Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyên gia: Còn dư địa để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5%

Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP 8,3-8,5% đến cuối năm 2025 tuy khó nhưng Việt Nam vẫn còn dư địa để đạt được.

VTC NewsVTC News26/07/2025

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3-8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên. Thủ tướng nhận định: Đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải bất khả thi.

Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3-8,5%. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3-8,5%. (Ảnh minh họa)

Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cũng cho rằng mục tiêu này tuy cao nhưng vẫn có những nền tảng nhất định để kỳ vọng đạt được.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đã vượt 7,5%, tiến sát mốc 8%. Theo chu kỳ, nửa cuối năm sẽ là thời gian tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn.

Thứ hai, đầu tư công đạt hơn 268.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng mạnh so với cùng kỳ cả về số tuyệt đối và tỷ lệ, cho thấy chuyển biến rõ rệt trong thực thi. Đầu tư công đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều lĩnh vực vẫn gặp khó. Nhiều dự án trọng điểm như cao tốc, sân bay, và vành đai hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, thậm chí về đích sớm.

Tuy vậy, giải ngân đầu tư công hiện mới chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra. Trong khi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8%, Thủ tướng đã yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công một cách hiệu quả.

Dẫn số liệu của Cục Thống kê, ông Thành cho biết cứ mỗi 1% vốn đầu tư công được giải ngân sẽ giúp GDP tăng thêm khoảng 0,06 điểm %.

“Đặc biệt, các dự án được triển khai tốt không chỉ mang lại hiệu quả trực tiếp mà còn tạo sức lan tỏa lớn đối với toàn nền kinh tế từ việc củng cố niềm tin của khu vực tư nhân, thu hút FDI đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam”, ông Thành nêu rõ.

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá tăng trưởng của Việt Nam đang tích cực, mặc dù giai đoạn vừa qua có khó khăn. “Từ nay đến cuối năm, chúng ta vẫn có những cơ hội tăng trưởng kinh tế, trong đó nổi bật là kinh tế số. Năm 2024, kinh tế số tăng trưởng 20%. Vì thế việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực này là đáng để kỳ vọng”, TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Ông Phong cũng đồng tình cho rằng căn cứ thứ hai của khả năng tăng trưởng chính là đầu tư công đang tích cực. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm cần thúc đẩy nhanh hơn nữa để đạt tăng trưởng như kỳ vọng.

Ông Phong phân tích thêm cần tăng tốc tín dụng cho khu vực tư nhân để khu vực này phát triển. Bên cạnh đó phải tiếp tục khơi thông các hiệp định FTA và lấy mức cạnh tranh thuế để làm động lực.

“Một dư địa đáng chú ý nữa đó là các địa phương vừa sáp nhập, với diện tích rộng lớn sẽ có tiềm năng phát triển tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế chung của cả nước”, TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ.

Cách nào để biến tiềm năng thành hiện thực?

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, tin tưởng từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy thị trường trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có giải pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng trong nước bằng việc tăng thu nhập khả dụng của người dân.

Ngoài ra, một nguồn lực quan trọng nữa sẽ góp phần tích cực cho tăng trưởng GDP đó là đầu tư tư nhân. “Khi đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 thì có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5%. Vì thế phải tháo gỡ được những dự án đang gặp khó để kích thích lĩnh vực này phát triển", ông Bình nói.

Nhiều cơ sở để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% trong năm 2025. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Nhiều cơ sở để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% trong năm 2025. (Ảnh: Báo Chính phủ).

TS Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm nay, Việt Nam cần đồng bộ triển khai bốn trụ cột chính là: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và ổn định vĩ mô.

Trước hết, trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều bất định và xu hướng bảo hộ gia tăng, xuất khẩu hàng hóa cần tiếp tục được duy trì đà tăng trưởng, với mức tăng tối thiểu 10%. Đồng thời, xuất khẩu dịch vụ cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhằm giảm mức thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ - điểm yếu lâu nay của nền kinh tế.

Về đầu tư, ngoài mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, cần đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng dự án, từ đó nâng hiệu quả khai thác.

Về tiêu dùng, ông đề xuất Chính phủ cần có một đề án riêng về kích cầu tiêu dùng nội địa. Trước mắt, có thể triển khai một số biện pháp cụ thể như đẩy nhanh thanh toán các khoản trợ cấp cho cán bộ nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công tác, nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước.

“Những biện pháp này không chỉ giúp cải thiện tổng cầu mà còn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn xuất khẩu nhiều khó khăn”, ông Phong nêu rõ.

Bên cạnh các giải pháp trực tiếp về cầu cung, ông Phong cũng lưu ý đến yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong ngưỡng 4–4,5%.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng. Trong đó, việc sửa đổi hàng loạt luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Khoa học và Công nghệ… đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc, cao tốc Bắc - Nam, sân bay, cầu cảng...

“Nếu đảm bảo được tiến độ và chất lượng, khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành một trụ cột mới của tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn”, ông Phong kỳ vọng.

PHẠM DUY

Nguồn: https://vtcnews.vn/chuyen-gia-con-du-dia-de-viet-nam-dat-muc-tieu-tang-truong-8-5-ar955530.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm