Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Cách mạng Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Chiến thắng tất yếu của xu thế thống nhất

Ý chí độc lập, tự do, thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam đã có mạch nguồn từ lịch sử. Dù cho có một vài giai đoạn đất nước tạm thời bị phân ly, chia cắt do âm mưu tranh giành quyền lực của các trung tâm chính trị khác nhau, song xu thế thống nhất vẫn chi phối dòng chảy lịch sử của dân tộc. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” (Hồ Chí Minh). Cho đến những tháng đầu năm 1975, mọi cố gắng tuyệt vọng cuối cùng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn dù có cản trở vẫn không đảo ngược được dòng chảy đó.

Ông Henry Kissinger - người đã có nhiều ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ về Việt Nam trong thời gian dài, ở một bản ghi nhớ gửi Tổng thống Gerald R. Ford được tác giả Larry Berman công bố đã thừa nhận: “Về phương diện chiến thuật quân sự, chúng ta không thể không kết luận rằng quân đội của chúng ta không thích hợp với loại chiến tranh này. Ngay cả lực lượng đặc biệt được huấn luyện để làm việc này cũng không thể đánh thắng được… Cuối cùng, chúng ta lại phải thương thuyết với chính chúng ta, liên tục hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, trong khi Bắc Việt không thay đổi một chút nào mục tiêu ngoại giao của họ và thay đổi rất ít trong lập trường ngoại giao của họ” [1].

Sự sụp đổ của Sài Gòn tháng 4/1975, trước hết là do sự suy yếu về mọi mặt của chính quyền Thiệu. Sự suy yếu này trầm trọng thêm, được thúc đẩy bởi những tính toán và quyết định sai lầm về sách lược chính trị, chiến thuật quân sự của Thiệu và bộ tham mưu của ông ta. Merle L. Pribbenow - chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về Việt Nam của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), có 5 năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tính đến ngày 29/4/1975, trong bài nghiên cứu (nguyên tác: North Vietnam’s Final Offensive: Strategic Endgame Nonpareil) trên tạp chí Parameters, số mùa đông 1999-2000, trang 58-71) thêm một nhận xét: “Đòn tiêu diệt mạnh nhất của toàn bộ chiến dịch tổng tiến công thực ra chính là đòn tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất ngờ của họ (lực lượng cách mạng - N.V.A) đã nện vào Tổng Tư lệnh Việt Nam Cộng hòa”. Cho đến 11h30 ngày 30/4/1975, ý chí quyết tâm chiến đấu hy sinh để thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn chiến thắng.

 Ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi bức điện số 157-HĐKTK lệnh cho các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”

Hướng tới tương lai phát triển

Vượt qua những thử thách khốc liệt, mốc lịch sử 30/4/1975 đánh dấu khúc khải hoàn kết thúc thắng lợi của ý chí độc lập, tự do, tinh thần dân tộc thống nhất không thể chia cắt của Nhân dân Việt Nam. Đó là dấu khép lại của một thời khói lửa chiến tranh và cũng là dấu mốc mở ra một thời đại mới của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã đi qua, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đã trở thành hiện thực. Nhân dân Việt Nam có những điều kiện tiên quyết để xây dựng một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như lời Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công cuộc đổi mới thành công là kết quả vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn từ chiến tranh để lại. Một lần nữa Việt Nam lại chiến thắng. Từ “nền kinh tế thời chiến”, Việt Nam đã từng bước chuyển đổi và phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường cùng với thời đại. Những nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống con người đã và đang được đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp tương thích với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, những chương trình xã hội lớn đang được xúc tiến... Nhìn lại chặng đường chiến tranh khốc liệt, chúng ta càng trân trọng giá trị cao quý của hòa bình. Trên chặng đường mới “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, chúng ta đã và đang nỗ lực làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người và những tiềm năng hợp tác với Việt Nam. Vị thế quốc gia trong vai trò là nhân tố tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới ngày càng được đánh giá cao.

Sau 5 thập niên từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, quan hệ Việt - Mỹ đã sang một trang mới. Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, xác lập quan hệ đối tác toàn diện ngày 25/7/2013. Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã được ký, các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, văn hóa, khoa học, giáo dục... đang phát triển. Ngày 10/9/2023, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Cả hai nước và cộng đồng quốc tế đều có lợi vì những điều đó.

Thắng lợi mang tầm vóc thời đại của Kỷ nguyên độc lập, tự do do Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên phong mở ra từ năm 1945 và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Kỷ nguyên đổi mới và phát triển được khởi đầu từ năm 1986 đã tạo ra tiền đề vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc hội tụ thực lực nội sinh của dân tộc kết hợp với ngoại lực do thời cơ mang lại với ý chí mạnh mẽ, với tinh thần nỗ lực, với tâm thế tự tin thực hiện khát vọng.

Cũng từ năm 2025, Huế xác lập vị thế mới là thành phố trực thuộc Trung ương với chiến lược phát triển là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, là trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, là trung tâm lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục của cả nước... Với vị thế mới, tâm thế tự tin mới, với sức bật mới, Huế sẽ vươn lên tỏa sáng cùng đất nước kể từ mốc 50 năm giải phóng, thống nhất, phát triển.

[1] Larry Berman: Không hòa bình, chẳng danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam - Bản tiếng Anh của Nxb Free Press, Simon&Schuster Group, NewYork, 2001, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Tide xuất bản, 2003, tr. 371 – 372. Larry Berman là GS Chính trị học của Đại học California. Ông cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng Điệp viên hoàn hảo (Perfect spy) viết về nhà tình báo nổi danh Phạm Xuân Ẩn.

TS. Ngô Vương Anh

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/khuc-khai-hoan-doc-lap-tu-do-thong-nhat-va-phat-trien-153098.html