Trong bài ký “Ngày ấy tuổi 15”, nhà thơ Hải Bằng kể rằng: “Cách mạng tháng Tám thành công, tôi cầm mác Lào theo đoàn tự vệ đến sân Cột cờ trước Ngọ Môn cùng với đồng bào thành phố chứng kiến giờ vua Bảo Đại thoái vị. Vì mang dòng Hoàng tộc nên trong giờ phút ấy làm sao tôi tránh khỏi xúc động khi nghe ông Vĩnh Thụy phát biểu: “Trẫm thà làm dân nước độc lập còn hơn làm vua của nước nô lệ”. Thời gian ấy lòng dân thành phố Huế hừng hực như lửa cháy. Tôi nghỉ học hăm hở theo bạn bè tòng quân nhập ngũ vào đoàn quân giải phóng. Trên sân trường Đồng Khánh, tôi hồi hộp đợi ban tuyển binh gọi tên mình”… Đó là thời khắc mà chàng thanh niên 15 tuổi Vĩnh Tôn (Hải Bằng) giã từ Huế để nhập ngũ vào Vệ quốc đoàn vào tháng 8/1945. Từ đó, trải qua 30 năm cùng hai cuộc kháng chiến, nhà thơ chưa một lần được quay về cố hương.

 

Giữa mùa hè 1952, nhà thơ và họa sĩ Trần Quốc Tiến chuẩn bị rời chiến khu Ba Lòng về Trung đoàn 95 theo mùa chiến dịch. Trong thời gian chờ đợi hành quân, nhà thơ sáng tác bài thơ “Trăm năm rừng cũ” (Trần Quốc Tiến cũng sáng tác một bài cùng chung nhan đề này). Rồi cả hai bỏ thơ vào chiếc hũ, đem chôn ở bờ sông trước lúc chia tay vùng chiến khu với biết bao kỷ niệm. Trong bài thơ “Trăm năm rừng cũ”, nhà thơ Hải Bằng viết:

Chiều hôm nay ta tròn hai mươi tuổi

Xa quê hương, lên lãng mạn với rừng

Súng chuyền tay gác tháng năm chờ đợi

Trên đỉnh đèo, ta bước giữa không trung.

Theo kháng chiến, thời gian cứ vần vũ trôi qua. 10 năm, 20 năm, 30 năm… ngày Huế giải phóng đến gần là thời khắc vỡ òa của hy vọng để quay về cố hương cứ vậy mà rưng rưng cùng câu chữ.

Bài thơ “Tuổi Huế trong ta” mở đầu bằng không gian, thời gian ước lệ mà cụ thể của mùa sen ngày hạ Huế “mùa sây những đóa sen”, của “sắc quê phơi phới trên cành phượng”, nối tiếp bằng những hình ảnh của nỗi mong chờ xốn xang:

Nhức nhối từng trang lịch tháng ngày

Bao năm chờ đợi phút cầm tay.

Nỗi đợi, nỗi chờ ấy như được dịu vơi, dấy lên từ hiện thực của ngày Huế giải phóng đến gần, dấy lên từ hình dung trong tâm cảm: “Tin vui bỗng đến, đến gần thêm/ Mình tưởng mình vô trước bóng thềm/ Thiên Mụ tiếng chuông chùa gọi đất/ Muốn cười… muốn khóc… muốn reo lên!”. Cảm xúc đó vỡ òa trong không gian, thời gian của hiện thực của nỗi nhớ, khát bỏng mong ngày đoàn viên.

Từng góc phố, ngõ nhỏ hòa theo lòng người để đón mừng Huế giải phóng, tâm hồn phơi phới, tâm trạng náo nức cứ vậy mà hòa cùng niềm vui của con người, nhất là khi tác giả đã biệt quê hương suốt 30 năm, nay sẽ là dịp trở về đoàn tụ. Thời khắc đó thật là náo nức, nhưng ngay thời điểm viết bài thơ (tại miền Bắc, ngày 25/3/1975), sự trở về ngay lúc này cũng chỉ là mường tượng, hình dung xốn xang từ câu chữ mà thôi.

Từng thế hệ lên đường để đất nước vẹn toàn thống nhất, đó là sự hiến dâng với niềm tin và khát vọng cháy bỏng. Ngày trở về cố hương, ai cũng đã qua phân nửa đời người, nhưng niềm tin ấy vẫn mãi ngời lên cùng hy vọng:

Nắng sẽ mọc về bên xứ thơ

Cuối đông còn lạnh, cánh mai chờ

Ngày xuân dẫu bạc trên đầu tóc

Đã có mùa xuân giữa lá cờ.

Kể từ lúc ra đi từ mùa xuân Độc lập (1945) rồi trở về cùng mùa xuân Thống nhất (1975) tuy có thể đếm được thời gian, nhưng lại không đo được chiều dài của nỗi đợi chờ ngày thống nhất của con người. Ra đi khi tóc còn xanh, trở về khi đã điểm bạc, dẫu vậy, con người thi sĩ vẫn lạc quan và tin yêu vì “đã có mùa xuân giữa lá cờ”, mùa xuân của thống nhất…

Vậy nên, “Tuổi Huế trong ta” sẽ không còn là thời gian vật lý có thể đo đếm, mà đó chính là cái tuổi phi thời gian của giá trị lịch sử làm nên mùa xuân giải phóng. 50 năm đọc lại bài thơ ghi dấu thời khắc giải phóng Huế, lòng bùi ngùi xúc động cùng tác giả như đâu đây ký ức ùa về cùng năm tháng…

Phương Hải

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/da-co-mua-xuan-giua-la-co-153132.html