ẢNH: FBNV
Chiếc thuyền hoàn toàn không có đinh bằng kim loại, các mối nối đều bằng gỗ. Ông đánh giá thế nào về điều này, từ góc độ kỹ thuật đóng tàu?
Ông Đỗ Thái Bình: Về niên đại thuyền, ta đang chờ kết quả C14 (một phương pháp dùng đồng vị carbon để xác định niên đại - NV). Nhưng từ công nghệ dân tộc học về đóng tàu thì có nhiều chuyện hay.
Ta tưởng tượng các cụ ngày xưa vào rừng thấy cái cây có đường kính trên 1 m, có thể 1,2 - 1,5 m, cao hơn 10 m thì đốn xuống rồi dùng rìu và lửa đốt. Lúc đó kim loại chưa phát triển lắm nên chủ yếu dùng rìu đẽo lòng thân rồi thành độc mộc. Thường độc mộc sau đó người ta be ván lên, thường vào khoảng 2 - 3 dải ván mỗi mạn thuyền là nhiều. Như thế là nhiều rồi vì ván này nó dày lắm. Họ cũng dùng lửa để thui tạo lòng thuyền, cũng dùng để làm ván mềm đi rồi uốn theo ý mình.
Thuyền cổ ở Bắc Ninh có thể thấy là thuộc về truyền thống đóng thuyền của Đông Nam Á. Ở Việt Nam, có 2 truyền thống đóng thuyền. Truyền thống đóng thuyền phương Bắc, chịu ảnh hưởng Trung Quốc, thì có dùng đinh để đóng. Miền Bắc Việt Nam phần lớn dùng đinh cả. Còn truyền thống nữa là Đông Nam Á, ảnh hưởng phía nam, từ Indonesia, Philippines... đục mộng và chốt. Đó là đặc điểm công nghệ đóng thuyền phương Nam.
Bản thân các nhà khảo cổ cũng ngạc nhiên vì kích thước của chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh. Là người nghiên cứu kỹ thuật đóng tàu thuyền, ông đánh giá gì về độ lớn này?
Thuyền độc mộc trước giờ, từ độc mộc be lên chỉ 2 - 3 dải ván thôi, nhưng thuyền cổ ở Bắc Ninh be lên tới 8 dải ván mỗi mạn thuyền. Cho nên điều đó tạo nên độ sâu của thuyền. Từ đáy lên đã ngập đầu người, lên tới 1,8 m. Nếu nói là một thân thuyền thì đã là một độc mộc khổng lồ, be lên đến 8 dải ván. Điều đó là rất kinh khủng về kích cỡ.
Lòng thuyền cổ Bắc Ninh rất sâu
ẢNH: MINH NHÂM
Khi be lên như thế, thì chúng ta để ý ở mũi thuyền và đuôi, cục gia cường (có 4 cái u lên như
4 cái chén), đấy là cái tôi cho rằng đặc biệt. Với thuyền cổ, không có khái niệm dùng sống tàu như tàu hiện đại, thì họ dùng ván bửng để liên kết các ván mạn trái và mạn phải. Ở thuyền cổ Bắc Ninh, ván bửng sẽ liên kết 8 dải ván mạn trái và 8 dải ván mạn phải, đồng thời ván đó cũng liên kết với cái đáy là cái độc mộc. Các chốt sẽ xuyên thẳng xuống phần thuyền độc mộc. Cái khối đó (ván bửng với 4 chốt lớn) rất lớn. Cái này là một chi tiết độc đáo. Tôi xem rất nhiều thuyền độc mộc cổ chưa thấy khối nào lớn như thế.
Công chúng hiện khá tò mò về thuyền cổ Bắc Ninh, họ càng quan tâm khi các nhà khảo cổ cho rằng đó là một thuyền song thân hay thuyền hai đáy. Thực sự ai cũng muốn biết trông thuyền đó ra sao?
Khối ván bửng và 4 chốt của thuyền cổ Bắc Ninh được ông Bình đánh giá rất cao về độ hiếm có
ẢNH: ĐỖ THÁI BÌNH
Hiện nay Việt Nam đã đóng hàng chục thuyền hai thân rồi. Còn cái thuyền ở Bắc Ninh đó làm được việc gì, công năng của nó thì còn phải xem xét. Vì với góc nhìn đóng tàu thì hai thân đó chỉ như là hai cái phao, tức là để nó tạo sức nổi thôi, chứ không phải là khoang chứa hàng hay chỗ cho người ngồi chèo. Tức là nó chả có cái gì cả. Qua khảo cứu thì khoang để hàng nó cũng không thích hợp. Thế thì phần phía trên, phần thượng tầng của nó ra sao còn phải nghiên cứu.
PGS-TS Tống Trung Tín tại hội nghị đầu bờ có nói là có thể nó là cái thuyền đưa các vua quan đi chơi, hay nó cũng có thể là một bến nổi. Giả thuyết đó chúng tôi sẽ cho anh em trẻ vẽ dự kiến phần trên ra sao. Hai thân này phải có liên kết với nhau, nhưng hiện nay ở hai thân thuyền này chưa thấy dấu vết thanh nối. Trong khi phải có liên kết nào đó, vì nếu chỉ liên kết ở mũi (đã tìm thấy) thì nó sẽ bị bẻ ngay. Còn cái lái cũng là cả vấn đề.
Chúng ta vẫn nghe câu chuyện về bến sông Dâu, với tàu bè nước ngoài có qua lại. Vậy từ góc độ kỹ thuật, thuyền cổ ở Bắc Ninh có dấu hiệu gì cho thấy nó là thuyền nội địa hay thuyền nước ngoài hay không, thưa ông?
Nước ngoài hay không thì cũng khó nói. Một chuyên gia tàu nước ngoài nói với tôi, ông Bình ơi đây là thuyền đi sông nội địa rồi, tức là độc mộc làm tại chỗ. Nhưng thuyền này cũng có thể từ Champa lên. Chỉ có thể khẳng định đây là một thuyền mang yếu tố Đông Nam Á, chỉ có ảnh hưởng phía nam, không có yếu tố Trung Quốc, không có ảnh hưởng gì phía bắc. Đây là con thuyền mang dấu ấn văn hóa của Đông Nam Á, với Philippines, Indonesia, Champa và miền Trung Việt Nam.
Hai thân thuyền cổ ở Bắc Ninh
ẢNH: PHẠM TRIỆU
Trên thuyền cổ ở Bắc Ninh khảo cổ học không tìm được mấy hiện vật. Nhưng với kích cỡ siêu khủng, kỹ thuật siêu việt như vậy, liệu có thể có lý do cho rằng đây là con thuyền có yếu tố hoàng gia hay không, thưa ông?
Chưa có gì để khẳng định đó là con thuyền có yếu tố hoàng gia. Vì như tôi đã nói ở trên thì nó mới chỉ là cái phao thôi mà. Còn để khẳng định là thuyền của vua đi chơi nó lại phụ thuộc vào phần thượng tầng phía trên đang chưa thấy. Phần thượng tầng đó thường làm bằng vật liệu theo kiểu chúng ta nói bây giờ là "rẻ tiền mau hỏng" hơn so với phần độc mộc. Thế thì nó sẽ bị tiêu tan theo thời gian. Còn phần phao làm bằng gỗ rất dày thì nó còn như vậy.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-gia-nghien-cuu-tau-co-thuyen-co-o-bac-ninh-thuc-ra-la-hai-cai-phao-185250331232009019.htm
Bình luận (0)