Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương qua các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ vốn, khoa học- kỹ thuật và đào tạo nghề, kinh tế ở những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã chuyển mình rõ rệt.
Sự chuyển mình của nông dân Khmer trong tỉnh không chỉ làm giàu cho mình, mà còn giúp nhau cùng vươn lên, góp phần xây dựng NTM, phát triển bền vững.
Vợ chồng ông Thạch Thọ (xã Nhị Trường) thu hoạch rau muống. |
Tại xã Nhị Trường đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp đời sống người dân ngày càng nâng cao. Những mô hình trồng màu luân canh, nuôi heo, bò sinh sản được nhiều nông dân Khmer áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây, không chỉ giúp tăng thu nhập, tạo nền tảng sản xuất bền vững.
Điển hình nông dân Kim Nuộne (ấp Bông Ven, xã Nhị Trường) là một trong những nông dân Khmer mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nuộne cho biết: Từ khi chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang trồng 2 vụ màu- 1 vụ lúa kết hợp với nuôi bò kinh tế ổn định. Đặc biệt liên kết với Công ty Giống cây trồng miền Nam trồng bắp giống, đầu ra ổn định, nông dân nơi đây an tâm sản xuất. Tham gia mô hình trồng bắp giống nông dân được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trong quá trình trồng; được cung ứng thuốc, phân bón đầu vào thấp hơn thị trường và trả sau thu hoạch; đồng thời được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 200- 300 đ/kg.
Rẫy bắp của nông dân Kim Nuộne (xã Nhị Trường). |
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trồng bắp giống, vụ bắp vừa qua, sản lượng đạt 8-9 tấn, lợi nhuận đạt 80-90 triệu đồng.
Thời gian qua, các chính sách như: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần hỗ trợ vốn, đất sản xuất, đào tạo nghề cho lao động Khmer đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững. Hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và giao thương.
Nông dân Thạch Thọ (ấp Là Ca A, xã Nhị Trường) từng là hộ nghèo của xã, nay đã vươn lên trở thành hộ khá nhờ các chính sách của địa phương về vốn sản xuất và nhà ở. Ông Thọ chia sẻ: Trước đây gia đình chỉ trồng 1 vụ lúa trên diện tích 1 công đất, thu nhập bấp bênh. Sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật, ông mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi heo sinh sản.
Ông được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ban đầu 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại, con giống, sau đó được hỗ trợ thêm 50 triệu đồng làm vốn mở rộng phát triển chăn nuôi. Với 7 con heo sinh sản, bình quân hàng tháng ông xuất bán 20 con heo con, lợi nhuận từ 500.000- 700.000 đ/con tùy theo thời điểm và giá thị trường gia đình ông thu lợi nhuận 120 triệu đồng.
Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình
Tại xã Tân An, mô hình trồng chanh không hạt trên đất lúa đã mở ra hướng làm ăn bền vững cho nông dân trong xã nói chung, nông dân Khmer nói riêng. Mô hình đang được nhân rộng, giúp nông dân chủ động nguồn giống, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận gấp 10 lần so với trồng lúa.
Nông dân Kim Hoài Phương (ấp Giồng Bèn, xã Tân An) cho biết: Từ khi chuyển từ trồng lúa độc canh sang mô hình trồng chanh không hạt, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Mô hình trồng chanh không hạt chủ yếu vốn đầu tư ban đầu cao, nhất là lên liếp xây dựng bờ bao, cây giống,… thời gian chăm sóc từ 18-20 tháng bắt đầu thu hoạch. Chi phí ban đầu của gia đình đầu tư vào mô hình trồng chanh khoảng 300 triệu đồng, hiện chanh cho thu hoạch và đã thu hồi vốn.
Nông dân Kim Hoài Phương (xã Tân An) cắt tỉa, tạo tán cành chanh không hạt. |
Giai đoạn chanh cho trái năm thứ 2 sản lượng cao gấp đôi so với năm đầu. Với 1,2ha đất trồng chanh không hạt hiện đang cho thu hoạch bình quân 15 tấn/tháng, giá bán 15.000 đ/kg, lợi nhuận 15-20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông tận dụng đất trống quanh bờ bao vườn chanh trồng gần 0,5ha dừa cho thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, ông phát triển đàn bò sinh sản 4 con, vừa tận dụng phân chuồng phục vụ trồng trọt vừa tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, xã tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị bằng những mô hình kinh tế phù hợp với những cây màu có giá trị kinh tế cao,…
Đặc biệt triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, giúp nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng chanh không hạt bao tiêu sản phẩm...
Ngoài ra, xã vận động nông dân Khmer tham gia thành viên HTX nhằm thuận lợi liên kết sản xuất mô hình chanh không hạt, tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Trên địa bàn xã có khoảng 11% đồng bào Khmer tập trung 2 ấp: Lưu Tư, ấp Sóc. Trong năm 2025, xã hỗ trợ vốn các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào Khmer thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt và nuôi bò sinh sản với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng bước đầu tạo việc làm, tạo sinh kế cho đồng bào Khmer tự lực vươn lên phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202507/chuyen-doi-san-xuat-tao-suc-bat-cho-dong-bao-khmer-vuon-len-8081aa2/
Bình luận (0)