Phụ nữ Vân Kiều xã Tà Long, huyện Đakrông livestream giới thiệu sản phẩm gạo nếp tím than đặc sản Tà Long - Ảnh: T.C.L
Từng được xem là vùng “trũng” công nghệ, nhưng những năm trở lại đây, điện thoại thông minh xâm nhập khá nhanh vào những nếp nhà sàn của đồng bào DTTS. Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN xã A Bung, huyện Đakrông Hồ Thị Nghim, nhờ công tác tuyên truyền, vận động, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đồng thời sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội tác động tích cực vào suy nghĩ, lối sống của người dân. Càng tham gia vào các hoạt động tập thể, chị em dần nhận thức được rằng chính mình cũng cần phải hội nhập, tiến bộ hơn, tự tin, tự lập, chủ động về kinh tế hơn. Vì thế, bản thân họ cần được trang bị điện thoại thông minh để kết nối với những sự thay đổi liên tục của xã hội.
Từ năm 2022, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai rộng rãi ở vùng đồng bào DTTS, với các nội dung nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững. Trong đó, tiêu chí chuyển đổi số (CĐS), trọng tâm là ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc phát triển các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm chủ, đồng làm chủ được xem là công cụ quan trọng để rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao quyền năng kinh tế và tiếp cận thông tin cho phụ nữ.
Tại các huyện miền núi, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, kỹ năng ứng dụng các phần mềm xây dựng video, clip tuyên truyền BĐG cho 110 cán bộ hội; 3 lớp tập huấn kỹ năng thiết kế và xây dựng bản tin truyền thông BĐG trên nền tảng số cho 135 cán bộ làm công tác BĐG các xã Dự án 8. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (cũ) tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho 60 phụ nữ DTTS ở Bản Chùa, huyện Cam Lộ.
Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội LHPN các huyện tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ cho hội viên: tổ chức 3 hội nghị tập huấn, tham vấn hướng dẫn về hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho huyện, xã về xây dựng tổ, nhóm sinh kế có 145 người tham gia. Hội LHPN các huyện tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS cho các cán bộ hội LHPN huyện, xã; tổ trưởng, tổ phó các HTX, THT do phụ nữ làm chủ; tổ chức tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tiếp cận thị trường, bán hàng qua mạng cho cán bộ hội và thành viên THT... Nhiều phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều lần đầu tiên được học để dùng các công cụ thiết kế hình ảnh, sáng tạo nội dung, quảng bá thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Chị em thích thú thực hành và đã thành thạo trong việc sử dụng các ứng dụng như: Capcut, Chat GPT, thuần thục tạo nội dung số trên TikTok, Facebook, Zalo,...
Cũng nhờ người dân biết ứng dụng công nghệ số mà các hoạt động của Dự án 8 triển khai có hiệu quả và tạo được tính lan tỏa cao hơn. Không tham gia bị động, nhiều người dân trong vùng dự án đã biết cách đăng bài, phát trực tiếp các hoạt động mà họ tham gia nên các sự kiện ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, thúc đẩy công tác tuyên truyền tại địa phương. Nhiều chị em DTTS trước đây chỉ biết đi rẫy, làm vườn, giờ biết đăng tin bán chuối, học nấu ăn trên mạng, livestream để đưa những sản phẩm bản địa ra thị trường. Xa hơn nữa, họ đưa du lịch cộng đồng tại thôn, bản mình có tên trên “bản đồ” du lịch của tỉnh.
“Mỗi bản có người giỏi quay, người giỏi nói, người biết chỉnh video bằng app. Họ tự chọn đề tài, tự kể chuyện mình, đó chính là sự làm chủ. CĐS với phụ nữ dân tộc không cần quá phức tạp, miễn là phù hợp, dễ tiếp cận”, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long, huyện Đakrông Hồ Thị Thương chia sẻ.
Dù có những tín hiệu tích cực, việc thúc đẩy CĐS gắn với BĐG ở vùng cao vẫn đối mặt nhiều rào cản. Các hoạt động ứng dụng KHCN còn gặp khó khăn, do ít mô hình đáp ứng điều kiện hỗ trợ, công tác triển khai phải phối hợp với nhiều đơn vị ngành.
Trình độ nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, chị em quen với tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún nên việc đưa công nghệ số vào sản xuất còn nhiều cản trở. Nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình hạn hẹp nên chỉ tiêu hỗ trợ tổ, nhóm sinh kế, THT, HTX ứng dụng KHCN khó đạt được. Việc thiếu nhân lực hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cũng là một trong những khó khăn cho công tác đào tạo. Các lớp tập huấn chủ yếu ngắn hạn, chưa có cơ chế hỗ trợ dài hơi, học viên thực hành chưa đáp ứng được hiệu quả đề ra...
Dù còn nhiều thách thức, nhưng kinh nghiệm từ triển khai Dự án 8 cho thấy, CĐS cần xuất phát từ nhu cầu của phụ nữ: phụ nữ không chỉ cần công nghệ để phục vụ nhu cầu giải trí mà còn học cho những mục đích thiết thực như: cách nuôi con khỏe đến bán nông sản online. Cần đầu tư và nhân rộng các hạt nhân cộng đồng là phụ nữ trong các tổ, nhóm truyền thông như mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật tự quản. Ưu tiên truyền thông đa phương tiện bằng tiếng dân tộc: clip, infographics, video ngắn bằng song ngữ Việt - Pa Kô, Vân Kiều... là hướng đi thiết thực. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các nguồn lực khác để có thêm sự hỗ trợ cho công tác đào tạo kỹ năng số, tạo được những chuyển biến dài hơi trong việc ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn đời sống người dân.
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian khó. Nhưng từ ánh mắt lấp lánh của những phụ nữ DTTS khi livestream bán hàng, từ niềm vui của các em gái khi biết sử dụng điện thoại để thiết kế video tham dự cuộc thi... có thể tin rằng, BĐG vùng cao sẽ không đứng ngoài làn sóng CĐS nếu có sự vào cuộc đúng đắn, bền bỉ và đầy nhân văn của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, các chương trình, dự án và cả cộng đồng.
Trần Cát Linh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chuyen-doi-so-thuc-day-binh-dang-gioi-o-vung-cao-193501.htm
Bình luận (0)