Tại cánh đồng Bản Đông, xã Ôn Lương (Phú Lương), bà con nông dân thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Hơn 3 tháng qua, nhiều nông dân ở xã Ôn Lương (Phú Lương) lần đầu tiếp cận và áp dụng phương pháp canh tác lúa mới. Khác với thói quen giữ nước ngập ruộng suốt từ khi cấy đến lúc lúa làm đòng, nay bà con thực hiện quy trình tưới - rút nước luân phiên. Trên mỗi thửa ruộng, nông dân đều thiết kế một mương nhỏ để thuận tiện trong việc điều tiết nước khi cần.
Đây là mô hình canh tác lúa thông minh (AWD), phương pháp nhằm giảm phát thải khí metan, hướng tới xây dựng tín chỉ carbon trong nông nghiệp. Mô hình được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Công ty CP Net zero carbon triển khai từ vụ xuân năm 2025; diện tích thực hiện 12ha tại cánh đồng xóm Bản Đông, với sự tham gia của 101 hộ dân.
Bà Phan Thị Hải, xóm Bản Đông, xã Ôn Lương: Tôi có 5 sào ruộng liền nhau, đang cấy giống lúa J02 theo mô hình mới. Chúng tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn rất tận tình suốt cả quá trình. So với cách làm cũ, mô hình này giúp giảm tới 70% lượng đạm, tiết kiệm đáng kể nước tưới. Lúa cứng cây, khỏe mạnh và ít sâu bệnh thấy rõ.
Tại mỗi thửa ruộng, nông dân để mương nước theo đúng phương pháp ướt - khô xen kẽ, áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác lúa cải tiến. |
Tham gia mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất từ khâu gieo cấy, bón phân, điều tiết nước đến phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, bà con sử dụng ứng dụng NetZero Carbon để cập nhật hình ảnh, báo cáo quá trình canh tác trên nền tảng số. Mô hình còn hỗ trợ người dân sử dụng phân bón trung vi lượng giúp cân bằng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho lúa; chế phẩm sinh học hỗ trợ phân hủy rơm rạ, tận dụng làm phân bón tại chỗ, giảm phát thải khí CO, CO₂, những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính.
Chị Hoàng Thị Kim Oanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ (AWD) áp dụng tổng hợp biện pháp canh tác như: canh tác lúa cải tiến SRI, quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp IPHM, đặc biệt chú trọng vào việc tưới và rút nước xen kẽ trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển cây lúa (4 lần xiết khô dưới nước mặt ruộng 30cm, đo bằng thiết bị theo dõi mực nước). Điều này giúp bộ rễ của lúa phát triển mạnh, cây khoẻ, chống đổ, chống hạn, đáp ứng yếu tố ứng phó biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Sau thử nghiệm thành công ở Ôn Lương, chúng tôi sẽ nhân rộng tại các địa phương khác.
Nông dân xóm La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) thu hái chè trung du được canh tác theo hướng hữu cơ. |
Dự kiến kết quả đạt được của mô hình là giảm phác thải khí metan từ 30-50% so với canh tác ngập liên tục; giảm lượng phân đạm từ 10-15%, thuốc bảo vệ thực khoảng 30% và lượng nước tưới tiết kiệm tới 30%. Toàn bộ rơm rạ sau thu hoạch (ước tính khoảng 65 tấn trên diện tích 12ha) được thu gom, xử lý bằng chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh và sử dụng làm phân hữu cơ tại chỗ, thay vì đốt bỏ như trước. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất tăng từ 8-10%, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền nông nghiệp bền vững. |
Những năm gần đây, tình trạng khô hạn vào thời điểm gieo cấy, đặc biệt là vụ xuân, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp tại Thái Nguyên. Để đối phó, nông dân trong tỉnh đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp thích ứng. Một số hộ chuyển sang canh tác lúa hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học giúp cây trồng thích nghi tốt hơn với điều kiện khắc nghiệt. Đồng thời, việc lựa chọn và sử dụng các giống lúa có khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh tốt như J02, Thụy Hương 308… nhằm đảm bảo năng suất trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Tại các vùng miền núi, nông dân đã linh hoạt chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, thay thế lúa kém hiệu quả bằng các loại cây ăn quả, ngô, dưa chuột… giúp nâng cao thu nhập và sử dụng đất hiệu quả hơn. Đối với cây chè - cây trồng chủ lực của tỉnh, nhiều hộ chuyển sang canh tác theo hướng VietGAP và hữu cơ, một số hộ bảo tồn, trồng mới giống chè trung du bản địa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và thích ứng tốt hơn với điều kiện khí hậu, địa hình.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/chuyen-doi-canh-tac-cay-trong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-cb00f5f/
Bình luận (0)