công tác ứng phó với bão Yagi và mưa lũ sau bão); Kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng trên địa bàn; Hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt;…
Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc chủ động ứng phó thiên tai. Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội trước đó cũng đã có báo cáo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, 4 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ các tháng tiếp theo của năm 2025.
Cơ quan này đánh giá, Hà Nội tiếp tục đối diện nguy cơ thiên tai phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của BĐKH trong năm 2025. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm, UBND TP Hà Nội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến từng quận, huyện, sở, ngành.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, sự chủ động, linh hoạt và các giải pháp đồng bộ từ T.Ư đến địa phương, cùng với ý thức tự giác của mỗi người dân, là “chìa khóa” để Việt Nam có thể giảm thiểu tối đa những thiệt hại, bảo vệ thành quả phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cuộc sống an toàn, ổn định cho Nhân dân. Cuộc chiến với thiên tai là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần sẵn sàng ở mức cao nhất.
Sửa đổi luật, hoàn thiện hành lang pháp lý thích ứng với thực tế
Chính phủ vừa có Nghị quyết số 122/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết số 24-NQ/TW). Kế hoạch đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện Kết luận số 81-KL/TW.
Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Kế hoạch của Chính phủ đã đặt ra một số mục tiêu để phấn đấu thực hiện đến năm 2030. Đơn cử, Chính phủ đầu tư hạ tầng và nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo đảm 80% hộ dân vùng rủi ro có nhà an toàn; giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); tiết kiệm 7 - 10% năng lượng; nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 15 - 20%;...
Để đạt được các mục tiêu trên, đòi hỏi các giải pháp toàn diện, với trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế và chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường, huy động toàn bộ nguồn lực ứng phó với BĐKH theo hướng liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực. Đáng chú ý, Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị quyết về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, trình Ban Chấp hành T.Ư khóa XIV. Kế hoạch cũng nêu rõ các Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, bao gồm: Luật Khí tượng thủy văn, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp. Các chương trình, đề án và dự án về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp bách về môi trường và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện về ứng phó với BĐKH.
Nguồn: https://baophapluat.vn/chuan-bi-buoc-vao-mua-bao-nam-2025-nhanh-chong-hoan-thien-phap-luat-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-post548172.html
Bình luận (0)