Đến thăm nhà vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Tấn Phước (72 tuổi), ở tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi ấn tượng với bức ảnh chân dung của ông bà ngày còn trẻ, chụp năm 1972. Ông Phước nhớ lại, tấm hình này được chụp năm tôi 19 tuổi, khi ấy tôi đã tham gia cách mạng hơn 1 năm. Với truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1971, tôi xung phong tham gia đội du kích địa phương ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Hơn 1 năm sau, tôi được bố trí công tác ở ban an ninh huyện, đến năm 1973 thì nhận nhiệm vụ ở Công an tỉnh.
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Tấn Phước và Nguyễn Thị Thân, ở tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) xem lại hình chân dung chụp năm 1972. |
Tiếp lời của chồng, bà Nguyễn Thị Thân (69 tuổi), quê ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) kể, tấm hình chân dung này của tôi cũng được chụp vào năm 1972. Khi ấy tôi mới 16 tuổi, đang làm nhiệm vụ giao liên ở huyện Sơn Hà. Cả gia đình tôi ai cũng tham gia kháng chiến nên năm 14 tuổi, tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Đến năm 1972, tôi được phân công làm công tác giao liên, dẫn đường ở các huyện miền núi như Sơn Hà, Ba Tơ. Những năm tháng ấy, tôi gần như không về thăm nhà, chủ yếu ở các trạm giao liên để làm nhiệm vụ.
Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, đối mặt với nhiều hiểm nguy, cả ông Phước và bà Thân đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kể về cuộc gặp gỡ định mệnh của hai người cách đây 51 năm, vợ chồng ông Phước vẫn còn xúc động. “Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1974. Lúc đó, tôi đang làm nhiệm vụ dẫn tù binh, còn bà ấy thì đang đi đưa thư. Trong lúc nghỉ chân cùng đồng đội ở vùng núi xã Ba Điền (Ba Tơ), tôi vô tình gặp bà ấy cũng đang dừng chân tại đây. Chúng tôi chào hỏi nhau chừng đôi ba phút rồi lại tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Thế nhưng, ấn tượng trong lần gặp đầu tiên khiến tôi và bà ấy không sao quên được. Bà ấy rất dễ thương, nhanh nhẹn và cũng đầy bản lĩnh”, ông Phước nói.
Sau lần gặp đầu tiên ấy, chỉ vài tuần sau, ông Phước và bà Thân lại vô tình gặp nhau trên đường đi công tác. Khi ấy, ông Phước có hẹn một ngày gần nhất sẽ đến trạm giao liên nơi bà Thân công tác để thăm bà. “Đúng như lời hứa, vào những ngày cuối năm 1974, ông ấy đi cùng một người bạn lên thăm tôi. Và chúng tôi có hẹn ước chờ ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất sẽ tính chuyện trăm năm, nên nghĩa vợ chồng”, bà Thân bộc bạch.
Sau ngày giải phóng, vì còn trẻ nên ông Phước, bà Thân gác lại chuyện riêng để tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Vì cách xa nhau nên cả hai chỉ gửi gắm tình cảm qua những lá thư. Đến tháng 3/1979, ông Phước được điều động làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, còn bà Thân thì công tác ở Bưu điện huyện Sơn Tịnh. Đến năm 1980, trong một lần nghỉ phép về nước, ông Phước và bà Thân tổ chức đám cưới sau hơn 6 năm yêu và chờ đợi nhau.
Cũng là đồng chí, đồng đội của nhau trong kháng chiến, hơn nửa thế kỷ trôi qua, chuyện tình của vợ chồng cựu chiến binh Phạm Minh Thu (73 tuổi) và Nguyễn Thị Mẫu (72 tuổi), ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) không chỉ là kỷ niệm đẹp của một thời hoa lửa, mà còn là minh chứng sống động cho một thế hệ sống hết mình vì lý tưởng cách mạng và biết hy sinh vì nhau, vì đất nước. Ông Thu và bà Mẫu gặp nhau lần đầu tiên trong một lần đi công tác qua xã Tịnh Minh vào năm 1973. Khi ấy, ông là bộ đội thuộc Đại đội 284 của huyện Sơn Tịnh, còn bà làm công tác binh vận ở huyện Sơn Tịnh. Tình yêu của họ chớm nở trong những lần gặp vội trên đường công tác, và cứ thế, tình yêu lớn dần qua những bức thư tay gửi gắm bao lời yêu thương.
Hơn nửa thế kỷ qua, vợ chồng cựu chiến binh Phạm Minh Thu và Nguyễn Thị Mẫu, ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) luôn hạnh phúc bên nhau. |
Trong lúc đất nước còn chiến tranh, không biết đến khi nào hòa bình, thương hoàn cảnh của 2 người nên gia đình ông Thu và đơn vị công tác của bà Mẫu đã thống nhất tổ chức đám cưới để ông Thu, bà Mẫu nên nghĩa vợ chồng. “Ba tôi là liệt sĩ, hy sinh năm 1971, mẹ tôi thì bị bệnh mất từ năm 1961, ba em trai của tôi cũng đều mất lúc còn nhỏ. Thời điểm tôi tham gia hoạt động cách mạng và quen ông ấy, tôi không còn người thân, chỉ một thân một mình. Còn ông Thu là con trai lớn trong gia đình nên chúng tôi được người thân, cơ quan, đơn vị ủng hộ kết hôn”, bà Mẫu nhớ lại.
Đám cưới của vợ chồng ông Thu được tổ chức đơn sơ và vội vã vào rạng sáng 26/11/1974, chỉ vỏn vẹn khoảng vài tiếng đồng hồ. Đến gần 9 giờ sáng hôm ấy, nhận tin trinh sát báo cáo tình hình khẩn cấp, ông Thu lại quay về vị trí chiến đấu của đại đội. Trong khói lửa chiến tranh, họ tiếp tục động viên, đợi chờ nhau để cùng vượt lên muôn vàn khó khăn, tham gia chiến đấu vì độc lập của dân tộc.
Kết hôn năm 1980, nhưng ông Nguyễn Tấn Phước làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia đến năm 1986 mới trở về. Hơn 6 năm làm nghĩa vụ quốc tế, ông Phước chỉ về phép được 2 lần nên bà Nguyễn Thị Thân ở quê nhà vừa nỗ lực làm việc, vừa chăm sóc 2 con gái nhỏ. Còn bà Nguyễn Thị Mẫu thay chồng nuôi dạy 5 người con, khi chồng công tác ở Huyện đội thì một tay bà vun vén, chăm lo gia đình. “Mang khí chất của người lính Cụ Hồ nên những người như vợ tôi, không chỉ gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến, mà còn kiên cường, chịu thương chịu khó, hy sinh vì chồng con, chăm lo gia đình trong cả thời bình. Vì tính chất công việc, tôi không thể ở gần bên vợ con chăm sóc, kề cận sớm chiều nên nhờ sự thấu hiểu, vun vén của vợ mà các con mới trưởng thành, khôn lớn như hôm nay”, ông Phước xúc động nói.
Các con trưởng thành, đều có cuộc sống riêng ổn định, còn vợ chồng ông Phước, ông Thu vẫn bên nhau sớm tối. Họ không chỉ sống hạnh phúc, gương mẫu để con cháu noi theo, mà còn là những đảng viên đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Hơn nửa thế kỷ đi qua, họ vẫn bên nhau giản dị và bền chặt. Không chỉ cùng nhau đi qua chiến tranh, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, mà họ cùng nhau vun vén hạnh phúc trong thời bình, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: HIỀN THU
Nguồn: https://baoquangngai.vn/xa-hoi/doi-song/202504/chuyen-tinh-nguoi-linh-74f086b/
Bình luận (0)