Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh là một trong những ngôi trường hàng đầu về đào tạo thể thao tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Quyết tâm dấn thân với thể thao
Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh (ĐH TDTT Bắc Ninh) là một trong những ngôi trường hàng đầu về đào tạo thể thao tại Việt Nam với nhiều cái tên thành danh từng gắn bó tại đây như Hoàng Xuân Vinh, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Lê Đức Phát… Ở trường, sinh viên được huấn luyện bài bản với lịch học cân đối giữa các môn đại cương nền tảng và các buổi tập chuyên sâu. Không gian rộng lớn với nhiều cụm công trình riêng biệt cho từng môn thể thao phục vụ tốt nhu cầu học tập của sinh viên.
Anh Giàng Dí Tang, một người con đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Lai Châu với quyết tâm thay đổi cuộc sống và tình yêu thể thao, đã vượt mọi khó khăn, theo học chuyên ngành điền kinh. Bằng trải nghiệm và quan sát của mình, anh Tang cho biết, đối tượng người học tại trường gồm sinh viên và vận động viên. Trong đó, sinh viên được học các môn văn hóa kết hợp chuyên sâu trực tiếp tại trường còn vận động viên học trực tuyến vào buổi tối và khoảng một tháng một lần mới về trường học. Việc phân loại được tiến hành ngay từ khâu tuyển sinh dựa trên kết quả thi năng khiếu (bật xa tại chỗ và chạy 100m).
Anh Giàng Dí Tang vượt qua hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi đam mê thể thao. (Ảnh: Văn Lịch) |
Từng là vận động viên đại diện tỉnh tham gia các giải vô địch quốc gia, giải phong trào cá nhân và đồng đội trên toàn quốc, anh Tang có được một nền tảng thể lực tốt. Đó cũng chính là động lực để anh tiếp tục theo đuổi thể thao. Ở môi trường mới, anh phải cố gắng cân bằng thời gian thi đấu và học tập để hoàn thành trọn vẹn mọi công việc. Đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên dày dặn kinh nghiệm và sự thành công của các thế hệ vận động viên đi trước chính là động lực để anh phấn đấu mỗi ngày.
Cũng giống như anh Tang, chị Hoàng Ngọc Mai Khanh, sinh viên năm nhất chuyên ngành bóng chuyền cũng có một hành trình đặc biệt với thể thao. Những thành tích ấn tượng tại nhiều giải đấu như Huy chương Đồng boxing năm 2023 và 2024, Huy chương Bạc môn võ châu Á và tham gia nhiều giải đấu bóng chuyền, chị Mai Khanh dễ dàng thích nghi với môi trường đại học.
Chia sẻ về kết quả cao trong những môn thể thao khác nhau dù học sâu về bóng chuyền, chị Khanh cho biết: “Điều quan trọng trong thể thao là các bạn phải có thể lực. Đối với mình, thi đấu các môn khác là một trải nghiệm để thử sức, rèn luyện sự bền bỉ. May mắn được ở trong môi trường thể thao từ sớm nên mình dễ dàng bắt nhịp với các môn khác nhau. Thế nên mình chỉ cần học thêm kiến thức và kỹ thuật chuyên sâu của môn đó là có thể thi đấu tốt”.
Chị Hoàng Nguyễn Mai Khanh với thành tích nổi bật tại nhiều môn thể thao. (Ảnh: NVCC) |
Được tạo điều kiện phân bổ thời gian hợp lý để đi thi đấu cũng là một lý do mà chị lựa chọn theo học tại trường. Trong thời gian ở đội tuyển, chị chủ yếu học vào buổi tối. Từ khi lên đại học, chị cảm thấy rất vui vì được gặp thêm bạn mới, trải nghiệm cuộc sống sinh viên.
Trước những mục tiêu trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, trường ĐH TDTT Bắc Ninh không chỉ dừng lại ở phát triển thể thao đơn thuần mà còn hướng tới việc gắn kết thể thao và kinh tế, đào tạo nguồn lực cho xu hướng này. Trên thực tế, phát triển kinh tế thể thao là xu hướng tất yếu của thế giới, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế mỗi quốc gia và tạo việc làm, nguồn thu ổn định cho người dân.
Ở góc nhìn của ban đào tạo, cô Nguyễn Xuân Phương và thầy Đỗ Hữu Ngọc, giảng viên Khoa quản lý thể dục thể thao, tự hào chia sẻ về vai trò của thể thao trong tương lai: “Con người của xã hội hiện đại mà chưa tham gia hoạt động thể dục thể thao, nghĩa là bạn chưa đạt đến trình độ của xã hội văn minh, cuộc sống của bạn vẫn còn thiếu một hoạt động tuyệt vời”.
Có thể nói, thể thao là một phương tiện gắn kết mọi người, giúp tạo ra một cộng đồng tích cực và hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi người cần chủ động tập luyện và có thói quen rèn luyện thể thao thường xuyên nhằm xây dựng lối sống năng động, hướng tới mục tiêu toàn dân khỏe mạnh, nâng cao tầm vóc thanh niên nước nhà.
Cô Nguyễn Xuân Phương và thầy Đỗ Hữu Ngọc, giảng viên Khoa quản lý thể dục thể thao trường ĐH TDTT Bắc Ninh. (Ảnh: NVCC) |
Khó khăn hiện hữu
Được biết, trường ĐH TDTT Bắc Ninh vừa kỷ niệm 65 năm thành lập. Với bề dày lịch sử như vậy, hệ thống cơ sở vật chất dù vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập và sinh hoạt của sinh viên, vận động viên, nhưng hiện đã xuống cấp. Điển hình, khu kí túc xá của trường còn chưa hoàn thiện, diện tích mỗi phòng hạn chế, thiếu trang thiết bị như điều hòa, bình nóng lạnh...
Các chính sách đãi ngộ vẫn là một rào cản lớn. Công tác đầu tư, hỗ trợ tài chính cho nhân lực ngành thể thao còn thiếu đồng bộ. Thực trạng này đã tạo ra tâm lý e ngại, cản trở việc thu hút nhân tài tham gia học tập, thi đấu chuyên nghiệp cũng như theo đuổi con đường thể thao. Đặc biệt, mức thu nhập và đãi ngộ cho huấn luyện viên - những người có cống hiến rất lớn cho thành công trong thể thao, còn chưa phù hợp và cần được quan tâm, cải thiện hơn nữa.
Cô Phương tâm sự thêm: “Một huấn luyện viên khi đã gắn bó với đội tuyển, họ trở thành bố mẹ thứ hai, thế giới thứ hai của các vận động viên, đặc biệt là những em phải xa gia đình từ nhỏ. Họ không chỉ bên cạnh các bạn ấy trên sàn đấu mà còn trong từng giờ học, từng bữa cơm, từng giấc ngủ. Họ đầu tư rất nhiều thời gian, tâm huyết cho đội tuyển”.
Sự tự lập và kỷ luật là vô cùng cần thiết đối với sinh viên của trường, nhất là những em xa nhà. Lịch thi đấu dày trong các ngày lễ, các tháng hè đòi hỏi vận động viên phải kiên trì. Giờ học, giờ ăn, giờ ngủ đều phải tuân thủ nghiêm túc theo giáo án của ban huấn luyện. Ngoài ra, học phí và sinh hoạt phí vẫn luôn là một trở ngại đối với sinh viên đến từ vùng sâu vùng xa, điều kiện gia đình khó khăn. “Trong thể thao, ai cũng muốn mình giỏi, cống hiến cho quê hương, đất nước. Mình cũng từng rất cố gắng nhưng bị dính chấn thương nên đó là thách thức lớn đối với mình trong con đường theo đuổi thể thao chuyên nghiệp”, anh Tang chia sẻ.
Hình lưu niệm các khóa sinh viên Khoa quản lý thể dục thể thao, trường ĐH TDTT Bắc Ninh. (Ảnh: Văn Lịch) |
Nỗ lực thay đổi tương lai
Nhà nước, các cơ quan chuyên trách cũng như toàn xã hội đã và đang có những thay đổi tích cực nhằm thúc đẩy các hoạt động thể dục thể thao, phát triển các ngành kinh tế liên quan. Điều đó thể hiện rõ trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 3/5 về việc đẩy mạnh công tác giảng dạy các môn năng khiếu, mời chuyên gia, vận động viên dạy thể dục thể thao cho học sinh phổ thông.
Trong chương trình đào tạo, trường ĐH TDTT Bắc Ninh cũng liên tục cập nhật những môn thể thao mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội. Bên cạnh đó, những công trình thể chất đang được tiến hành cải tạo để đảm bảo việc học của sinh viên diễn ra thuận lợi. Hệ thống sân tennis trong trường đã được nâng cấp thành 5 sân phục vụ giảng dạy môn pickleball. Đồng thời, nhà trường cũng có những chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với các mức miễn giảm từ 70% - 100% cùng trợ cấp hàng tháng.
Cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường thể dục thể thao luôn rộng mở và đa dạng. Mỗi người sẽ có những định hướng riêng cho bản thân. Sinh viên sau khi ra trường có thể tham gia công tác tại các cơ sở đào tạo thể thao chuyên nghiệp, các trường đại học hoặc giảng dạy các môn thể thao, làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp…
Chia sẻ về dự định tương lai, chị Khanh cho biết: “Sau này nếu có duyên, mình sẽ làm cô giáo dạy thể dục hoặc huấn luyện viên”. Hiểu rõ việc trở thành một huấn luyện viên đòi hỏi sự cố gắng rất lớn, chị quyết tâm học tập và rèn luyện chăm chỉ để nắm bắt được cơ hội khi ra trường.
“Mục tiêu của mình là cố gắng sau này ra trường có công ăn việc làm, không khổ như bố mẹ ngày trước, để sau khi ra trường mình sẽ có tương lai”, anh Tang bộc bạch định hướng của bản thân. Hiện tại, bên cạnh lịch học ở trường, anh dành thời gian cuối tuần đi làm thêm như dạy bơi, dạy bóng đá để trang trải cuộc sống. Tấm bằng đại học sẽ là động lực giúp anh Tang vượt qua khó khăn, tiến về phía trước.
Nguồn: https://baoquocte.vn/con-duong-theo-duoi-the-thao-trong-giai-doan-moi-315236.html
Bình luận (0)